(BVPL)-Nhân kỷ niệm 42 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam tới, ông Trần Kiến Xương (con trai thứ 3 của Anh hùng LLVT Trần Văn Lai) cùng các đồng đội Trần Văn Lai và những người bạn nghệ nhân, chuyên gia công tác bảo tàng sẽ chính thức mở cửa điểm tham quan nhà di tích tại địa chỉ số 113A đường Đặng Dung, quận 1, TP.HCM. Ít ai biết đây là địa chỉ đỏ, từng là hộp thư bí mật và hầm hoạt động của ông Trần Văn Lai nói riêng và lực lượng Biệt động Sài Gòn nói chung trong một giai đoạn hào hùng của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc.
Những huyền thoại và bí ẩn xung quanh căn nhà 113A đường Đặng Dung
|
Từ trái sang: Trần Văn Lai (Mai Hồng Quế, Năm U.Som) và Đổ Miễn, thợ truyền nhân làm ra các nội thất trong Dinh Độc Lập và là người quản lý trông giữ hộp thơ bí mật, hầm nổi của Trần Văn Lai tại 113A Đặng Dung cùng các nhà tư sản, quan chức chính quyền Sài gòn tham gia Nghiệp đoàn thợ thuyền Việt Nam tại Sài gòn năm 1959. Ảnh tư liệu. |
Theo tìm hiểu, ngôi nhà số 113A đường Đặng Dung từng gắn với một giai đoạn quan trọng trong cuộc đời hoạt động Cách mạng của ông Trần Văn Lai (tức Mai Hồng Quế, Năm U.Som), cán bộ chiến sĩ Biệt động Sài Gòn, đóng vai Nhà thầu khoán trong Dinh Độc Lập, được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 30/4/2015. Giai đoạn đó, ông Lai có nhiệm vụ xây dựng hàng loạt cơ sở, hầm trú ẩn, chứa vũ khí cho lực lượng Biệt động thành để chuẩn bị cho cuộc Tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, trong đó có địa chỉ đỏ nhà 113A đường Đặng Dung.
Đến nay việc giải mã những bí ẩn xung quanh cuộc đời hoạt động của ông Trần Văn Lai không hề dễ dàng. Có những câu chuyện mà nhiều đồng đội của ông đến giờ nhận định, ông… sống để bụng, mất mang theo. Do đó, hàng loạt cơ sở mà ông Lai gầy dựng, phát triển để chuẩn bị cho trận đánh tết Mậu Thân cũng như những tài liệu liên quan đến ông, đến nay thế hệ con cháu ông vẫn đang cố tâm truy tìm, sưu tầm, khôi phục và gìn giữ.. để đời sau còn biết đến và địa chỉ đỏ 113A đường Đăng Dung cũng nằm trong số đó.
Được biết, nguồn gốc căn nhà số 113A đường Đặng Dung do vợ chồng ông Đỗ Miễn (SN 1920 - 2010) và bà Nguyễn Thị Sự (SN 1924 - 2000) trực tiếp quản lý. Vì sao ông Trần Văn Lai lựa chọn và phát triển nơi đây thành một trong số các cơ sở quan trọng trong suốt quá trình hoạt động của ông cũng như đồng đội?. Sinh thời, nhà Cách Mạng Trần Văn Lai chia sẻ, khi đó ở ông có niềm tin sâu sắc đối với vợ chồng ông Miễn - bà Sự. Bởi vợ chồng ông Đỗ Miễn (bí danh Vượng) – bà Nguyễn Thị Sự từng có khoảng thời gian từ năm 1955-1960, nuôi giấu ông hoạt động, lúc đó ông đảm nhiệm Bí thư chi bộ Xóm Chùa - Tân Định, hỗ trợ hết mình đồng chí Phan Trung Kiên - Cán bộ Quận ủy phụ trách Ủy ban Vận động Mặt trận Dân tộc Giải phóng quận 1 hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng lực lượng đấu tranh chính trị bảo vệ Hiệp Định Giơnevơ năm 1954 thuộc Quân ủy 2 (Công Ty 2) thành Sài Gòn - Gia Định.
