(BVPL) - Mấy hôm nay, ông thấy trong người khang khác. Có thể do thời tiết đang chuyển mùa từ thu sang đông? Có thể do hơn tháng nay công việc bận bịu, họp hành liên miên, toàn những cuộc họp kéo dài có hôm đến gần 9 giờ tối. Những chuyến công tác cũng dài hơn bởi từ dạo kinh tế khủng hoảng, đủ thứ bong bóng vỡ, ông không còn tin vào những báo cáo của cấp dưới. Rồi gần đây, câu chuyện về một công trình đã làm ông tỉnh ra. Hóa ra, người ta thích mọi báo cáo đều màu hồng, tròn vo mà không biết rằng, công trình ấy đang ách tắc.
Vị cán bộ có chuyên môn và vừa được đề bạt, thấy nét mặt băn khoăn của ông đã mạnh dạn nói:
- Báo cáo thủ trưởng. Em biết thủ trưởng đang lo về công trình này. Thủ trưởng cứ giao cho em phụ trách chỉ đạo việc thi công ở đó.
Thế thì tốt quá.
- Thủ trưởng yên tâm vì cậu bạn em cùng học cao cấp lý luận chính trị ở trường chính trị tỉnh, giờ là Phó Chủ tịch phụ trách xây dựng của tỉnh mà công trình đang xây dựng.
- Thế thì tốt quá. Hiểu nhau rồi thì làm việc sẽ hiệu quả hơn. Tôi nhất trí. Hy vọng công trình được xây đúng tiến độ để đối tác nước ngoài khỏi phàn nàn.
Gần hết thời gian thi công, nhân có chuyến công tác gần công trình đó, ông rẽ qua. Ngay lập tức, ông được nghe những lời phàn nàn của dân và lãnh đạo địa phương về công trình đang dở dang, bừa bãi đó. Ông cố giữ bình tĩnh gọi điện về cho viên cán bộ tỏ ra mẫn cán kia. Ông này lại hỉ hả nói qua điện thoại:
- Báo cáo anh, công trình đó đã cơ bản hoàn thành, chỉ chờ hoàn công là mời anh vào cắt băng khánh thành.
Ông cố nén cơn ho đang chực bật ra.
- Tôi đang đứng ở chỗ mà anh nói là đã hoàn thành đây.
Phải chăng do gần đây phát hiện những sự dối trá như thế ngày càng nhiều nên ông bị stress nặng. Trong các cuộc họp, mỗi khi nhắc đến những chuyện này, ông lại cảm thấy cổ nghẹn lại như đang bị vướng một vật vô hình. Mới đầu ông cho là bình thường, nhưng ngay cả khi ông ở trạng thái thanh thản nhất, ngồi trong phòng làm việc thì vẫn thấy nghèn nghẹn. Lạ lùng hơn là mấy hôm nay, ông nhận ra cơn đau thắt nơi cuống họng. Đêm qua, đang ngủ, ông choàng dậy khi thấy cổ ông như bị bàn tay vô hình nào đó bóp mạnh. Khó thở, khó chịu và bức bối khiến ông không thể nằm yên. Ông vừa ngồi dậy đã thấy rõ rệt cảm giác vừa muốn ho vừa muốn nôn. Ông đi nhanh ra nhà vệ sinh. Ông không muốn vợ, con thấy ông trong trạng thái bất thường này. Ra đến phòng vệ sinh, ông bật đèn rồi đóng sập cửa lại. Ngay lập tức, ông nôn thốc ra. Ông thật sự kinh hãi khi thấy bãi nôn toàn máu với những mảnh lợn cợn. Ông xối nước, tắt đèn lặng lẽ đi vào phòng, rồi nằm vật xuống giường. Trong sự trơ lỳ của đôi mắt và một chút lo lắng về những biểu hiện của cơ thể, ông cảm thấy ân hận, cảm thấy có lỗi với một người đàn bà gắn bó cả đời với mình và cả với đứa con…
Có lẽ đứa con gái đó giờ đây chí ít cũng hơn ba mươi rồi. Dạo đó, ông là anh kỹ sư trẻ vừa ra trường. Khi ông đến công trường xây dựng chiếc cầu xi măng dự ứng lực ở một tỉnh miền biển thì gặp cô ấy. Cô có đôi mắt mà ngay cả khi bình thường đã ủ một nỗi buồn thầm kín nào đó. Một lần, khi đội cầu của anh vừa đúc thành công xong một tấm Pa nen cuối cùng chuẩn bị cho ngày hợp long cầu thì cô theo lời hẹn mang cua bể đến cho đội cầu. Đêm đó, giữa bãi cát mênh mông, có tiếng gió từ phi lao già cỗi, cô gái có đôi mắt buồn đã khóc nấc lên thì thào: “Em… hạnh… phúc quá. Anh đừng bỏ…em”.
