Di dời nhà Cục tác chiến, hoàn trả không gian Hoàng Thành Thăng Long
Cập nhật lúc 15:56, Thứ sáu, 03/10/2014 (GMT+7)
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản số 3401/BVHTTDL-DSVH gửi Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội về việc hoàn trả không gian Điện Kính Thiên tại Hoàng Thành Thăng Long.
|
Thềm đá điện Kính Thiên trong khu di tích Hoàng thành Thăng Long. (Ảnh: TTXVN) |
Theo đó, Bộ đồng ý phương án di dời dãy nhà Cục tác chiến (Bộ Tổng Tham mưu của Quân đội Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ) về vị trí mới nhà N2B do Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội đề xuất, hoàn trả không gian Điện Kính Thiên. Tuy nhiên, việc di dời này phải đảm bảo giữ nguyên kiến trúc của dãy nhà.
Hiện nay, dãy nhà Cục tác chiến chia đôi quảng trường trước cửa nền điện Kính Thiên đến Đoan Môn làm hai khu vực. Việc di dời dãy nhà Cục tác chiến nhằm tái tạo lại trục chính tâm từ điện Kính Thiên đến Đoan Môn và tạo một quảng trường lớn trước nền điện Kính Thiên để phục vụ tổ chức các sự kiện lớn.
Văn bản của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng chỉ rõ, tại Khu thành cổ, tầng khảo cổ được xác định bắt đầu từ độ sâu 0,5-0,8 mét dưới nền đất. Trong khi đó, theo thiết kế, công trình di chuyển đến vị trí mới có móng sâu 1,1 mét. Điều này sẽ ảnh hưởng tới tầng khảo cổ.
Bởi vậy, trong quá trình thi công công trình, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội phải có sự giám sát khảo cổ chặt chẽ. Trong trường hợp phát hiện có di tích cần điều chỉnh, trung tâm cần bổ sung giải pháp thiết kế phù hợp.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng lưu ý, vị trí xây dựng không được làm ảnh hưởng đến tường, thành hiện có phía sau công trình. Các bên liên quan cần kiểm tra chặt chẽ các vật liệu sử dụng trong quá trình thực hiện, tránh loại bỏ các vật liệu, hiện vật gốc có giá trị.
Điện Kính Thiên là Chính điện của Hoàng Thành Thăng Long vào các triều đại Lê, Mạc, Lê Trung Hưng. Đây là nơi nhà vua cử hành nghi lễ đại triều và các nghi lễ quốc gia quan trọng.
Năm 1886, Điện Kính Thiên (sau này được đổi tên là Điện Long Thiên) bị quân Pháp phá hủy để xây Sở chỉ huy pháo binh. Hiện nay, Điện Kính Thiên chỉ còn dấu tích nền móng kiến trúc cao hơn 2 mét cùng bậc thềm chạm rồng và một số dấu tích khi đào thám sát.
Trước đó, Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội đã được công nhận là di sản văn hóa thế giới tại kỳ họp lần thứ 34 của Ủy ban Di sản Thế giới ngày 31/7/2010 tại Brazil./.
Theo Vietnam+
.