|
Ông Đỗ Miễn (ngồi quấn khăn trên đầu) cùng tốp thợ đang làm các ghế nệm cho Dinh Độc Lập, Toà Đại sứ Mỹ và cơ quan USOM Mỹ... Riêng ruột nệm phải dùng cỏ Mỹ trồng ở vùng ven Sài Gòn rồi đem phơi khô để làm ruột nệm. Ảnh tư liệu. |
Ông Đỗ Miễn ngụ tại nhà 113A Đặng Dung quận 1, đã trực tiếp tham gia phong trào đấu tranh chống pháp và bí mật hoạt động trong tổ chức công khai (nghiệp đoàn thợ thuyền Sài Gòn) trong thời kỳ chống đế quốc Mỹ xâm lược và tay sai bán nước. Thực tế đóng góp như: Tuyên truyền vận động nghiệp đoàn viên đóng góp cho cơ sở tổ chức bí mật nội thành; Tạo phương tiện cho cán bộ hoạt động dễ dàng trong lòng địch; Vận động quần chúng sẵn sàng cho cán bộ dùng nhà làm điểm hội họp hoặc móc nối. Và quá trình hoạt động chính trị của bà Nguyễn Thị Sự, vào năm 1946 hoạt động với đồng chí Nguyễn Văn Đại (tức Trần Văn Lai) được giao nhiệm vụ dán cờ và rải truyền đơn của Việt Minh chống thực dân Pháp ở vùng Tân Định, Đa Kao. Năm 1949-1953, bà làm liên lạc cho Hội Liên hiệp bí mật do cô Tư Tuyên và cô Phạm Thị Chinh (Vợ đồng chí Trần Văn Lai) hướng dẫn ở vùng nhà thờ Tân Định. Năm 1954, bà hoạt động dưới sự hướng dẫn của cô Tư Tuyên thành lập nghiệp đoàn chợ Tân Định và Đa Kao do cô Phạm Thị Chinh làm Tổng thư ký. Năm 1955, bà hoạt động dưới sự hướng dẫn của đồng chí Phan Trung Kiên giao nhiệm vụ bắt liên lạc và đóng góp tiền cho cán bộ nằm vùng.
Ông Kiên sàu này có xác nhận, ông Đỗ Miễn ngụ tại nhà 113A Đặng Dung quận 1, đã trực tiếp tham gia phong trào đấu tranh chống pháp và bí mật hoạt động trong tổ chức công khai nghiệp đoàn trong thời kỳ chống đế quốc Mỹ xâm lược và tay sai bán nước. Thực tế, ông Miễn có đóng góp như: tuyên truyền vận động nghiệp đoàn viên đóng góp cho cơ sở tổ chức bí mật nội thành; tạo phương tiện cho cán bộ hoạt động dễ dàng trong lòng địch; vận động quần chúng sẵn sàng cho cán bộ dùng nhà làm điểm hội họp hoặc móc nối…. Còn bà Nguyễn Thị sự thì, vào năm 1946 hoạt động với đồng chí Nguyễn Văn Đại (một bí danh khác của ông Trần Văn Lai) giao nhiệm vụ dán cờ và rải truyền đơn của Việt Minh chống thực dân Pháp ở vùng Tân Định, Đa Kao. Năm 1949-1953, bà làm liên lạc cho Hội Liên hiệp bí mật mà bà Phạm Thị Phan Chính (tức Phạm Thị Chinh, là người vợ đầu của ông Trần Văn Lai) giữ vai trò quan trọng, đã hướng dẫn ở vùng nhà thờ Tân Định. Năm 1954, bà Sự hoạt động tích cực torng nghiệp đoàn chợ Tân Định và Đa Kao do bà Chinh làm tổng thư ký. Năm 1955, bà hoạt động dưới sự hướng dẫn của đồng chí Phan Trung Kiên giao nhiệm vụ bắt liên lạc và đóng góp tiền cho cán bộ nằm vùng.
Chính vì tin tưởng tuyệt đối vào vợ chồng ông Đỗ Miễn - bà Nguyễn Thị Sự và căn nhà số 113A đường Đặng Dung khá gần trung tâm Sài Gòn, tiện lợi cho sự hoạt động bí mật nên ông Lai đã biến nơi này thành một trong những cơ sở hoạt động quan trọng. Đặc biệt, ông Đỗ Miễn còn là người “phụ tá” đắc lực, giúp ông Lai xây dựng hàng loạt cơ sở mật khác trong nội thành Sài Gòn, điển hình như: cơ sở hầm 30/77 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, cơ sở và hầm nhà số 314/3 Võ Văn Tần, quận 3 phục vụ trận tấn công vào Đài Phát thanh Sài gòn và Dinh Độc Lập ngụy tết Mậu Thân năm 1968.
