Chẳng cần lục tích xưa nghe chuyện Võ Tòng đả hổ. Ngay tại Việt Nam với người còn thực, việc còn thực, có chuyện ông lão hai lần vác dao đuổi cọp dữ cong đuôi chạy “bán sống bán chết”. “Anh hùng hai lần đả hổ” đó là cụ Nguyễn Mười, 85 tuổi, ngụ thôn La Vân, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, một đời nổi danh với bốn chữ: “Đuổi hổ, rượt ma”.
 
 
Đuổi hổ chạy "trối chết"
 
Tuy gần 90 tuổi nhưng trái với tưởng tượng của nhiều người là một ông lão lụ khụ chống gậy, cụ Mười vẫn còn khỏe và minh mẫn đến mức đạp xe phăm phăm trên đường. Kể lại chuyện cụ từng đối mặt với “chúa sơn lâm”, ông lão quắc thước cười lớn: “Chuyện bình thường ấy mà”.
 
Sau khi đất nước thống nhất vào năm 1975, ngoài số đất canh tác của gia đình ở đồng bằng, cụ Mười còn khai phá đất trồng lúa, khoai... ở khu vực núi Ruộng Giời cũng thuộc địa phận xã, nhưng xa đến mất hơn một buổi đi bộ. Đất tại khu vực này khá phì nhiêu, lại có nguồn nước tưới cho cây trồng nên ai nấy đều rất muốn đến canh tác, tuy nhiên ngọn núi trên đường đi thời bấy giờ đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người bởi đường đi hiểm trở , lại hay gặp dã thú. Nhiều người dân trong xã khi ấy đã bị hổ vồ, beo cắn.
 
Nghe nói về con hổ dữ thường táo tợn chặn đường người đi làm, cụ Mười “căm” lắm nhưng chưa chạm mặt thì vào một buổi chiều giữa năm 1985, khi đang cùng một vài người vác cuốc ra khỏi rẫy trở về nơi nghỉ ngơi, bác nông dân khi ấy mới 57 tuổi giật mình thấy phía trước là một con vật to gần bằng con nghé đang chắn đường, hầm hè đối mặt về phía mình.
 
Sau giây phút trấn tĩnh nhìn kỹ, cụ Mười nhận ra đó là một con hổ có bộ lông đen vằn vện như mèo mướp, mà người địa phương gọi là hổ tàu cau. Đã nghe nhiều người nói về sự dữ tợn của loại hổ này nhưng chưa bao giờ chạm mặt nên cụ Mười đứng lại quan sát “thủ thế”, đồng thời ra dấu cho những người đi sau dừng chân. Rồi bắt ngờ ông nắm chặt cán cuốc, thình lình giơ lên cao lao tới bổ mạnh, miệng hét lên một tiếng vang động khu rừng.
 
Con cọp vừa giật mình thì đã thấy lưỡi dao bén ngọt phát rừng của lão nông bay tới, sợ hãi nó gầm lên một tiếng chuyển động cả vùng rồi đạp cây bụi, cong đuôi ào ào chạy thẳng. Không ai tìm thấy con dao cụ Mười đã phóng đi, cũng có thể con dao đã kịp găm vào người con hổ.
 
Chỉ vài tháng sau, cũng tại cánh đồng của làng, lần thứ hai cụ Mười lại rượt cọp chạy cong đuôi. Hôm đó sắp chiều tối, đang cầm rựa dài phát bờ cỏ cho ruộng lúa ở gần bìa rừng, cụ nghe có tiếng lạ như tiếng khua thùng của người dân vọng lại.
 
“Sau một lúc đảo mắt tìm, tôi thấy con vật gì đang phi ào ào qua các đám lúa và hướng về phía mình. Lúc đầu tưởng là heo rừng hay nai, hoẵng gì đó nên tôi liền cầm rựa xông thẳng đến để chém. Thế nhưng lúc lại gần lại phát hiện đó là cọp, một con cọp khác”, cụ Mười nhớ lại.
 
Thấy bác nông dân cầm rựa đang khua túi bụi đón đầu, mắt sáng rực, miệng la hụi hụi “hiếu chiến”, cõ lẽ con cọp hoảng hồn nên vội tạt ngang rồi phi thẳng.
 
Hai lần đuổi chúa sơn lâm, cụ Mười rút ra kinh nghiệm: “Cọp, beo, hay nhiều loại dã thú khác cũng vậy, trừ những trường hợp bị vây bắt, bị bắn gây thương tích... chứ bình thường thấy người la đuổi cũng đều sợ hãi bỏ chạy hết. Lúc ấy nếu tôi mất bình tĩnh mà bỏ chạy, chắc nay đã không còn ngồi đây nói chuyện”. 
 
“Chuyên gia” rình... ma
 
Không chỉ dũng cảm, ông cụ này còn là người nổi tiếng “cứng bóng vía” nhất vùng. Người dân trong xã “kính cẩn nghiêng mình bái phục” khi hàng chục lần trong đêm tối như mực thấy một mình cụ đi tháo nước ruộng, thả lưới bắt cá ở các con suối ở khu vực Gò Chay.
 
