(BVPL) - Đồng bào Ca Dong (một nhóm chính của dân tộc Xơ Đăng, thuộc ngữ hệ Môn - Khơme) sống tập trung ở hai huyện miền núi Nam-Bắc Trà My (Quảng Nam) có một nền văn hóa phi vật thể rất phong phú, độc đáo. Đặc biệt, tục cúng thần lúa của đồng bào nơi đây được xem là “di sản lạ lùng” thu hút du khách thập phương mỗi lần đến thăm. Nét đẹp truyền thống này rất cần được bảo tồn, duy trì và phát huy.
 

1
Một lễ hội văn hóa cúng thần của đồng bào vùng cao xứ Quảng. Ảnh: ST


Tôn thờ những vị thần lúa quyền năng

Từ trung tâm huyện Bắc Trà My, chạy xe máy hơn 45km theo tỉnh lộ ĐT616 rồi bộ nửa ngày trời xuyên rừng, chúng tôi mới tới được bản Song Prịa (thuộc thôn 7, xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My) - nơi được xem là sơn cùng thủy tận của miền sơn cước Bắc Trà My. Bản chỉ có trên dưới 10 nóc nhà, sống nép mình bên thượng nguồn dòng sông Tranh.

Những ngày tác nghiệp ở Song Prịa, chúng tôi được nghe đồng bào Ca Dong kể nhiều câu chuyện, truyền thuyết về các vị thần núi, thần lúa đầy quyền năng. Mỗi câu chuyện huyền bí được kể bên bếp lửa bập bùng giữa đêm khuya là một lát cắt về đời sống tâm linh, tinh thần của người dân Ca Dong.

Một hơi cạn chén rượu nồng, giọng ông Hồ Văn Sam (63 tuổi) trầm ngâm: Từ thuở khốn khó, mở đất định cư, cuộc sống của đồng bào Ca Dong đã gắn bó rất mật thiết với cây lúa trên nương rẫy. Trải qua thời gian, cùng với bao biến cố, thăng trầm, cây lúa đã ăn sâu vào tâm thức của người dân Ca Dong sống ở bản Song Prịa nói riêng và ở hai huyện Nam-Bắc Trà My nói chung như một vị thần linh.

Theo lời ông Sam thì người dân Ca Dong quan niệm rằng, cây lúa có linh hồn và có ba vị thần lúa luôn hiện diện trong tâm thức của mình đó là: thần lúa giống (Prịa cheng), thần lúa mới (Song ka Prịa a xiêu), thần lúa kho (Song ka Prịa a nẹm). Đây là những vị thần lúa đầy quyền năng và được đồng bào Ca Dong tôn thờ.

Vào thời điểm gieo cấy, thu hoạch hoặc mở kho thóc là người dân Ca Dong lại bày cỗ vật sang trọng cúng các thần lúa để bày tỏ lòng biết ơn đã đem đến của cải, vật chất, cuộc sống ấm no cho con người.

Cỗ vật cúng thần lúa của đồng bào Ca Dong thường là những sản vật “cây nhà lá vườn” như: một con gà luộc vàng ngậy; một con cá nhép lặn được ở sông, suối; hai chén xôi đậu; một đĩa cơm lam; hai nong chả thịt heo; một tô canh; một đĩa trầu cau; một gói thuốc lá; một ít lá thơm hái từ rừng về và hai đồng xu dùng để làm lễ. Nét đặc sắc trong văn hóa thờ cúng thần lúa của đồng bào Ca Dong nơi đây là trong nghi lễ không có thắp hương như đồng bào người Kinh, mà chỉ cần đặt cỗ vật rồi dùng hai đồng xu khấn cầu, “mời” thần lúa về chung vui, “thưởng thức”.

 

2
Lễ vật cúng thần lúa của đồng bào Ca Dong ở Quảng Nam.


Theo quan niệm, sau lễ cúng, nếu thần lúa mà “ưng cái bụng” thì vụ đó cây lúa trên nương rẫy sẽ tốt tươi, nặng hạt, người dân được mùa. Còn cây lúa mà sinh trưởng kém, sâu bệnh nhiều, ít hạt mà gia chủ cảm thấy lo lắng, bất an thì vụ kế tiếp phải bày cỗ vật đầy đủ, sang trọng, chu đáo hơn để cúng thần lúa…

Di sản văn hóa phi vật thể độc đáo

Từ bao đời nay, lễ cúng thần lúa của người Ca Dong đã trở thành tín ngưỡng, mang đậm nét văn hóa tâm linh của đồng bào, tôn vinh các vị thần lúa của mình. Vào những năm mưa thuận gió hòa, cây lúa trên nương, trên rẫy cho nhiều hạt, người Ca Dong không ngớt vui mừng, sung sướng. Đó là lúc gia đình bàn chuyện với các bô lão, già làng xin mở hội ăn mừng thần lúa.

Khi gia đình đang háo hức cho ngày hội của mình thì  trên khắp các bản làng của người Ca Dong, những cơn mưa cuối mùa của đất trời cũng vừa chấm dứt. Nắng xuân tỏa khắp núi rừng, làng bản. Cây cối đâm chồi, nảy lộc khiến lòng người Ca Dong càng thêm nhộn nhịp. Tất cả những điều đó khiến đời sống tinh thần, vật chất của đồng bào thêm ý nghĩa, trọn vẹn hơn.

 

3
Theo ông Hồ Văn Sam thì người Ca Dong luôn coi thần lúa là vị thần đầy quyền năng.


Mấy ngày “nằm vùng” ở bản Song Prịa, chúng tôi là người may mắn được chủ nhà Hồ Văn Sam và nhiều gia đình trong bản cho tham dự, ăn mừng Tết lúa mới. Ngoài ba vị thần lúa đầy quyền năng thì ông bà, tổ tiên và các Yàng như: Yàng pui (thần lửa), Yàng kong (thần núi), Kará-tơní (thần đất), Kará-mắthy (thần mặt trời), Kará-mó huýt (thần nước), Két-kará (ma tốt)… cũng được người dân Ca Dong mời về “tham dự”. Người Ca Dong tin rằng, chính ông bà tổ tiên và các vị thần đã giúp đỡ, chở che, đùm bọc họ vượt qua mọi hiểm nguy, hoạn nạn, nghèo đói, bệnh tật để có cuộc sống ấm no hơn.

Cúng thần xong, gia chủ và người thân, dân bản ngồi lại cùng với nhau “thưởng” lễ và uống rượu cần  no say rồi cầu chúc sức khỏe trong sự đùm bọc, ấm áp tình người, tình yêu thương, chia sẻ.

Nếu có dịp đến các bản làng của người Ca Dong trong ngày hội cúng thần lúa, hòa cùng không khí nhộn nhịp giữa tiết trời bao la, được tham dự ngày hội này cùng với đồng bào thì ắt hẳn sẽ để lại trong bạn những ấn tượng đẹp, khó quên. Đây thực sự là một Di sản văn hóa phi vật thể độc đáo, hấp dẫn cần được bảo tồn, duy trì và phát huy.
 

Ama Phong - Nguyễn Dương

.