Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta là vị lãnh tụ cách mạng kiệt xuất, người sáng tạo tư tưởng lỗi lạc, nhà văn hóa lớn mà đạo đức, nhân cách đã chinh phục cả thế giới và là tấm gương sáng cho các thế hệ người Việt Nam noi theo.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà đạo đức chân chính, bởi suốt cuộc đời Người không ngừng tự hoàn thiện mình theo lý tưởng chân – thiện – mỹ; gương mẫu thực hiện cần - kiệm - liêm - chính, chí công vô tư; có nếp sống giản dị, khiêm tốn, thanh cao; có lòng nhân ái, vị tha, khoan dung, nhân hậu và là biểu tượng mẫu mực của giáo dục đạo đức và thực hành đạo đức. Cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh là sự kết hợp giữa đức và tài, là sự hòa nhập giữa trí tuệ và kiến thức, phẩm chất và năng lực, là sự nỗ lực cống hiến quên mình cho lý tưởng cao cả vì con người.

 

Khúc dân ca dâng Bác. Ảnh: Đăng Khoa.

Khúc dân ca dâng Bác. Ảnh: Đăng Khoa.


Kế thừa và chắt lọc tinh hoa vĩ đại của Nho giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng phẩm chất đạo đức cách mạng mới cho cán bộ, Đảng viên gồm ngũ đức: Nhân – Nghĩa – Trí – Dũng – Liêm.

Nhân là phải biết yêu thương đồng bào, đồng chí, biết đồng cam cộng khổ; Nghĩa là ngay thẳng, thấy việc phải thì nói, làm, luôn công tâm; Trí là phải luôn có sự sáng suốt xét đoán đúng việc, học hỏi hiểu biết; Dũng là dũng cảm, gan góc, chịu đựng khó, khổ, chống lại cái sai, cái không chính đáng; Liêm là không tham tài, sắc, của cải, không ham lời nịnh hót, chỉ ham học, làm và tiến bộ. Người khẳng định: “Nó là đạo đức mới, đạo đức vĩ đại, nó không phải vì danh vọng của cá nhân mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người”. Từ đó có thể nhận thấy các phẩm chất công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn đều là các yếu tố không thể thiếu trong ngũ đức của cán bộ, Đảng viên.

Công minh là đòi hỏi sự công bằng, sáng suốt. Như chuyện xảy ra vào tháng 10/1948, sau khi nghe báo cáo lại kết quả thanh tra, kiểm tra nội vụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi một bức thư  tay cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Đình Hòe, Người viết: “Việc ân xá, ân sám ở Thái Bình như thế là xong. Ông Giám đốc Nguyễn Văn Huyên tỏ ra tận tâm với chức vụ thì Chính phủ nên khen, nhưng trong việc ở Thái Bình ông ấy làm quá đáng thì chúng ta phải phê bình để giúp ông ấy sửa chữa và tiến bộ. Không vì công mà quên lỗi, không vì lỗi mà quên công. Đó là chí công vô tư để rèn luyện và cân nhắc cán bộ”.

Chính trực là bản tính phải ngay thẳng, cương trực, có ý chí, đã quyết nói và làm rồi thì không bao giờ hối tiếc. Luôn luôn đứng về lẽ phải, bênh vực và bảo vệ cái đúng. Trung thành với lý tưởng, có niềm tin vững chắc. Năm 1920, khi được các chính khách và nhà báo hỏi tại sao bỏ phiếu tán thành Quốc tế cộng sản III, Nguyễn Tất Thành (tên gọi thời bấy giờ của Chủ tịch Hồ Chí Minh) trả lời: “Rất đơn giản, Đệ tam Quốc tế nói sẽ giúp đỡ dân tộc bị áp bức giành lại tự do và độc lập. Vì vậy tôi đã bỏ phiếu tán thành. Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn”.

Khách quan là không phụ thuộc vào ý thức, ý chí và nhận thức chủ quan của một cá nhân nào, mà phải biết chấp nhận, giải quyết vấn đề nảy sinh trong hoàn cảnh cụ thể, phải lắng nghe các ý kiến; cần linh hoạt, nhạy bén, sẵn sàng đối phó với những bất ngờ xảy đến. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: Làm việc phải xem xét kỹ càng, quyết đoán, dũng cảm. Cụ thể là sau khi giành được độc lập, trước tình thế ngàn cân treo sợi tóc, thù trong giặc ngoài, để tránh sự khiêu khích của các thế lực phản động, tập hợp khối đại đoàn kết dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đá tuyên bố “giải tán Đảng” (mà thực chất là Bác đưa Đảng rút vào hoạt động bí mật, nhằm tránh sự phá hoại của kẻ thù). Người nói: “Đảng không thể do dự, do dự là hỏng hết, Đảng phải quyết đoán mau chóng, phải dùng những phương pháp - dù là phương pháp đau đớn để cứu vãn tình thế”.

