Vừa gặp tôi, Quyền đã đột ngột hỏi:

- Này, “Chủ tịch rượu” làng cậu chết rồi! Cậu biết chưa?  

- Sao ông biết?
- Tớ vừa về quê cậu chứ sao.
- Thế à !... Tôi trả lời chiếu lệ.


Đầu óc tôi bỗng hiện về cái ngày còn ở ngoại thành.

Thành phố của quê hương. “Chủ tịch rượu” là biệt danh người ta dành cho ông Đỗ Văn Nhai. Nhai là sau này bỏ dấu sắc đi chứ đúng ra bố anh ta đặt là Nhái. Một phần vì cái dòng họ Đỗ ở làng này, con trai thường chết yểu nên ông bố muốn đặt tên con xấu cho đỡ chuyện không may; một phần vì lúc mới sinh, Nhai gầy như con nhái bén. Thuở bé, Nhai có được đi học tí chút văn hoá nên những ngày sau hoà bình năm 1954 ở miền Bắc, Nhai được tham gia một số công tác trong Đội thiếu niên, rồi Chi đoàn thanh niên. Năm 1966, Nhai đi nghĩa vụ quân sự. Vài năm sau thì Nhai về, chân đi thập thiễng, có giấy chứng nhận thương binh hẳn hoi. Tuy vậy, cũng có tin đồn Nhai tự bắn vào chân để được quay về hậu phương. Chiến tranh mỗi ngày một ác liệt, nam giới nối nhau ra chiến trường. Quê hương chỉ còn toàn ông bà trung tuổi trở lên và thanh niên nữ. Nhai thuộc của hiếm. Do vậy, việc thăng tiến của Nhai cứ vù vù: Bí thư thanh niên, Đảng uỷ và Phó Chủ tịch xã. Chức Phó Chủ tịch ấy Nhai giữ khá lâu. Khi thì phó cho một đồng chí đã gần sáu mươi tuổi, khi thì phó cho một nữ Chủ tịch. Dòng họ Đỗ đã nhiều phen vận động để đưa Nhai lên Chủ tịch, Nhai cũng cay cú lắm song không thể thay đổi. Có lẽ bởi vì tổ chức nhận thấy, Nhai thuộc lớp người nhanh nhẹn, tháo vát, giao công việc cụ thể thì làm tốt, song nhiều khi độc đoán, tuỳ tiện. Nếu giao cho toàn quyền thì sẽ dễ hành động vượt ra ngoài pháp luật. Nhiều lúc giao việc, Nhai cũng có vẻ vùng vằng, song sau đó lại cố gắng hoàn thành. Bởi vì, Nhai cũng rất sợ mang tiếng không hoàn thành nhiệm vụ, và nhất là sợ người ta lại giao công việc cho người khác. Nhai khó tiến bộ còn do rượu. Các cụ bảo “Tửu nhập ngôn xuất”, rượu vào lời ra, do vậy nhiều câu nói lúc say đã hại Nhai. Hồi chị Lê Thị Đào mới làm Chủ tịch, trong đám giỗ tổ họ Đỗ, rượu vào, lại bị bạn bè kích, Nhai nói như quát trước đám thanh niên:

- Chưa đến lúc! Hiểu chưa? Thể nào cũng có ngày tao cho mụ ta mất chức. Đòi lãnh đạo thằng Nhai này à? Đòi sai thằng Nhai này à? Còn lâu nhá! Tao làm việc là cho dân, cho nước, cho cái làng này. Hiểu chưa?

- Ông cứ nói khoác! Chị Đào mất chức Chủ tịch sao được?

- Sao lại không?

- Cả làng này, ai chả khen chị ấy!

- Mọi người không biết đấy thôi. Nó với tay Bí thư, lúc nào chả cặp kè bên nhau, thân thiết gắn bó cứ như vợ chồng. Trai gái gần nhau như thế, các cụ bảo rồi: “Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”. Thằng đàn ông nào đi bên gái mà chả thích cái khoản kia. Đứa con gái nào còn đang phây phây mà chẳng dễ xiêu lòng, nhất là với mụ Đào, xa chồng hàng chục năm nay, đang khát đàn ông. Còn nhiều tội mà mọi người chưa biết đấy thôi.

- Tội gì?