Khu vực này đến bây giờ cứ mỗi khi trời bắt đầu tối, nhắc đến tên thì nhiều người dân đều “nổi da gà, sởn gai ốc” sợ hãi với những câu chuyện ma tà. Gò nằm nổi lên cao hơn so với mặt đất xung quanh, ngoài đất trồng khoai, đậu, nơi đây còn có rất nhiều mộ cổ.
 
Từ bao đời nay khu gò đất này đã đi kèm hàng trăm câu chuyện, lời đồn rùng rợn, những câu chuyện truyền tai: “Nhiều đêm đã nhìn thấy những bóng người mặc đồ trắng bay lơ lửng ở trên bờ tre, ánh lửa, tiếng khóc, tiếng cười, tiếng ngựa hí”. Khu đất này hãi hùng, bí ẩn với mọi người, ngoại trừ cụ Mười.
 
Ông lão kể lại “những câu chuyện ma đó chỉ làm cho tôi thêm tò mò”. Biết ý định “khám phá” “vùng đất ma” vào ban đêm của cụ, một số người còn bí mật “thử lòng” bằng cách ban ngày đem một cây rựa vào Gò Chay, giấu vào một nơi và đánh dấu. Gần nửa đêm hôm đó, họ kéo nhau đến nhà cụ, nói địa điểm và nhờ vào lấy giúp. Ngồi uống nước chưa đầy 20 phút sau, ai nấy há hốc miệng thấy ông lão cầm đèn pin trở về, đặt đánh “phịch” cây rựa lên bàn hỏi: “Có phải cây rựa này không”.
 
Trở lại chuyện đi “rình ma”, cụ Mười kể lại một hôm khoảng 2h, khi đi tháo nước vào ruộng ngang qua gò, cụ bất chợt thấy một bóng trắng giống bóng người mặc áo trắng đang đi nhanh như lướt trên đầu ngọn cỏ vào phía trong gò. Ban đầu cứ tưởng là ai đó “dọa ma” mình, ông cụ tức tối đuổi theo nhưng lạ là “đuổi càng nhanh thì bóng trắng đó chạy càng nhanh”, và khi chạy vào đến giữa gò thì bóng trắng đều biến mất.
 
Đến tận nơi bóng trắng mất hút, ông nhìn kỹ thì hóa ra đó là một ngôi mộ. Giải thích về bóng trắng, ông lão cho rằng “đó có thể là chất phốt pho từ trong mộ bay lên, vô tình tạo ra hình dáng người mặc áo trắng, lại thêm mắt mình trong đêm có thể ảo giác nên càng dễ lầm tưởng hiện tượng tự nhiên đó là “ma””.
 
Lý giải này của ông lão cũng được áp dụng cho cái gọi là “Ma đuốt” theo quan niệm của người địa phương: “Ma” có hình dáng như một con Hạc hoặc quả cầu lửa, thấy người chạy nhanh thì đuổi càng nhanh. “Người gặp chất phốt pho, nếu tháo chạy sẽ tạo ra luồng gió, và “con ma” phốt pho sẽ bị hút theo luồng gió mà bay theo”, cụ Mười giải thích.
 
Không sợ hổ, chỉ sợ rắn
 
Hỏi về “bản lĩnh” của ông không sợ cọp dữ, cũng chẳng “ngán ma”, thì chắc không ngán thứ gì?. Ông lão xua tay: “Có chứ, đó là rắn”. Theo lời “ông già gân”, trước đây băng đồng, lên núi để trồng cây, nuôi bò, săn thú, nếu đi ban ngày thì không sao nhưng đi lúc trời tối thì nỗi ám ảnh lớn nhất của người dân là rắn hổ.
 
Vào thời điểm bấy giờ do thuốc men không đầy đủ, điều kiện chữa trị không tốt, đường sá đi lại khó khăn mà nọc rắn hổ mang lại cực độc, có thể làm chết người chỉ sau vài tiếng đồng hồ nên nếu bị rắn cắn thì xem như là “cầm chắc cái chết trong tay”.
 
Vậy mà nghe chuyện về một cặp “rắn thần” to bằng bắp chân người lớn, đầu có sừng, mỗi lần di chuyển, làm cây bụi ngả nghiêng ào ào trong khu rừng ven làng, cụ Mười lại tò mò và quyết chí đi rình “rắn thần”. Hóa ra đó chỉ là con rắn lớn cỡ cổ chân và dài khoảng 5m, thuộc loại “bình thường”.
 
Cụ giảng giải: “Rắn hổ mây di chuyển bằng cách quăng mình trên bụi, ngọn cây đã có thể tạo nên tiếng rào rào. Một số người lại thường gặp rắn vào thời điểm tranh tối tranh sáng, lại thêm tâm lí sợ hãi nên rất dễ “nhìn gà hóa cuốc” rồi “thổi” chuyện”. Tất nhiên cụ Mười cũng chỉ rình để biết, rồi co chân bỏ chạy vì “loài rắn cứ thấy cái gì động đậy là cắn, không biết sợ người”.
 
Theo Vân Anh
Pháp luật VN
.