(BVPL) - Ròng rã gần 20 năm say mê, lăn lộn với những con virút và phòng thí nghiệm, để rồi chị cho ra đời “thần dược” có thể cứu hàng triệu đứa trẻ  thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”, tiết kiệm cho đất nước 5,3 tỷ đô la Mỹ, đưa Việt Nam trở thành nước thứ 2 ở Châu Á và là nước thứ 4 trên thế giới (sau Mỹ, Bỉ, Trung Quốc) có thể tự sản xuất được vắc xin Rota bằng công nghệ mới. Người phụ nữ đặc biệt ấy chính là PGS, TS, Bác sĩ Lê Thị Luân (SN 1962) – Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu vắcxin và Sinh phẩm y tế, Bộ Y tế.
 
Đ/c Lê Hồng Anh Ủy Viên Bộ Chính trị - Thường Trực Ban Bí Thư Trung ương Đảng và Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình – Chủ tịch Ủy Ban giải thưởng Kovalevskaia trao giải thưởng cho 2 nhà khoa học nữ xuất sắc 2013 (PGS,TS,Bác sĩ Lê Thị Luân người đứng thứ 2 từ trái qua phải)
Đ/c Lê Hồng Anh Ủy Viên Bộ Chính trị - Thường Trực Ban Bí Thư Trung ương Đảng và Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình – Chủ tịch Ủy Ban giải thưởng Kovalevskaia trao giải thưởng cho 2 nhà khoa học nữ xuất sắc 2013 (PGS,TS,Bác sĩ Lê Thị Luân người đứng thứ 2 từ trái qua phải)
 
Đam mê khoa học để cứu người!
 
Với tính cách đơn giản, cởi mở, trẻ trung và khá khiêm tốn khi nói về nghề nghiệp, nên ai đó lần đầu tiên tiếp xúc với chị Lê Thị Luân chắc hẳn sẽ khó nhận ra chị là một trong số những Nhà khoa học nữ nổi tiếng hàng đầu Việt Nam. Sinh ra và lớn lên trên quê hương Phủ Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc) - mảnh đất giàu truyền thống yêu nước gắn với những nhân vật lịch sử nổi tiếng như: Nguyễn Thái Học, Đội Cấn, Nguyễn Viết Xuân…Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Lê Thị Luân đã đam mê các môn khoa học tự nhiên và đặc biệt là sự yêu thích đối với ngành Y, vì thế chị đã thi đậu vào ĐH Y Hà Nội. 
 
Sau khi hoàn thành khóa học bác sĩ nội trú vi sinh, năm 1989, chị Luân về công tác tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Công việc chính của chị liên quan tới nghiên cứu vắcxin. Trong quá trình công tác, chị Luân nhận ra rằng, hầu hết các trẻ nhỏ sau khi sinh ra trong 5 năm đầu rất dễ mắc bệnh tiêu chảy, trong đó nguyên nhân do Virút Rota gây ra chiếm tỷ lệ rất lớn. Loại virút này đã cướp sinh mạng của biết bao đứa trẻ vô tội trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam. Năm 1998, khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đề xuất chương trình giám sát bệnh tiêu chảy trẻ em ở Việt Nam, chị Luân cùng đồng nghiệp đã lao vào “cuộc chiến” với Virút Rota. Năm 2008, Việt Nam cho phép nhập vácxin phòng ngừa Virút Rota của Bỉ và Mỹ, nhưng giá thành quá cao, nên chỉ rất ít trẻ nhỏ có điều kiện sử dụng. Vì thế, mỗi năm phải tận mắt chứng kiến cảnh Virút Rota hoành hành giết chết thêm bao sinh mạng trẻ thơ, khiến một người phụ nữ cũng là mẹ như TS Lê Thị Luân đau đớn,  xót xa, chị quyết tâm tìm ra bằng được phương pháp tự sản xuất vắcxin để tiêu diệt Virút Rota. 
 