- Chưa cần nói nhá! Rồi mọi người sẽ hiểu. Mọi người sao không bảo vệ cái thằng Nhai này? Sao không tìm tòi cái xấu của những người kia mà tố cáo, mà kiện lên cấp trên? Phải giúp thằng này đi chứ!

- Ông cứ chỉ đạo đi. Chúng cháu sẵn sàng ủng hộ ông.

- Được... ủng hộ ... ủng hộ nhiều vào...

Nhai cứ lè nhè. Lúc đầu còn rõ từng tiếng, sau thì tiếng đực, tiếng cái. Nói thoải mái, chẳng ý tứ gì, Nhai có biết đâu rằng trong đám đông ấy không thiếu gì người ghét Nhai. Và tất nhiên những lời của Nhai đã được ghi lại bằng giấy trắng mực đen gửi lên Đảng uỷ. Trong kì họp Đảng uỷ, Nhai chống đỡ một cách lúng túng trước tập thể lãnh đạo. Lúng túng bởi vì những lời Nhai không có căn cứ, thậm chí vô lý. Nhai bảo: “Nhai nói như vậy vì thường thấy Bí thư và Chủ tịch ngồi nán lại sau cuộc họp thì thầm với nhau, hoặc đứng bên đường nói chuyện gì đó”. Mọi người ồ lên: “Bí thư và Chủ tịch trao đổi công việc, không ngồi hoặc đứng bên nhau thì bàn thế nào. Vớ vẩn!”. Nhiều ý kiến phản đối Nhai. Không khí cuộc họp thật sôi nổi. Đồng chí Phó Bí thư Đảng uỷ, sau khi nghe các ý kiến của tập thể, đã kết luận:

- Do rượu một phần, do ý thức cảnh giác cách mạng chưa cao một phần, đồng chí Đỗ Văn Nhai đã mắc những khuyết điểm sau: Tung tin đồn nhảm làm mất uy tín lãnh đạo; có tư tưởng bè phái, mất đoàn kết nội bộ; xúi giục gây mất ổn định cho địa phương. Nay bị khiển trách trong tập thể Đảng uỷ. Nếu tái phạm sẽ bị kỉ luật cao hơn.

Nhai ngoan ngoãn nhận khuyết điểm. Nhai biết, bây giờ mà cãi thì chỉ làm khó chịu cho mọi người, chẳng có lợi gì. Sau buổi họp ấy, Nhai cố giữ mình, ít uống rượu hơn và nói năng dè dặt hơn. Thì ra chúng nó không ưa mình. Mình mà không cẩn thận, chúng nó cho ra bã.

Nhưng “bản tính nan di”, cái gì thuộc về bản chất làm sao thay đổi ngay được. Chỉ một thời gian sau, Nhai lại quên ngay cái bài học đó. Nhai lại uống rượu, lại làm việc trong lúc say.

Thầy giáo Trí được cấp mảnh đất ở ngoại thị để làm nhà. Hôm đào móng, có người ghen ăn tức ở, mách Nhai là nhà thầy xây dựng trái phép. Nhai đang nóng mặt, cho gọi ngay cậu Mãnh, Xã đội phó cùng Nhai đến “hiện trường”. Vừa tới gần đám thợ, Nhai quát ngay:

- Ai cho các người đào bới ở đây?

- Thầy Trí thuê chúng tôi đến xây nhà đấy ạ!

- Láo, ai cho xây mà xây?

- Chúng tôi chỉ biết xây, xin ông Phó Chủ tịch hỏi chủ nhà ạ!

- Dừng ngay lại! Không được trái lệnh.

Cánh thợ không biết làm thế nào. Một anh có vẻ hiểu pháp luật, bèn nói:

- Ông thông cảm, chúng tôi được thuê đến làm việc thì chúng tôi cứ làm đã, nếu không ai trả công chúng tôi. Việc đúng, sai đã có gia chủ và chính quyền. Các ông cứ làm việc với chủ nhà. Xin cứ để chúng tôi làm việc.

- Á à! Anh này láo quá nhỉ? Anh thách tôi phải không? Mãnh đâu! Tịch thu hết dụng cụ lại cho tôi.

