Bên cạnh việc hát nhạc song ngữ, đặt lời mới cho nhạc nước ngoài, việc chuyển ngữ những ca khúc Việt Nam sang tiếng nước ngoài sau một thời gian lắng xuống lại đang có dấu hiệu phục hồi. Kế hoạch dài hơi cho dự án dịch hiểu ca khúc của ca sĩ nhí hát dân ca, Phương Mỹ Chi sang tiếng Anh, Trung - 2 ngôn ngữ phổ biến trên thế giới có vẻ như là một trong những màn khởi động lại một nỗ lực quảng bá ca khúc Việt ra nước ngoài.

 

Dịch thế nào là chuẩn?

Còn nhớ vào dịp kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhóm BSP Entertainment đã cho ra mắt CD Tình ca 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội gồm 10 bài hát về Hà Nội và Sài Gòn được chuyển ngữ sang tiếng Anh. Tuy nhiên, với những lỗi dịch thuật nghiêm trọng, ca từ máy móc, CD này đã gây nên làn sóng phản đối mạnh đến nỗi phải tự biến mất khỏi thị trường sau đó không lâu. Kiểu dịch sát nghĩa đen đã phá hỏng tinh thần của nhiều ca khúc nổi tiếng như Hà Nội mùa vắng những cơn mưa, Hà Nội niềm tin và hy vọng, Hà Nội mùa thu, Một đời người một rừng cây, Có phải em mùa thu Hà Nội, Bất chợt Sài Gòn nhớ Hà Nội, Sài Gòn đẹp lắm!...
 

Những bài dân ca do Phương Mỹ Chi hát đã được dịch sang tiếng Anh và tiếng Trung
Những bài dân ca do Phương Mỹ Chi hát đã được dịch sang tiếng Anh và tiếng Trung


Không phải đến bây giờ, các nhạc sĩ, ca sĩ mới có ý thức chuyển ngữ những ca khúc Việt Nam sang tiếng nước ngoài để quảng bá sáng tác của mình đến bạn bè quốc tế. Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, Dương Thụ; các ca sĩ Mỹ Linh, Thu Minh, Đức Tuấn từng chuyển và hát hoàn toàn bằng tiếng Anh các ca khúc của mình. Cũng như công việc dịch thuật chuyên nghiệp, quá trình dịch ngược cần đến sự uyển chuyển, linh động để làm sao không bị máy móc và giữ được tinh thần ca khúc. Để làm được điều này cần một trình độ nhất định về ngôn ngữ, về tư duy. Những trường hợp chuyển ngữ đơn thuần theo từng từ có thể gây ra những hiểu lầm về ngữ nghĩa, khiến ca khúc đi lệch ra ngoài quỹ đạo mà nó muốn chuyển tải.

Về tác dụng của việc chuyển ngữ những ca khúc Việt Nam sang tiếng nước ngoài, đặc biệt là những ngôn ngữ thông dụng, như chúng ta đã biết, góp một phần không nhỏ vào việc đưa ca khúc đến gần hơn với khán giả ở nhiều đất nước và lãnh thổ. Khán giả chỉ có thể cảm nhận một cách sâu sắc cái hay về giai điệu, ngôn từ khi hiểu được nội dung của ca khúc. Bù lại, ca khúc ấy phải được dịch để làm sao không gây hiểu lầm, không đánh mất đi bản sắc cũng như dụng ý của tác giả trong bản gốc. Việc dịch xuôi đã cần nghiêm túc, dịch ngược cần thận trọng hơn.

Nỗ lực quảng bá âm nhạc Việt

Bên cạnh việc hát nhạc song ngữ, đặt lời mới cho nhạc nước ngoài, việc chuyển ngữ những ca khúc Việt Nam sang tiếng nước ngoài sau một thời gian lắng xuống lại đang có dấu hiệu phục hồi. Kế hoạch dài hơi cho dự án dịch ca khúc của ca sĩ nhí hát dân ca, Phương Mỹ Chi sang tiếng Anh, Trung - 2 ngôn ngữ phổ biến trên thế giới có vẻ như là một trong những màn khởi động lại một nỗ lực quảng bá ca khúc Việt ra nước ngoài.

Còn nhớ trong chương trình The Voice phiên bản Việt Nam, toàn bộ những ca khúc quốc tế do các thí sinh biểu diễn đã được phỏng dịch hoàn toàn sang tiếng Việt và chạy đồng thời cùng với quá trình biểu diễn ở góc dưới màn hình vô tuyến. Đây được xem là một cử chỉ âm nhạc tuy nhỏ nhưng lại rất văn minh, thể hiện được ý thức mang đến cho khán giả thêm một kênh để thưởng thức trọn vẹn ca khúc, đó là dịch hiểu. Cử chỉ này đã phần nào làm lắng đi tai tiếng chuộng nhạc ngoại của chương trình. Điều này cũng đồng thời đặt ra câu hỏi rằng liệu có một ngày nào đó, ở những kênh âm nhạc đặc thù, chúng ta có thể phỏng dịch ngôn ngữ mà các ca sĩ Việt đang hát, ít nhất là sang tiếng Anh ở bên dưới để kiều bào đang sinh sống ở nước ngoài, người nước ngoài ở Việt Nam và trên thế giới hiểu họ đang nghe cái gì, để đưa cái hay của ca khúc đến gần với họ hơn? Như vậy, chúng ta sẽ phục vụ được số đông người yêu nhạc và cũng tỏ rõ được thiện chí mang âm nhạc của mình đến với tất thảy mọi người thay vì chỉ phục vụ bộ phận khán giả trong nước.

Rất nhiều nước trên thế giới đã áp dụng phương pháp không chỉ trình bày bài hát bằng tiếng mẹ đẻ cho người nước ngoài nghe. Họ chọn dịch hiểu, biểu diễn bằng tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Hoa, tiếng Thái... miễn sao ca khúc đến gần hơn với khán giả, mở rộng phạm vi ảnh hưởng của tác phẩm âm nhạc của các nhạc sĩ trong nước ra ngoài biên giới. Cảm thụ âm nhạc, trình độ ngoại ngữ và cả tư duy âm nhạc phóng khoáng có lẽ là điều cần thiết để những ca khúc thuần Việt “xuất khẩu” một cách thành công.


Theo SK&ĐS