Thận trọng là làm việc có đắn đo, suy tính cẩn thận trong hành động để tránh sai sót. Thận trọng mà không chậm trễ, phải đáp ứng được yêu cầu công việc, suy nghĩ cho kỹ để đảm bảo giữ vững chủ trương, đường lối. Cẩn thận nhưng phải hiểu đúng, nghe đúng, làm đúng. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở cán bộ: “Tự mình phải hay nghiên cứu, xem xét, vị công vô tư, không hiếu danh, nói thì phải làm”. Điều này thể hiện rất cụ thể trong công việc hàng ngày của Bác. Có lần, Ban Thi đua Trung ương chuyển lên để ký mấy chục hồ sơ khen thưởng cho các hợp tác xã nông nghiệp có thành tích xuất sắc, Bác nói với Văn phòng giữ lại và cho mời đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Tổng Thanh tra Chính phủ, Trưởng ban Kiểm tra Trung ương Đảng đến gặp. Bác rút ra ba bộ hồ sơ ngẫu nhiên giao cho Thanh tra đi kiểm tra lại sự thật. Kết quả là cả ba hợp tác xã nông nghiệp nọ đều có vấn đề và việc xét khen thưởng phải đình lại. Lần khác, một chị y tá ở cơ quan Trung ương viết thư lên Bác trình bày với Bác, đại ý là: Vợ chồng chị đều là cán bộ công nhân viên, chồng là đảng uỷ viên Bộ Giao thông vì khai man lý lịch bị khai trừ khỏi Đảng và sẽ bị sa thải khỏi cơ quan, nếu điều đó xảy ra, gia đình chị sẽ tan nát. Chị xin Bác cứu giúp. Bác mời đồng chí Nguyễn Lương Bằng đến nói: “Kỷ luật Đảng phải nghiêm nhưng phải cho người phạm lỗi có con đường sửa chữa để trở thành người tốt chứ không phải là đuổi khỏi cơ quan, nên xem xét có thể bố trí một công việc lao động để có điều kiện cải tạo” và hai năm sau đồng chí ấy được kết nạp lại vào Đảng.

Khiêm tốn là luôn đánh giá đúng bản thân mình, không tự mãn, tự kiêu, phấn đấu học hỏi để cầu tiến bộ, không cho mình là hơn đời, hơn người, biết tôn trọng ý kiến người khác, lắng nghe ý kiến tập thể. Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy rằng: “Sông to, biển rộng thì bao nhiêu nước cũng chứa được, vì độ lượng nó rộng và sâu. Cái chén nhỏ, cái đĩa cạn thì một chút nước cũng tràn đầy, vì độ lượng nó hẹp nhỏ. Người mà tự kiêu, tự mãn cũng như cái chén, cái đĩa cạn”. Vào tháng 5/1948 Chính phủ tổ chức lễ truy điệu cụ Nguyễn Văn Tố, Đại biểu Quốc hội bị hy sinh. Trước đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết xong bài văn tế, nhưng Người gửi cụ Bùi Bằng Đoàn, Trưởng ban thường trực Quốc hội nhờ góp ý kèm theo bức thư với nội dung: “Tôi muốn có một bài truy điệu cụ Tố, nhưng nhờ người viết thì không biết nhờ ai, tự viết lấy thì viết không được, vì xưa nay tôi chưa tập viết văn tế. Vậy tôi cứ bạo dạn thảo ra đây, trình cụ xem, nếu có thể sửa được thì xin cụ sửa giùm. Nếu không thể sửa thì ta làm văn xuôi vậy. Khi tôi thảo xong, đọc lại nghe khá chướng tai. Vì đối với cụ, tôi không dám giấu dốt, cho nên cứ gửi để cụ xem”. Đọc xong bài văn tế, cụ Bùi Bằng Đoàn nói: Bài văn chỉ gang tấc mà ý tưởng dài muôn dặm, đích thị là Hồ Chí Minh. Và cụ chỉ xin thay một chữ “siêu” trong câu: “Học vấn cao siêu” bằng chữ “sâu”: “Học vấn cao sâu”.

Trong suốt 24 năm ở cương vị đứng đầu Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm giáo dục đạo đức cách mạng cần – kiệm – liêm – chính, chí công vô tư cho cán bộ Đảng viên và Người luôn là biểu tượng mẫu mực với những phẩm chất của một lãnh tụ trung với nước, hiếu với dân như Người tự bộc bạch: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha nơi hiểm nghèo là vì mục đích đó”.

Cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ có ý nghĩa nhân văn lớn lao cho nhân dân ta mà còn cho toàn thể loài người tiến bộ trên thế giới, như lời Chủ tịch Cu Ba Fidel Castro: “Ở dân tộc Việt Nam, chúng ta có thể nhận thấy sự giáo dục của một Đảng cách mạng và những dấu ấn tuyệt vời đó để lại trong trái tim và tâm hồn nhân dân, đó là những lời dạy của Hồ Chí Minh - người yêu nước, người chiếu sáng”. Tổng Giám đốc UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cũng đã từng phát biểu rằng: “Chỉ có ít nhân vật trong lịch sử trở thành huyền thoại ngay khi còn sống và Hồ Chí Minh là một trong số đó. Người đã mang lại một viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này”. Trong Di chúc trước lúc về cõi vĩnh hằng, Bác dặn: “Mỗi Đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần - kiệm - liêm - chính, chí công vô tư. Phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Nhân kỷ niệm 123 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, chúng ta lại một lần nữa cùng suy ngẫm về những bài học sâu sắc và lời dạy quý báu của Người để quyết tâm phấn đấu tu dưỡng theo tư tưởng đạo đức của Bác Hồ. Đó là tấm gương tuyệt vời về chí khí cách mạng kiên cường, tinh thần độc lập tự chủ, lòng nhân ái bao dung và yêu mến nhân dân thắm thiết, đạo đức chí công vô tư, tác phong khiêm tốn, giản dị. Tư tưởng và đạo đức cao cả ấy của Người mãi mãi soi sáng và nâng cao tâm hồn của mỗi người dân Việt Nam.
 

Đinh Văn Phúc

.