- Mãnh và cánh thợ giằng nhau. Nhai hô hoán lên. Một số người quen Nhai chạy ra hỗ trợ, đánh đám thợ, làm một người bị gẫy tay, đám thợ còn lại mình đầy thương tích. Họ đều bị trói lại giải lên Uỷ ban. Chủ tịch Lê Thị Đào đang trực. Nhìn thấy mặt lúc đỏ gay, lúc tím tái của Nhai, Đào đã giật mình. Lại có chuyện rồi! Đào cho hai bên tường trình. Những người thợ xây khẳng định mình không có tội và là kẻ bị hại. Nhai thì đề nghị Đào phải nghiêm trị những kẻ chống đối người thi hành công vụ. Ầm ĩ cả gian phòng. Đào hỏi Nhai:

- Tại sao anh đình chỉ công việc của những người này?

- Vì họ xây nhà trái phép!

- Sao anh biết họ xây trái phép!

- Không có giấy tờ gì cả!

- Sao anh biết không có giấy tờ?

- Thử hỏi họ xem?

- Họ là những người làm thuê, làm gì được cầm giấy tờ đất. Anh phải hỏi chủ nhà chứ. Anh làm việc kiểu gì vậy? Anh có quyền gì mà ra lệnh đình chỉ? Nếu họ sai, anh phải báo cáo Chủ tịch, lấy lệnh mới được hành động. Anh là Phó Chủ tịch phụ trách Văn xã, quyền gì mà anh lệnh cho Xã đội phó đi bắt người. Tôi cũng nói để anh biết: Thầy Trí đã được Uỷ ban thị xã cấp mảnh đất đó để làm nhà. Nhà đất thị xã đã cắt sơ đồ giải thửa. Anh đã làm việc sai quá rồi!

- Nhưng việc đó tôi đâu có biết!

- Không biết anh phải hỏi chúng tôi chứ, phải hỏi Ban quản lý ruộng đất của xã và thị xã chứ?

Nhai không nói được, nhưng vẻ mặt đầy giận dữ. Đào xin lỗi mấy người thợ xây, yêu cầu Nhai xin lỗi họ và trả lại dụng cụ hành nghề cho họ, yêu cầu Nhai và những cộng sự của ông ta bồi thường thương tích cho họ. Mọi người cảm ơn ra về. Những thân cận của Nhai lúc đấm đá thì hung hăng song bây giờ thì nhũn người, sợ hãi. Họ đổ hết tội cho Nhai. Còn Nhai thì tức tối văng tục:

- Ông đ... bồi thường. Muốn ra đâu thì ra.  

Song, những người thợ đâu để yên. Họ được ai đó tham mưu, phát đơn kiện Nhai về tội lợi dụng chức quyền áp bức người vô tội. Nhai không hề dẫn họ đi chữa chạy. Họ tự đi chụp điện, chụp ảnh các vết thâm tím, có đầy đủ hoá đơn chứng từ về tiền thuốc men. Trong số họ, có người có người quen làm việc trong ngành pháp luật, do vậy đơn từ, chứng cứ rất chặt chẽ. Đào thấy không thể không giải quyết. Đào cho mời cả hai bên ra hoà giải. Trước khi hoà giải, Đào gặp riêng Nhai. Chị phân tích cho Nhai thấy rõ tầm quan trọng của vấn đề. Nếu vụ này đưa ra Toà, Nhai sẽ bị xử theo pháp luật. Lúc đó, không những vẫn phải bồi thường cho người bị hại mà Nhai còn phải bị xử phạt theo pháp luật. Bởi vì, Nhai đã lợi dụng chức quyền để áp bức người vô tội. Vừa phân tích, Đào vừa đưa Nhai mấy quyển luật và giải đáp pháp luật, chỉ cho Nhai từng điều khoản liên quan. Nhai im lặng một lúc rồi thật thà hỏi:

- Vậy theo ý cô, bây giờ tôi phải làm thế nào?

- Tốt nhất là đừng ra toà. Anh nên xin lỗi và nói người ta thông cảm, bồi thường cho người ta. Tôi sẽ cho gọi mấy anh đánh họ hôm ấy, bảo họ đóng góp một phần cho anh, coi như Uỷ ban phạt họ để trả cho người bị hại.

Nhai nhất nhất nghe lời. Do vậy, cuộc hoà giải thuận lợi. Mấy người thợ biếu lại Nhai một phần và mong thời gian tới, họ đến làm, Nhai ủng hộ họ. Nhai vui vẻ nhận lời.