|
Ông Đỗ Miễn và bà Nguyễn Thị Sự tại căn nhà 113A Đặng Dung ngày giải phóng Sài Gòn. Ảnh tư liệu (UBNDP1/Q1 chụp và gởi tặng gia đình những ngày đầu giải phóng Sài Gòn) |
Theo đó, tại nhà số 113A Đặng Dung, ông Lai đã cho tiến hành xây dựng 2 hầm nổi, 1 hộp thư bí mật chết và 1 hộp thư sống… do vợ chồng ông Miển phụ trách trông coi chính. Ngôi nhà mang vỏ bọc là quán cơm tấm Đại Hàn, với đặc sản là món Kim Chi của người Đại Hàn. Bà Đỗ Thị Hạnh (tự Hai Mão, là con ruột của ông Miển - bà Sự) kể, “thực ra hộp thư bí mật tại nhà cũng đơn giản lắm nhưng cái hay là không ai phát hiện ra vì nó nằm dưới đáy chân cây cột nhà ở gian bếp và hộp thư sống cũng nằm gần đó cạnh nhà vệ sinh. Riêng 2 căn hầm nổi ông Năm Lai thiết kế bên trong vách tường giữa 2 nhà. Khi đó, nếu ở trên căn gác tầng trên sẽ không thấy được khoảng vách tường rỗng giữa 2 nhà ở tầng dưới, chỉ khi nào mở được miếng ván sàn sát tường lên, thì mới phát hiện ra hầm. Chú Năm Lai sử dụng một hầm làm nơi cất giữ các đồ bí mật của mình bằng cách dùng dây cột những vật cần bỏ xuống và căn hầm phía cuối sát với cửa hậu dùng để trú ẩn và thoát thân ra ngoài khi có động”. Do đó trong suốt thời gian dài, nhà số 113A đường Đặng Dung là điểm đi - về bí mật của ông Lai, là nơi hội họp giao công việc, nơi đại hội thợ thuyền, nơi chuyển giao các thư từ, tài liệu mật, tiền vàng, thuốc tây từ đầu mối là ông Năm Lai ra chiến khu và qua đường các nước bạn như: Lào, Cam-pu-chia....
Bà Hạnh còn kể, sau cuộc Tổng tấn công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968 thì lai lịch của ông Năm Lai bị lộ, chính quyền Sài Gòn truy nã và ông phải bỏ trốn. Ngay sau đó, ông Phan Trung Kiên cũng bị bắt khi xuất hiện tại nhà số 113A Đặng Dung, bà Sự cũng chung số phận, bị giam cầm trong vòng gần 2 tháng. Từ cớ sự này, lập tức ông Đỗ Miễn tiêu hủy ngay những tài liệu do ông Năm Lai để lại, chính vì thế mà chính quyền Mỹ - Ngụy khi lục soát căn nhà hoàn toàn không thu giữ được gì thêm. Bị tra tấn, nhưng cuối cùng bà Sự không hé răng khai báo gì. Sau này để ghi nhận công lao trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước, năm 1987 Hội đồng Nhà nước quyết định tặng thưởng Huy chương Kháng chiến hạng Ba cho bà. Mãi sau ngày giải phòng, ông Năm Lai mới tìm về ngôi nhà từng một thời hoạt động, một địa chỉ đỏ từng qua bao thăng trầm của quá trình hoạt động trong lòng địch tại nội thành Sài Gòn của ông và đồng đội.
Phục dựng địa chỉ đỏ để tham quan
Ông Trần Kiến Xương (con trai thứ 3 của ông Trần Văn Lai) hiện là người đang nổ lực tôn tạo, phục dựng lại địa chỉ đỏ nhà số 113A đường Đặng Dung. Ông Xương hiện là Phó Chánh Văn phòng - Trưởng đại diện Văn phòng Viện KSND Tối cao tại TP.HCM.
|
Trần Kiến Xương (con trai thứ 3 của Anh hùng LLVT Trần Văn Lai) và những tư liệu ông đã mất rất nhiều công sức mới tìm được. |
Ông Xương chia sẻ, ngay sau khi cha ông qua đời, ông đã mất hơn 10 năm để thực hiện việc mua lại căn nhà và mới đây đã bắt tay vào phục dựng gần như nguyên dạng, với mong muốn lưu giữ 1 phần của lịch sử, để mọi người có thể tham quan, biết đến những những cống hiến thầm lặng của những chiến sĩ Biệt động Sài Gòn trong cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc. Và may mắn hơn, khi sát cánh cùng với ông Xương để thực hiện hoài bão đó có những nghệ nhân tài ba, những hậu duệ của các đồng đội của ông Lai năm xưa; điển hình là ông Xương đã mời ông Đỗ Thông (là con trai ông Đỗ Miển) tham gia cùng với nhiều người khác là họa sĩ, kiến trúc sư, chuyên gia bảo tàng...
Theo ông Xương, ngoài khôi phục nguyên hiện trạng 2 hầm nổi, hộp thư bí mật, lối kiến trúc xưa của căn nhà, ông còn tìm kiếm, tập hợp những hậu duệ, những thợ lành nghề để khôi phục lại nghề nệm, nghề trang trí nội thất năm xưa mà cha của ông đã từng làm trong quá trình hoạt động... Đặc biệt, ông Xương sẽ cho mở lại quán cơm tấm Đại Hàn với đặc sản Kim Chi như căn nhà ngày xưa vốn có và có sự phụ trách của bà Đỗ Thị Hạnh (tức Hai Mão), là con gái đầu của ông bà Đỗ Miển. Đến đây, mỗi sáng, người tham qua có thể ăn cơm tấm có Kim Chi Đại Hàn, uống cà phê vợt kiểu hiếm có, ngắm những hiện vật, hình ảnh xưa để nhớ về những người thợ thuyền làm nên Dinh Độc Lập và cũng là những chiến sĩ Biệt động Sài Gòn, từng làm cho chính quyền Sài Gòn một thời khiếp sợ.