Khổ một nỗi, ba ngày sau cái đêm đáng nhớ đó, anh được công ty gọi gấp về để sang Liên Xô tham gia khoá học nâng cao. Năm năm sau trở về, công việc cuốn theo khiến ông không còn nghĩ đến kỉ niệm trên bãi cát mịn màng cùng cô gái xóm chài xưa. Chỉ đến khi trở thành Giám đốc của một công ty cầu nổi tiếng, ông mới trở lại chốn cũ.
Mặc dù cảnh cũ dường như đổi thay hoàn toàn, nhưng trong ông chợt loé lên nỗi nhớ về một kỉ niệm tưởng chừng đã bị vùi lấp sau bao nhiêu năm tháng. Rồi ông làm như tình cờ nhắc đến cô gái bắt cua ghẹ có đôi mắt buồn ở thời xa lắc ấy khi trò chuyện với ông lão đánh cá. Ông lão trề môi, vẻ khinh bỉ: “Ôi dào, cô nàng chửa hoang với một tay thợ cầu, xấu hổ nên bỏ làng đi lâu lắm rồi. Thấy chú Nhân, em họ tôi bảo có gặp cô ta bán cóc ngâm ở gần … Kì Hoà thì phải”.
- Nhà hát Kì Hoà? Ông nhắc lại với vẻ thản nhiên.
- Đúng, nhà hát Kì Hoà. - Người nói chuyện reo lên vẻ thích thú.
- Thế chú Nhân bây giờ ở đâu ạ?
- Chú ấy tài lắm. Vẫn làm đại lý sắt cho mấy hãng lớn, chuyên cung cấp vật liệu cho dân làm cầu các ông đấy. Ông chờ tý. Đây, đây điện thoại của chú ấy đây. Nếu ông cần gì cứ gọi cho chú ấy. Nhớ bảo tôi giới thiệu đấy. Ông nói rõ như thế để tôi kiếm tý. Chú ấy làm ăn sòng phẳng nên phát tài tợn.
Câu chuyện cách đây hơn mười năm tưởng như đã ngủ yên trong lòng vậy mà…đêm nay…Ông bật dậy cố nén cảm giác khó chịu đang dâng lên nơi cổ họng để lần cuốn sổ cũ kĩ gí vào ngọn đèn ngủ tìm một số điện thoại…
Sáng hôm sau, ông đến thẳng phòng y tế. Khi gặp viên bác sĩ phụ trách ông nói ngay:
- Tôi muốn anh khám thật kĩ, rồi cho tôi lời nói thật về tình trạng sức khoẻ của tôi.
- Sếp lo xa quá. Sếp cứ nghỉ cho em một vài ngày. Tránh mọi lo nghĩ công việc thì mọi sự lại bình thường thôi. Trông sếp thế này thì chỉ hắt hơi, sổ mũi là cùng.
- Anh cứ xem kĩ cho tôi.
- Em đã khám chuẩn rồi. Sếp yên tâm.
