Sự phát triển mạnh mẽ của internet ở Việt Nam những năm gần đây chứng tỏ một dấu hiệu tốt trong sự “hòa nhập” sâu với khu vực và thế giới trong thời đại bùng nổ thông tin.Việt Nam tự hào là một trong những nước có tỷ lệ người sử dụng internet cao nhất châu Á.

 
Tuy nhiên, nếp nhăn lo lạc hậu chưa kịp dãn thì lại thêm nhiều nếp nhăn khác xuất hiện trên bộ mặt báo chí, đặc biệt là báo mạng. Nỗi lo về chất lượng của hàng ngàn trang tin điện tử hoạt động tràn lan với nội dung dâm ô, đồi bại, giật gân, câu khách, nỗi lo về một nền báo chí đang bị dung tục, chỉ phục vụ giải trí ... tất cả, đang dần hiện hữu sau vụ “lộ diện” vi phạm của trang web cuophiepgiet.net.
Độc giả “chìm” trong những thông tin về sex, lộ hàng.
Độc giả “chìm” trong những thông tin về sex, lộ hàng.
 
Lượng phát triển vượt trội
 
Những ngày cuối tháng 5, khách hàng cũng như lãnh đạo của Techcombank không khỏi ngỡ ngàng và bức xúc khi banner quảng cáo của ngân hàng được treo nổi bật trên cuophiepgiet.net – một trang tin điện tử nhạy cảm với đủ trò sex. Khi liên hệ với số điện thoại admin quản lý để lại phía dưới trang web thì phóng viên không khỏi giật mình vì người ở đầu dây bên kia một mực khăng khăng là không biết gì về trang tin này. Các bộ phận có liên quan đến quảng cáo, truyền thông ở các doanh nghiệp, cơ quan như đứng trên chảo dầu. Họ lùng sục các trang tin để kiểm soát, để chắc chắn danh tiếng của mình không bị lợi dụng như Techcombank. Các nhà quản lý mạng cũng bắt tay vào công cuộc “kiểm duyệt”. Hai ngày sau khi tin tức về Techcombank được đăng, link vào trang cuophiepgiet đã bị chết. Truy cập vào trang web này, màn hình hiện dòng chữ cannot display the webpage( không thể hiện thị trang web). Câu chuyện khởi đầu cho hàng loạt mối lo ngại về trang tin điện tử hiện nay.
 
Từ năm 1997, khi internet bắt đầu vào nước ta đến nay có bước phát triển vượt trội. Đến năm 2011, Việt Nam có hơn 31 triệu người  sử dụng inetnet, tốc độ phát triển intenet của Việt Nam tăng nhanh nhất khu vực. Cùng với sự phát triển của internet, các trang mạng điện tử, báo mạng sinh sôi, nảy nở. Theo báo cáo của Bộ thông tin và truyền thông trong lĩnh vực thông tin điện tử: tính đến tháng 3/2011, cả nước có 46 báo điện tử và tạp chí điện tử, 287 trang tin điện tử của các cơ quan báo chí và hàng ngàn trang tin khác. Đây là một con số đáng mừng cho tốc độ phát triển, hội nhập sâu vào internet khu vực và thế giới của Việt Nam. Hầu hết, 63 tỉnh thành trong cả nước ngoài tờ báo điện tử chính thống còn có thêm khá nhiều trang tin điện tử. Chưa kể đến các bộ, ngành cũng lập trang tin nội bộ: sở Tài nguyên môi trường, Bộ thể thao văn hóa,… Sự phát triển của các trang tin mạnh mẽ làm cho những thông tin nội bộ huyện, xã được cập nhật rõ và chi tiết. Nhờ đó, mối liên hệ trong tỉnh được gắn kết bền chặt hơn khi mà điều kiện địa hình và khoảng cách không cho phép. 
 
Chất đi vào “ngõ cụt”
 
Sự phát triển chóng mặt của công nghệ thông tin hiện nay khiến bạn đọc “chìm” trong biển tin tức. Đáp ứng nhu cầu giải trí, nhẹ nhàng của độc giả, nhiều trang tin điện tử đã biến thành những trang web “lá cải” rẻ rúng. Giao diện của web chạy dài những hình ảnh “không thể mát mẻ” hơn, những cô gái tụt, cởi gần hết tấm thân. List  tin bài nổi bật với những tít giật gân: Lộ cảnh “giường chiếu” nóng 100 độ của Huy Khánh (click đi thấy cà tím đó ), Sốc nhất trong ngày: Lã Thanh Huyền hồn nhiên vịn tay vào cà tím của “tướng công” để tạo dáng,(saoxau.com)…. Không chỉ vậy, trên buonchuyen.infor còn công khai bàn chuyện “yêu”, đủ kiểu để “lên đỉnh” và mô tả những thao tác phòng the như một trang web sex. 
 
