(BVPL) - Làng Phú Lạp, xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh ở dưới chân núi Hồng Lĩnh, là một trong những cái nôi ca trù của nước ta. Ca trù Cổ Đạm có nét độc đáo riêng nên được triều đình nhà Nguyễn ở Huế rất ưa chuộng.    
 


Ông Phan Phú Giai, một ca công đóng vai hề nổi tiếng và hát điệu trào lộng rất hay. Ông được vua Gia Long mời vào cung đình hát cho Vua và các quan nghe. Mỗi lần xem Phan Phú Giai biểu diễn, nhà Vua không nín nổi cười. Ông được ngợi khen và ban thưởng, tin tưởng cử làm Cai ty giáo phường. Con trai của ông là Phan Phú Truyền cũng hát ca trù nổi tiếng được bổ làm chức thị xướng, hầu hát trong nội điện. Từ đó, chức Cai ty giáo phường xứ Nghệ được giao cho giáo phường Phú Lạp cha truyền, con nối. Đến đời Minh Mạng, Cai ty giáo phường được đổi tên Thanh Bình đội. Chức đứng đầu Thanh Bình đội vẫn giao cho giáo phường Phú Lạp đảm nhiệm. Triều đình nhà Nguyễn đặt cho làng Phú Lạp 4 chữ: “Mĩ tục khả gia”. Trong thời Nguyễn có 4 cô đào bước chân vào Hoàng tộc: Ngự ca Nguyễn Thị Bính, vợ ông Tôn Thất Hân một người học rộng, tài cao, một trọng thần đầu triều; Danh ca Phan Thị Xuân lấy em Tôn Thất Hân; Ngự ca Nguyễn Thị Thư lấy con trai Tôn Thất Hân; Ngự ca Trần Thị Khang thế hệ ngự ca cuối cùng của ca trù Cổ Đạm. Bà có nhan sắc hiếm có, hát hay đàn giỏi, sành âm luật trong xướng họa, tính tình thùy mị, nết na. Bà lấy em trai Vua Khải Định. Không may chồng mất sớm. Sau khi chồng mất một thời gian, bà bế con về quê. Rời cung đình Huế nhưng tài năng, nhan sắc của bà làm cho nhiều vị quan mê mẩn. Có một vị quan Thượng thư từ Huế gửi thư cho bà. Nhận được thư bà viết thư họa lại. Thư của bà viết sâu sắc, kín đáo, chối từ khéo léo, làm xao xuyến người đọc:

Từ buổi chia tay khách đế đình  
Việc nhà cô quả thiếp về Vinh
Ngửa hai tay trắng cười duyên phận
Cầm bốn tao nôi kể sự tình
Đàn phách hãy còn theo dặm tía
Phấn son chưa dễ phụ mày xanh  
Gửi người quân tử thơ đề tặng
Nhớ mãi Hương Giang nhớ Ngự Bình.           
                                                             

Trong suốt 140 năm, ca trù giáo phường Phú Lạp được triều đình Huế gọi là “Đội quốc nhạc”. Mỗi khi triều đình có lễ lạt, khánh tiết lớn, Phú Lạp cử một đoàn vào phục vụ. Lúc ra về, đoàn chọn một tốp ở lại phục vụ thường xuyên cung đình trong suốt kỳ lễ.   

Sau năm 1945, ca trù Cổ Đạm mai một dần. Nhiều người đam mê, hiểu biết ca trù Cổ Đạm thấy không thể để mất đi một dòng thi ca bác học, đã có trên đất Nghi Xuân nhiều thế kỷ, nên đề nghị với huyện, với Phòng Văn hóa có giải pháp để hồi sinh ca trù. Tháng 12/1998, UBND huyện Nghi Xuân cùng với Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Hội thảo ca trù Cổ Đạm. Sau khi Hội thảo được lãnh đạo tỉnh đồng tình, các nhà nghiên cứu khẩn thiết yêu cầu phải làm sống lại ca trù Cổ Đạm. Phòng Văn hóa huyện cho cán bộ xuống Cổ Đạm tìm được một số nghệ nhân ca trù đang còn sống nhưng tuổi đều đã trên 80. Đó là bà Phan Thị Mơn, Nguyễn Thi Nga, Trần Thị Gia, Hà Thị Bình, Phan Thị Lý và ông Nguyễn Phùng. Từ đó, Phòng Văn hóa huyện cùng với xã thành lập Câu lạc bộ ca trù Cổ Đạm. Chủ nhiệm Câu lạc bộ do ông Nguyễn Phùng, một giáo viên về hưu rất hiểu biết về ca trù Cổ Đạm đảm nhiệm. Câu lạc bộ đã đào tạo được nhiều tài năng trẻ như: đào nương Nguyễn Thị Loan, Cao Thị Hà, Dương Thị Xanh, Dương Thị Nết. Tiếp sau đó, huyện đã cho thành lập Câu lạc bộ ca trù Nguyễn Công Trứ, đưa ca trù vào trường học, hàng năm tổ chức hội diễn. Nhờ vậy, ca trù Cổ Đạm đã hồi sinh. Tháng 6 năm 2006, Bộ Văn hóa Thông tin lập hồ sơ trình UNESCO công nhận ca trù là Di sản văn hóa phi vật thể truyền khẩu của nhân loại, Câu lạc bộ ca trù Cổ Đạm đảm nhiệm nội dung hát múa Cửa đình. Trong những năm qua, lần nào dự Hội diễn ca trù toàn quốc, Câu lạc bộ ca trù Cổ Đạm và Câu lạc bộ ca trù Nguyễn Công Trứ cũng đạt giải. Hội diễn ca trù toàn quốc năm 2014, Nghi Xuân cũng đạt thành tích cao. Tiết mục hát múa Tứ quý đạt Huy chương Vàng. Ca nương Dương Thị Xanh là 1 trong 9 giọng ca trù xuất sắc toàn quốc. Trần Văn Đài cũng là 1 trong 9 người xuất sắc kép đàn hay toàn quốc. Em Nguyễn Thị Hà mới 12 tuổi nhưng là 1 trong 2 giọng ca trù triển vọng của đất nước...            

                   
Xuân này, chúng tôi lại cùng nhau về Cổ Đạm nghe hát ca trù.                                              
 

Hải Hưng

.