Biết không thuyết phục được viên bác sĩ cơ quan, ông về phòng làm việc. Vừa ngồi vào ghế, định giở tài liệu ra xem qua thì cảm giác nghèn nghẹn lại xuất hiện nơi cuống họng. Ông ngả người ra ghế, đưa tay vuốt vuốt sau gáy. Sau đó, ông lững thững cố làm ra vẻ bình thản đi ra khỏi cổng cơ quan, gọi tắc xi bảo đưa đến phòng khám dịch vụ của một bệnh viện. Vừa nhìn thấy ông, bác sĩ đang ngồi bỗng đứng dậy nói giọng lễ phép:
- Xin lỗi, ông chờ cho một tý.
Ngay sau đó, ông nghe có tiếng thì thào bàn nhau của hai người đàn ông.
- Ông này hôm nọ rõ ràng tôi thấy trả lời trên ti vi. Hình như thứ trưởng của Bộ..
- Thứ trưởng gì mà lại đi như thế này, ông có nhầm không?
- 100%. Bây giờ đang có chủ trương các sếp đi vi hành xem tình hình thực tế đấy.
- Nếu đúng thế thì ông cứ liệu. Hết sức cẩn thận đấy.
Ông bác sĩ trở vào phòng. Sau khi làm mọi thủ tục khám xét, ông này bảo:
- Có thể do thời tiết nên ông cảm thấy thế thôi, chứ về cơ bản sức khoẻ của ông rất tốt: Huyết áp chuẩn, tim mạch bình thường.
- Tôi muốn ông cho tôi một lời nói thật.
- Vâng, vâng! Đúng là thế đấy ạ!
Chán nản vì không thể nhận được câu nói thật, ông đành đeo kính đen, mặc chiếc áo thổ cẩm rồi mua một cuốn y bạ và đứng xếp hàng ở bệnh viện K. Khi nhìn bà bác sĩ cao lớn mặt rỗ, ông cúi đầu vì sợ bà nhận ra. Ông nói khẽ:
- Xin bác sĩ nói thật bệnh tình cho tôi.
Bà bác sĩ nhìn ngước qua đầu ông, nói oang oang để át đi tiếng ồn ào bên ngoài:
- Ông lạ thật. Bị K vòm họng ở giai đoạn cuối rồi mà bây giờ mới đến.
- Xin bác sĩ cho biết, nếu như vậy thì tôi có thể sống bao lâu nữa.
- Ông đừng buồn, nhưng lâu nhất là 2 tháng thôi. Bà bác sĩ mặt rỗ hơi hạ giọng thản nhiên nói.
Trên đường về, điều lạ là ông không thấy buồn một chút nào, mà chỉ cảm thấy thời gian để giải quyết mọi công việc còn lại trên đời quá ít. Việc cơ quan thì do lối làm việc qui củ của ông nên mọi sự có thể giải quyết nhanh chóng, còn việc gia đình, vợ ông còn một hai năm nữa về hưu, với lương hưu và những gì ông để lại cho cô ấy thì chắc vẫn ổn. Hai con ông đã thành gia thất… Điều ân hận lớn nhất của ông là về cô con gái “rơi” và người đàn bà cách đây gần 40 năm.
Ngày hôm sau, ông gọi điện cho ông Nhân bán sắt rồi bay vào TP.HCM. Qua ông Nhân, ông đã tìm gặp được người con gái năm xưa. Cô ấy, giờ đã lên chức bà. Từ giọng nói đến ăn mặc đã pha chất Nam bộ. Ông chồng đi xe ôm. Lần gá nghĩa này không thêm người con nào nên con rể, cháu ngoại lít nhít ba đứa đều ở cùng một nhà.
