Đại tướng Lê Trọng Tấn - Nhà quân sự đức độ, mưu lược của cách mạng Việt Nam là nội dung của hội thảo khoa học được Bộ Quốc phòng tổ chức sáng nay 23-9, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Đại tướng Lê Trọng Tấn (1-10-1914 - 1-10-2014).
Dự và tham gia Đoàn Chủ tịch chủ trì hội thảo có đồng chí Thượng tướng Nguyễn Thành Cung, Ủy viên T.Ư Đảng, Ủy viên thường vụ Quân ủy T.Ư, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Hội thảo còn có sự tham gia của nhiều đồng chí là lãnh đạo cao cấp, tướng lĩnh Bộ Quốc phòng; đại diện Thành ủy Hà Nội; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, cán bộ lão thành cách mạng và thân nhân gia đình cố Đại tướng Lê Trọng Tấn.
Đại tướng Lê Trọng Tấn, tên khai sinh là Lê Trọng Tố, sinh ngày 1-10-1914 trong một gia đình trí thức, yêu nước tại xã Yên Nghĩa, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây cũ. Năm 1944, đồng chí tham gia Mặt trận Việt Minh. Tháng 8 năm 1945, được cử làm ủy viên phụ trách quân sự trong Ủy ban khởi nghĩa Hà Đông, tham gia chỉ đạo cướp chính quyền.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí Lê Trọng Tấn trải qua nhiều chức vụ chỉ huy trong quân đội. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), đồng chí chỉ huy Đại đoàn 312 đánh thắng trận đầu cứ điểm Him Lam và trong đợt tiến công cuối cùng của chiến dịch, chỉ huy đơn vị đánh vào sào huyệt địch, bắt sống tướng Đờ-cát và Bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Năm 1964, trong kháng chiến chống Mỹ, đồng chí Phó Tổng Tham mưu trưởng Lê Trọng Tấn được cử vào chiến trường miền nam làm Phó Tư lệnh, Ủy viên Quân ủy Quân giải phóng miền nam. Đồng chí đã vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân, nghệ thuật quân sự cách mạng của Đảng vào thực tiễn chiến trường, đồng thời đề xuất, tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng nhiều chủ trương, biện pháp đúng đắn về xây dựng thế trận chiến tranh làm thay đổi cục diện chiến trường. Đặc biệt, với vai trò Tổ trưởng Tổ Trung tâm, đồng chí đã đóng góp trí tuệ, tâm huyết xây dựng kế hoạch chiến lược giải phóng miền nam trong giai đoạn kết thúc chiến tranh.
Nhiều năm lăn lộn trên chiến trường miền nam, đồng chí đã tham gia chỉ đạo nhiều chiến dịch lớn. Tháng 4-1975, đồng chí được cử làm Phó Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh, kiêm Tư lệnh cánh quân phía đông, hành quân thần tốc theo đường ven biển về phía nam, đập tan tuyến phòng ngự từ xa của địch ở Phan Rang, tiến vào giải phóng Sài Gòn, bắt toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn, buộc Tổng thống Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.
Đất nước thống nhất, với cương vị Phó Tổng Tham mưu trưởng kiêm Giám đốc Học viện quân sự cấp cao, rồi Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đồng chí đã tổ chức nghiên cứu, tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng nhiều chủ trương, giải pháp đúng đắn về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng để bảo vệ đất nước trong tình hình mới.
Năm 1978, đồng chí được cử làm Tư lệnh Mặt trận Tây Nam, chỉ huy các lực lượng Quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với quân và dân Cam-pu-chia đánh đổ chính quyền và lực lượng vũ trang Khơ-me-đỏ, giúp nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi nạn diệt chủng. Năm 1984, khi đã 70 tuổi, Đại tướng Lê Trọng Tấn vẫn chỉ huy chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc.
Ban tổ chức hội thảo đã nhận được hơn 50 tham luận từ các đồng chí lão thành cách mạng, những đồng chí từng giữ trọng trách trong Đảng, Nhà nước và quân đội qua các thời kỳ, các đồng chí là lãnh đạo Bộ Quốc phòng, các nhà nghiên cứu khoa học trong và ngoài quân đội...
Các tham luận đã tập trung nghiên cứu, làm sáng tỏ tài thao lược của đồng chí Lê Trọng Tấn trong lãnh đạo, chỉ huy, tổ chức thực hành các trận đánh, các chiến dịch then chốt, quyết định, nhất là kinh nghiệm chỉ huy tác chiến hiệp đồng quân binh chủng. Đồng thời tiếp tục khẳng định Đại tướng Lê Trọng Tấn nhà tham mưu chiến lược xuất sắc, đã tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng nhiều chủ trương chiến lược đúng đắn về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.
Các tham luận tại hội thảo cũng đã đi sâu vào phân tích vai trò và những cống hiến to lớn của Đại tướng Lê Trọng Tấn trong xây dựng lực lượng vũ trang về chính trị, tư tưởng, tổ chức, hậu cần, kỹ thuật, cũng như trong lĩnh vực đào tạo, huấn luyện, tổng kết chiến tranh, nghiên cứu khoa học quân sự. Qua đó khẳng định đức độ, tài năng và những cống hiến xuất sắc trên cả hai phương diện lý luận và thực tiễn của Đại tướng Lê Trọng Tấn, rút ra những bài học kinh nghiệm để vận dụng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.
Theo Nhân Dân