Nhưng cũng chính từ đây chị Luân dấn thân vào con đường đầy chông gai, thử thách. Nhiều năm trời chị mất ăn, mất ngủ vì Virút Rota, biết bao cuộc thí nghiệm thất bại, biết bao lần “ôm” Virút Rota sang tận Mỹ để cùng các chuyên gia nghiên cứu, rồi lại “ôm” về Việt Nam nuôi cấy thử nghiệm. Chừng đó thôi cũng đủ khiến người ta nản lòng buông xuôi, nhưng với chị Luân không đầu hàng mà vẫn tiếp tục “chiến đấu”. Thành công ban đầu khi tìm ra quy trình phù hợp đã đem lại niềm động viên cho chị, thì cũng chính là thời điểm người chồng yêu quý của chị đột ngột qua đời, bỏ lại 2 đứa con nhỏ thơ dại khiến chị bị một cú “sốc” nặng tưởng chừng như không gượng dậy nổi. Nhưng tiếng kêu cứu của hàng triệu đứa trẻ đã thôi thúc chị phải vượt qua tất cả , lao vào nghiên cứu khoa học bằng tất cả niềm đam mê cháy bỏng. Những ngày sau đó người ta lại thấy chị tất tả ra Đảo Rều (Quảng Ninh) để thực nghiệm vắcxin trên khỉ .Thành công trên khỉ, chị lại phải mất nhiều năm tiếp tục nghiên cứu sau đó mới tiến hành thử nghiệm trên người. Và rồi, những liều vắcxin Rota “thuần Việt” đầu tiên phiên bản cập nhật quốc tế, nhưng giá chỉ rẻ bằng 1/3 giá nhập ngoại được ra đời và thử nghiệm thành công trên hàng chục người lớn, hàng ngàn trẻ nhỏ đều đáp ứng miễn dịch tốt, không gây ra biến chứng, phản ứng phụ hoàn toàn phù hợp với thể trạng của người Việt Nam, khiến chị Luân cùng đồng nghiệp vỡ òa vì hạnh phúc. 
 
Bước ngoặt lớn của Việt Nam
 
Đến nay, sản phẩm vắcxin Rotavin-M1 chinh thức được Nhà nước cấp phép đưa ra thị trường, đã có trên 100.000 trẻ nhỏ tại 60 tỉnh thành được sử dụng vắcxin Rotavin-M1. Sắp tới đây chắc chắn loại vắcxin này sẽ được đưa vào chương trình chủng ngừa mở rộng cho trẻ nhỏ trên khắp cả nước. Theo đánh giá của nhiều Bộ, Ngành và các chuyên gia nước ngoài: Công trình nghiên cứu thành công của PGS,TS,Bác sĩ Lê Thị Luân  đánh dấu bước ngoặt to lớn trong Ngành Y tế nói chung và Ngành Vắcxin học tại Việt Nam nói riêng, Đem lại hiệu quả xã hội và kinh tế rất cao. Tính ra mỗi năm Việt Nam sẽ giảm 5.300 – 6.800 ca tử vong hàng năm ở trẻ dưới 5 tuổi, giảm 820.000 lượt thăm khám và giảm 122.000 – 140.000 lần trẻ phải nhập viện do Virút Rota, tiết kiệm cho đất nước 5,3 tỷ USD. Với thành công này, chị Luân đã đưa Việt Nam trở thành “cường quốc” thứ 4 trên thế giới sau Bỉ, Mỹ, Trung Quốc có thể tự sản xuất vắcxin Rota bằng nguyên liệu trong nước, với công nghệ cập nhật quốc tế.
 
Không chỉ dừng lại ở thành công trên đây, PGS,TS, Bác sĩ Lê Thị Luân còn tham gia nghiên cứu sản xuất Vắcxin IPVs, Vắcxin  Sởi, Vắcxin H1N1 trên tế bào vero…Ngoài ra, chị còn tham gia giảng dạy, đào tạo Đại học, sau Đại học, tham gia viết sách, biên soạn Dược Điển Việt Nam III, IV,V, viết nhiều bài báo đăng trên các tạp chí chuyên ngành uy tín trong nước và quốc tế. Sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của chị đã được đền đáp khi vừa qua chị vinh dự đón nhận giải thưởng cấp nhà nước mang tầm quốc tế - Giải thưởng Kovalevskaia. Âu đó cùng là phần thưởng xứng đáng cho người phụ nữ hy sinh cả cuộc đời cho khoa học.
 
Bài và ảnh: ĐỨC SƠN
 
“Đồng chí Lê Hồng Anh - Ủy Viên Bộ Chính trị - Thường Trực Ban Bí Thư Trung ương  Đảng: 
 
“Năm nay cả nước chỉ có duy nhất 2 cá nhân được vinh dự đón nhận giải thưởng Kovalevskaia, đó là PGS,TS,Bác sĩ Lê Thị Luân- Phó Giám đốc trung tâm  nghiên cứu vắc xin và sinh phẩm y tế, Bộ Y tế và  PGS,TS Nguyễn Thị Bích Thủy, Nguyên Giám đốc Viện chuyên ngành Vật Liệu xây dựng và Bảo vệ công trình, Bộ GTVT.  Đây thực sự là những phụ nữ tiêu biểu xuất sắc đại diện cho hàng triệu phụ nữ trên khắp cả nước.Bằng sự cố gắng không ngừng nghỉ trong nghiên cứu khoa học, các chị đã đóng góp to lớn cho đất nước. Trong quá trình đổi mới, phát triển đất nước thời đại mới, chúng ta cần nhiều hơn nữa những phụ nữ “giỏi việc nước, đảm việc nhà” như các chị...”