Nghị định số 97/2008-NĐ/CP của Chính phủ về quản lý hoạt động internet đã đưa ra khái niệm rất rõ ràng về trang tin điện tử “cung cấp thông tin tổng hợp về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trên cơ sở trích dẫn lại thông tin từ nguồn chính thức của các cơ quan báo chí hoặc từ các trang thông tin điện tử của các cơ quan Đảng và Nhà nước.” Như vậy, bản thân những trang tin điện tử không được phép sản xuất tin bài. Tuy nhiên, một cách biến tướng khác là cách “giật tít” liên quan đến sex – sốc của những admin quản lý. Họ biến những tin bài thành loại câu khách rẻ tiền. Bản thân những trang tin cũng táo bạo phân chuyên mục, tăng cường tính giải trí. “để sống được thì phải kiếm view, trong hàng ngàn trang web như thế, nếu không có cách độc mà lôi view về, trang của mình sẽ chết” đó là lý do mà K.L – một admin trang tin điện tử, đưa ra giải thích cho hành động “hồn nhiên” phát triển web theo hướng “tình dục” hóa thông tin. 
 
Nhiều trang tin điện tử bị lợi dụng bởi những thế lực phản động. Lợi dụng lòng tin và sự nhẹ dạ của khán giả, những tên phản động đó đã mua link từ nước ngoài, lấy tên miền nước ngoài để tránh sự kiểm soát của các nhà quản lý. Với một tên miền như vậy, chúng không chịu sự can thiệp của nhà mạng Việt Nam.Vì vậy, những nội dung đăng tải của các trang đó cũng không được kiểm duyệt. Nội dung của các tin bài trên những trang có nhiều dấu hiệu  phản động, chống lại nhân dân, chống Đảng và chính phủ. Chưa dừng lại ở đó, rất nhiều các trang web khác đội lốt tên miền nước ngoài để mở web sex, phát thán những hình ảnh, clip,… phim đen. Mocxi.com là một ví dụ điển hình. Dưới vỏ bọc là một diễn đàn giáo dục đời sống tình dục lành mạnh, diễn đàn này ngày càng công khai cổ xúy cho lối sống thác loạn của giới trí thức săn tìm của lạ. Thậm chí, để quảng bá tên tuổi của mình, diễn đàn này còn thường xuyên gặp mặt thành viên. Sau 2 năm tồn tại(từ 2006 đến 11/9/2008) trang web mới bị công an chính thức đánh sập. Khi tấn công các admin trang này, người ta giật mình khi thủ lĩnh của trang này là cử nhân mới tốt nghiệp ĐH KH tự nhiên Tp.HCM.
 
Ngày 29/5/2012, trên các trang báo lần lượt đưa tin “2 người tự thiêu vì báo lá cải”. Theo đó, trường hợp của em L.T.H có mang( học sinh lớp 7/5, trường THCS Thuận An, Thừa Thiên Huế) đã cùng người yêu tự thiêu vì bị tiết lộ tên tuổi khiến em mặc cảm không biết đối mặt với cha mẹ và bạn bè. Xét lại, mục đích của báo chí là phục vụ người đọc và người làm báo phải tôn trọng danh dự, nhân phẩm của nguồn tin. Nếu không phải người nổi tiếng mà ảnh hưởng đến đời sống riêng tư của người dân thì không được tiết lộ danh tính. Không lên tiếng bảo vệ người dân, một số báo chí lại gián tiếp “giết” những sinh mạng vô tội. Đáng tiếc, với xu hướng báo thị trường hiện nay, các trang tin điện tử và những tờ báo khác đang theo xu hướng “giật gân, câu khách”, không quan tâm đến lợi ích của bạn đọc mà đặt lợi nhuận lên trên hết. Nội dung chủ yếu của các trang tin là giải trí, tập trung vào chuyện lộ hàng, ngoại tình, clip sex của giới show biz, của các bạn trẻ muốn “thể hiện mình” bằng những bức ảnh mát mẻ. 
 
Các trang mạng sống bằng gì.
 