Một lần mất uy tín lớn nữa của Nhai là hành động mặc áo may ô, phát biểu. Hôm đó, văn công tỉnh đội về xã biểu diễn văn nghệ động viên trong ngày hội tuyển quân. Đảng uỷ và Uỷ ban phân công Nhai đại diện tiếp đoàn. Cao hứng với cánh văn nghệ sĩ, Nhai cứ uống, uống đến tím cả mặt lại. Cho đến lúc, nói méo cả tiếng, vẫn chưa muốn thôi uống. Mọi người ngừng cả. Mấy đồng chí lãnh đạo đoàn đã đi chuẩn bị cho đêm biểu diễn, Nhai vẫn ngồi trong nhà ăn của trụ sở hợp tác xã. Tận lúc có người vào gọi Nhai lên phát biểu, Nhai vẫn chưa hết say. Nóng, đang mặc áo may ô, Nhai cứ vậy lên sân khấu. Lời Nhai chẳng đâu vào đâu. Đám trẻ thì cười vang sân vận động. Một số vị trung tuổi khó chịu, còn đoàn văn công thì thấy một “chuyện thật như bịa” trên đời. Chao ôi! một cán bộ văn hoá mà sao chẳng có một chút văn hoá nào(!)

Một hôm, Nhai đang uống rượu một mình ở nhà thì có người đứng ngoài nói chõ vào:

- Họ đang đánh bạc ở nhà Trượng đấy!

Nhai nhướn mắt nhìn xem đứa nào thì nó đã đi mất rồi. Đánh bạc à! Thằng Trượng, đảng viên đánh bạc à! Ông sẽ cho chúng mày vào tù. Chúng mày dám khinh ông. Chúng mày... vào tù... vào tù. Vừa nghĩ vừa chân đăm đá chân chiêu, Nhai đi về phía nhà Mãnh. Ra lệnh cho Mãnh gọi thêm mấy dân quân phục ở bên ngoài nhà Trượng. Nhai lè nhè quát từ ngõ quát vào:

- Thằng Trượng đâu! Chúng mày đang làm gì? có biết pháp luật là gì không? Đông quá nhỉ? Toàn cán bộ à! Lại đem cả sổ sách để ghi nợ của nhau cơ à?...

Tất cả ngước nhìn Nhai ngạc nhiên. Cường, Bí thư Chi bộ hỏi xẵng:

- Gì thế anh Nhai?

- Gì hả? Tiền đâu hết rồi! Quân bài đâu hết rồi! Nộp ngay!

- Tiền nào? Bài nào? Anh say quá rồi đấy.  

- Say đếch gì ... mà say... Mà rượu vào thì... thì phải say chứ! Không say có mà nước lã hả?

- Anh có im đi không?

- Mày bảo ai im! - Nhai quát- Anh em đâu, vào trói tất cả lại, đem ra Uỷ ban!

- Anh có giỏi thì cứ thử trói chúng tôi xem. Anh dám trói cả một Chi bộ đang họp triển khai nghị quyết Đảng uỷ à? Anh có phải là thực dân đế quốc không? Anh trói đi!

- Chi bộ gì chúng mày. Trói...Trói tấ... ất...

Mãnh và mấy dân quân đang định xông vào, thấy Cường nói vậy thì giật mình. “Thôi chết! Theo lệnh bố này thì nguy”. Mãnh nháy mắt cho tất cả rút lui. Thành ra Nhai quát mà chẳng có ai hưởng ứng. Cường và mọi người đã ớn Nhai từ lâu, nay Nhai đến như thêm giọt nước vào bát nước đã đầy, tất phải tràn. Họ đã lập biên bản về việc Nhai say rượu, phá rối cuộc họp Chi bộ để kiến nghị Đảng uỷ kỉ luật. Họ đưa Nhai ký xác nhận đã đến cuộc họp và quát tháo mọi người. Nhai vẫn lè nhè:

- Ký thì ký! Sợ gì chúng mày!

Sau sự việc đó, Nhai còn để xảy ra mấy vụ nữa. Cho tới cuộc bầu Đảng uỷ thì mất hết chức vụ. Mất hết, song dân làng vẫn không quên gọi ông ta là “Chủ tịch rượu”. Và, họ tặc lưỡi: “Giá hắn mất chức sớm hơn thì chắc cuộc sống của xã này còn tốt hơn nhiều”.
 

Truyện ngắn của Nguyễn Kim Rẫn

.