Nghệ thuật là lĩnh vực của sáng tạo và thật khó tưởng tượng nếu tồn tại nền nghệ thuật không sáng tạo. Liệu có mâu thuẫn khi đặt ra câu hỏi về giới hạn trong sáng tạo nghệ thuật và nếu có thì giới hạn đó là gì, ai quy định và kiểm soát? Suy cho cùng, sáng tạo văn học nghệ thuật cũng cần có giới hạn riêng và nghệ sĩ chính là người đặt ra, thực thi và tự kiểm soát giới hạn cho chính mình...

 


“Cặp đôi hoàn hảo” mùa thứ hai bị chê là cực kỳ “thiếu muối”. Không chỉ “Cặp đôi hoàn hảo” mà còn rất nhiều chương trình truyền hình thực tế khác lên sóng truyền hình thời gian gần đây đều không tạo được hiệu ứng như những mùa trước. Nhiều ý kiến cho rằng, các chương trình này đang bị “lập trình hóa” vì những quy định của format gốc nên thiếu sự sáng tạo cần thiết. Nhưng đôi khi sự sáng tạo “quá đà” của một vài nghệ sĩ tham gia chương trình đã đẩy tiếng cười giải trí đi quá xa đến mức thảm họa mới là nguyên nhân khiến khán giả không mặn mà với chương trình. “Chiêu trò” có cần cho những chương trình giải trí? Câu trả lời là có những chiêu trò thế nào và sáng tạo chiêu trò ra sao lại là vấn đề khác. Thảm họa nhất của “Cặp đôi hoàn hảo” mùa đầu tiên phải nói đến “ông hoàng nhạc Việt” - Đàm Vĩnh Hưng. Những chiêu trò mà Đàm Vĩnh Hưng sử dụng từ màn đóng giả “Chí Phèo - Thị Nở” đến màn giả gái để song ca với Kim Thư liên khúc Nỗi lòng - Nhớ anh luôn khiến người ta phải nhíu mày, nhăn trán bởi nó quá lố và vượt qua ranh giới cần thiết trong sáng tạo nghệ thuật. Tiếp nối Đàm Vĩnh Hưng, “Cặp đôi hoàn hảo” năm 2013 đã có “đệ tử” là cặp đôi Phan Đinh Tùng và Cát Phượng. Ban đầu, những chiêu trò hài hước của cặp đôi đã nhận được sự yêu quý của rất nhiều người. Đêm mở màn với ca khúc Đường xa ướt mưa với lối diễn “hát kết hợp hét” của Cát Phượng, cặp đôi này đã nhận được những cơn mưa lời khen của Ban giám khảo cũng như cư dân mạng. Nhưng “đường dài mới biết ngựa hay”, đến đêm thi thứ 6, với lựa chọn bài hát Phút cuối cho chủ đề nhạc jazz và R&B thì màn kịch “bắt trộm” chẳng hề liên quan đến nội dung bài hát đã khiến khán giả thấy “nhàm”, thậm chí “nhảm”. Không thể phủ nhận những nỗ lực sáng tạo của nghệ sĩ trong việc làm mới ca khúc, làm sinh động tiết mục biểu diễn nhưng việc lạm dụng chiêu trò, lối diễn hài hước cốt để che lấp đi những yếu điểm về giọng hát trong một cuộc thi hát sẽ đánh mất đi những giá trị đích thực của nghệ thuật.

Cái tên Đào Anh Khánh luôn gắn liền với những lùm xùm xung quanh những buổi biểu diễn “có một không hai” của anh. Năm ngoái, buổi biểu diễn có tên “Chợ quê” tại bãi giữa sông Hồng của Đào Anh Khánh đã phải dừng giữa chừng vì bà con nông dân phản đối. “Chợ quê” có sự tham gia của họa sĩ Nguyễn Thân, Đào Anh Khánh, Đoàn Minh Hoàn, nhạc sĩ đương đại Robert Pepper và Brett Zweiman (đến từ New York) với mục đích tái hiện cuộc sống, văn hóa ở những làng quê. Buổi trình diễn kết thúc khi bà con nông dân dùng “biện pháp mạnh” là đặt chiếc xe đạp chắn ngang sân khấu (!)

Nghệ thuật luôn cần đến sự sáng tạo và người nghệ sĩ phải không ngừng sáng tạo, tuy nhiên, sự sáng tạo cũng cần đến những giới hạn. Rất khó và có lẽ là không thể đặt ra những định mức cụ thể cho sự sáng tạo mà đòi hỏi người nghệ sĩ phải tự đặt ra những giới hạn cho chính mình, thực hiện và kiểm soát nó. Lòng tự trọng, niềm đam mê nghệ thuật, đạo đức, tri thức và sự nhạy cảm mới giúp người nghệ sĩ sáng tạo và thành công với những sáng tạo của mình.

 

Theo SK&ĐS