Ông Nguyễn Văn Chung - chuyên viên Bảo tàng Lịch sử, người đã nhiều kinh nghiệm và thâm niên trong việc phục dựng thành công Di tích quốc gia “3 căn Hầm chứa vũ khí” tại quận 3 mà ông Lai để lại, nay tiếp tục phục dựng địa chỉ đỏ số 113A đường Đặng Dung. Ông Chung hy vọng và đang nỗ lực phục dựng di tích “hộp thư bí mật” này thật giống phiên bản gốc năm xưa. Đó là căn nhà gác gỗ, mái ngói âm dương được lợp trên những thanh gỗ đan kết nhau bằng mọng trông rất chắc chắn, tất cả các cửa ra vào và cửa sổ được làm bằng loại gỗ xưa…. Máng xối hứng nước mưa cũng có nét đặc thù riêng, được các thợ xưa làm thủ công tán âm dương kết nối các miếng thiếc đã được bo tròn kẹp hai cọng sắt, có phần đỡ hình chữ C bên dưới trông rất thanh nhã, nhưng chịu đựng lượng lớn nước mưa trút xuống mà không hề hấn gì. Trong căn nhà có 2 hầm và một lối thoát ra ngoài, gồm: Hầm thứ nhất và hầm thứ hai nằm giữa hai kẹt tường, đây là hầm được cán bộ ta cất giấu các tài liệu mật phục vụ cho tổ chức lúc bấy giờ; một lối thoát nằm dưới đáy tủ đựng quần áo ở góc bên phải nhà. Điểm đặc biệt của lối thoát này được đồng chí Trần Văn Lai thiết kế rất kín đáo, nhìn bằng mắt thường không thể nhận ra. Đó là, khi có chuyện xảy ra, cán bộ hoạt động cách mạng chỉ cần mở cánh cửa tủ, bật nắp ván lên sẽ thấy sợi thang dây treo âm vào trong lòng tường đi xuống mặt đất và có một cửa thoát hiểm riêng đi ra ngoài hướng đường Trần Quang Khải một cách an toàn mà địch rất khó phát hiện.
Nhưng ông Chung cũng tiết lộ thêm, quá trình phục dựng “hộp thư bí mật” nhà số 113A đường Đặng Dung đã gặp không ít khó khăn, như, các trụ gỗ, thanh trần nhà, thanh sàn gác, cũng như các cánh cửa gỗ bị mối mọt hư hao nhiều, phải lặn lội nhiều nơi tìm kiếm cho bằng được các loại gỗ cũ còn tốt về cắt, bào, lắp ghép sao cho đúng chủng loại gỗ nguyên mẫu như xưa và phải dùng kỹ thuật pha màu đánh nhám các sản phẩm làm cho cũ đi thì mới đạt yêu cầu. Riêng máng xối xưa, nay đã bị mục nát, anh em cũng phải truy lùng thợ lành nghề lâu năm trong lĩnh vực này giúp thiết kế cho đúng loại xưa. Hiện các nhóm thợ, các nghệ nhân đang tranh thủ ngày đêm…
Ông Xương còn tiết lộ, hiện những di vật, tài liệu từng một thời làm nên tên tuổi của lực lượng Biệt động Sài Gòn huyền thoại đã được ông truy tìm, lưu giữ tương đối đầy đủ. Hiện ông đang cùng các nghệ nhân, chuyên viên bảo tàng sớm hoàn thành địa chỉ đỏ số 113A Đặng Dung và một số điểm di tích lịch sử mà cha ông đã để lại, rồi sẽ tiến hành trưng bày cho công chúng biết đến. Đặc biệt hơn cả, ông Xương đang ấp ủ kế hoạch, sẽ xây dựng một tour du lịch, đưa khách đi tham quan các địa chỉ đỏ, những di tích gắn liền với quá trình hoạt động của cha ông và lực lượng Biệt động Sài Gòn. Và khi đó, khách sẽ di chuyển trên những chiếc xe ôtô cổ lịch sử - những chiếc xe mà Anh hùng Trần Văn Lai và những chiến sĩ cảm tử Biệt động Sài Gòn đã dùng để đánh vào những mục tiêu quan trọng của chính quyền Mỹ - Ngụy trong chiến dịch Mậu thân năm 1968, làm rúng động địa cầu.
Hoa Việt