Một trang báo mạng, điện tử muốn tồn tại được phải dựa vào bốn nguồn thu chính: quảng cáo, làm dịch vụ, tiền tài trợ và tiền đóng góp từ các thành viên. Với các báo mạng, không khó để tranh cãi khi quảng cáo và dịch vụ là phần lớn “ngân sách” để nó có thể chạy tốt. Tuy nhiên, với trang tin điện tử(TTĐT), hai nguồn trên chỉ là con số 0 tròn trĩnh. Vậy, nguồn sống của nó là gì?
1. Những trang tin vi phạm như thế này vẫn hoạt động tràn lan
1. Những trang tin vi phạm như thế này vẫn hoạt động tràn lan
 
Thử đặt giả thiết, nếu nguồn vốn do các thành viên của trang tin tự bỏ vốn và đóng góp, tổ chức hoạt động của nó. Nhưng nguồn đó không bền vững, mặt khác, bản chất của bất cứ hình thức kinh doanh nào cũng phải sinh lời mới có thể tồn tại. Không kể, để nuôi một server hàng năm phải đóng tiền bản quyền, bảo trì. Còn nữa, tiền lương, công trả cho các quản lý, các cộng tác viên. Người ta không uống nước lã, giữ hơi không để làm những chuyện vô bổ mà có khi đi tù như chơi. Như vậy, trường hợp dựa vào “vốn tự có” là không thể.
 
Lân la làm quen với T.K – admin trang xixam.com, chúng tôi mới giật mình khi được biết toàn bộ số tiền K.  nhận được hàng tháng khi quản lý trang này là 250 đôla. Số tiền này do anh cả của K. gửi về từ Mỹ. Anh cả được K. tôn thờ như một ông hoàng không được tiết lộ một chút nào. “Anh chỉ có thể nói là một người tốt, muốn phát triển trang này thôi” K. trả lời khi tôi hỏi về ông anh cả. Ngoài khoản tiền viện trợ đó, K. còn không phải lo về chuyện tiền server hàng năm. Chính hắn cũng không biết rõ trang web của mình phải nộp tiền bao nhiêu để duy trì. Đây đúng là một thực trạng đáng lo, khi mà có đến hàng trăm TTĐT mở ra. Đằng sau nó, liệu còn bao nhiêu anh cả đứng trong bóng tối? Họ quyết định mất tiền và của, liệu còn điều gì toan tính sau đó? Điều này cũng đặt ra bài toán cho các nhà quản lý thuế của các trang mạng: cần quản lý sâu, sát những trang web và nguồn tiền thu nhận phải rõ ràng từ người nộp thuế.
 
Cần sự giám sát của pháp luật
 
Báo chí phát triển, cập nhật tin tức trên cả bề rộng và sâu là điều đáng mừng cho nền báo chí nước nhà. Tuy nhiên, sự phát triển quá đà này đang là mối lo ngại lớn cho cả nhà quản lý và những cơ quan liên quan, nhất là trong điều kiện internet phát triển khó kiểm soát như hiện nay. Hầu hết các trang tin điện tử đều “lách” Luật mà công khai phát hành tồn tại. Luật quy định thì cứ quy định, trang tin vi phạm thì cứ vi phạm. Lướt qua một lượt các trang: hiephoa.net, buonchuyen.infor, bacgiang.net, gamelink.vn,… đều không ghi rõ những thông tin cần có như: cơ quan chủ quản, người chịu trách nhiệm, liên hệ, địa chỉ, giấy phép,… được quy định tại Nghị định số 97/2008/NĐ-CP. Dù thông tin đăng tải của các trang web này không bảo đảm thuần phong mỹ tục, mô tả tỉ mỉ những cảnh dung tục, …nhưng vẫn nghiễm nhiên “sống tốt” mà không bị kiểm duyệt, không bị chịu phạt. 
 
Việc mở nhiều trang tin điện tử là tốt, nhất là khi xã hội phát triển, khi mà báo trực tuyến sẽ lên ngôi vào thời gian tới. Tuy nhiên, cần quản lý chặt chẽ bằng những điều Luật rõ ràng, hình phạt cụ thể để báo chí lành mạnh hơn, phục vụ công chúng tốt hơn. Lý giải về nguyên nhân phát triển nhanh đến mức “bão hòa” của các trang tin điện tử, chị Trần Lệ Thùy – cựu phóng viên báo Panos London, chia sẻ: “Đó là bước đi tất yếu của công nghệ thông tin thời nay, khi mà các nước phương Tây đã đi trước chúng ta rất nhiều. Trang tin điện tử là một nguồn tin tốt nếu biết cách khai thác triệt để và theo hướng tích cực. Nhu cầu đọc của công chúng ngày nay đã thay đổi, báo chí cũng cần thay đổi theo nhưng không thể làm mất “chất báo” được”. Cũng theo chị, để “lành mạnh hóa” báo chí cần có hành lang pháp lý chặt chẽ hơn, những quy định thưởng, phạt cần được đề ra và thực hiện ngay. Hành lang Luật báo chí của Việt Nam còn chưa sâu sát và chưa “mạnh tay” xử phạt. Mong rằng, trong thời gian tới, diện mạo báo chí Việt Nam sẽ có sắc màu mới từ các trang tin điện tử.
 
Nguyễn Thắm