Ông ra Hà Nội vào giờ bay muộn nhất, về đến nhà là hơn một giờ rưỡi sáng. Thay quần áo xong, ông đóng chặt cửa phòng, ngồi thừ xuống ghế và bật máy tính. Chưa bao giờ ông viết nhiều như thế, chốc chốc lại ngừng vì kính nhòa lên mắt. Rồi mệt quá, ông thiếp đi lúc nào không hay. Hai ngày sau, vào lúc gần nửa đêm, ông pha sẵn hai cốc sữa rồi sang phòng gọi vợ:
Em uống sữa đi.
Có chuyện gì thế anh?
Sau hơi thở dài, ông mạnh dạn nói về hiện trạng sức khoẻ của mình, rồi trầm giọng:
- Em, con, cháu thì mọi sự anh đã ghi trong di chúc. Còn một việc nữa, anh phải xin lỗi em…. Ngày xưa khi chưa lấy em, anh…
Nhưng vợ ông bỗng thoáng cười, rồi ngắt lời:
- Anh không cần nói nữa. Em vô tình đọc được những điều anh viết trên máy tính nên biết hết rồi. Cái chính bây giờ là anh giữ gìn sức khoẻ. Thiếu gì người bị như anh nhưng điều trị hợp lý nên vẫn sống tốt.
- Mình phòng bị vẫn hơn. Anh muốn… nếu anh có mệnh hệ gì thì em hãy cùng con trai rồi cả chú nó nữa vào …Số tiền này anh …
- Anh không phải nói nữa, tuần này em bận quá, nhưng Chủ nhật em sẽ bàn với con, với chú nó để ba người cùng vào. Một là xem mấy công ty của Bộ mình trong ấy có việc làm gì phù hợp cho con gái và con rể. Em sẽ vào nói chuyện với chị ấy, xem tình hình nhà cửa . Số tiền của anh, của em…Không nghĩ nhiều nữa. Anh phải giữ gìn sức khoẻ và tìm cách chữa trị tốt nhất…
Em nói… thật… đấy chứ…
Giọng ông ầng ậc nước mắt .
Người vợ đưa ông cốc sữa, dịu dàng:
- Em ở với anh chừng ấy năm trời, anh đã thấy em nói sai bao giờ chưa? Sức khoẻ giờ là hàng đầu. Lúc nào có điều kiện vào thăm mấy đứa cháu ngoại, em sẽ đi cùng. Anh nằm nghỉ đi. Không nghĩ ngợi nữa, hại sức khoẻ lắm. Cùng là đàn bà với nhau… em biết chị ấy cũng vất vả lắm…
Chưa đầy một tháng sau thì bệnh ông phát nặng, rồi nửa tháng sau thì ông ra đi. Nhưng ngày ông ra đi, ông hoàn toàn thanh thản…
Buổi tối trước khi đưa tang ông 2 hôm, họ hàng, bè bạn, cán bộ của Bộ đã về hết, con trai cả cũng là duy nhất của ông nhắc mẹ:
- Hay là con bay vào trong kia nói rõ với cô ấy rồi đưa tiền cho cô ấy, rồi bảo chị… ra dự tang bố cho trọn nghĩa… Dù sao nghĩa tử cũng là...
Nghe con nói chưa dứt, vợ ông đã quắc mắt:
- Mày định nói nghĩa tử nghĩa tận chứ gì. Vớ vẩn. Tao nghĩ chả có hơi đâu. Từ giờ trở đi mày đừng nhắc đến chuyện ấy làm tao lại điên lên đấy.
Nhưng mẹ đã hứa với bố như thế… đứa con rụt rè nói:
Bà mẹ đứng phắt dậy:
- Thì ông ấy nằm đấy, tao nói cho qua chuyện chứ đàn bà dại thì chết. Chả ai thương. Bố mày tính dành cho mẹ con nhà ấy ba trăm triệu. Có mà điên, tự nhiên vứt từng ấy tiền cho thiên hạ. Tiền có phải vỏ hến đâu. Vớ vẩn.
Truyện ngắn của Nguyễn Hiếu