Quả đúng như nhận xét của cụ Nguyễn Khuyến:

Già trẻ gái trai đều khoái Tết
Cỏ cây hoa lá cũng mừng Xuân


Lạ lắm chiều 30 Tết. Những con đường nhộn nhịp, ai nấy đều khẩn trương làm cho tươm tất mọi việc (công lẫn tư) để bon bon chạy về cho kịp bữa cơm tất niên. Mọi nhà đang sửa soạn cúng kính, mùi thơm của nén hương trầm bay phảng phất. Tụi trẻ rón rén chơi trước cửa, người lớn khăn áo chỉnh tề, trang nghiêm đứng trước mâm cơm tất niên cúng tổ tiên, đón ông Táo về nhà.

Không phải chỉ ngày xưa, những ngày còn là một cô bé chờ Tết để được mặc áo mới, được nhận lì xì, tôi mới có cảm giác đặc biệt trong buổi chiều 30 mà cả bây giờ cũng vậy, với tôi, chẳng chiều nào như chiều 30…

Chiều 30, ấy là buổi chiều tôi được lùa bò về sớm. Thiệt là hay, trên đường từ cánh đồng về nhà (con đường tôi đã quen đi lại lắm lần) nhìn đâu tôi cũng thấy mới mẻ, thơm tho.

Này nhé, những hàng rào thường ngày xum xuê tua tủa lá cành thì bây giờ gọn gàng ngay ngắn, có những gia chủ kì công hơn, cắt tỉa hàng rào óng dẹt và quét sạch như lau...

Đó là “mặt tiền” chứ nếu đưa mắt nhìn qua rào thì cảnh tượng còn hấp dẫn hơn ngàn vạn lần, làm cô bé tôi cứ nấn ná cặp mắt ở đó, vừa đi vừa nhìn quang cảnh nhà người ta để rạo rực, bồi hồi hình dung mọi thứ đang diễn ra ở nhà mình. Thích lắm cảm giác đó, cảm giác được nhìn những ngôi nhà quê chiều 30 Tết lung linh như cô Tiên bước ra từ quả thị. Những ngôi nhà cũ kỹ, ẩm thấp (có cả những ngôi nhà dột nát) bỗng bừng sáng chỉ vì một bình lay ơn trang trí giữa chiếc bàn ở phòng khách hay một chậu vàng thọ, sống đời rực rỡ được đặt ở hiên nhà. Điều đặc biệt hơn cả sự đặc biệt là không khí ấm áp lan tỏa mọi nhà khi bữa cơm tất niên được bày ra.

Bữa cơm tất niên là bữa cơm ngon nhất của năm (nhà tôi và chắc là nhà bạn nữa). Khi đó, anh Hai làm thợ hồ ở thành phố đã kịp về, anh Năm cũng sập cửa tiệm may lại, mẹ và mấy chị đã chuẩn bị đâu đó xong xuôi. Người bưng người múc, cả nhà sẽ quây quần bên mâm cơm tiễn năm cũ. Tôi nói bữa cơm tất niên là bữa cơm ngon nhất năm vì đó là bữa cơm hiếm hoi cả nhà đông đủ, ai cũng vui vẻ nói cười chứ không phải đó là bữa cơm chỉ toàn sơn hào hải vị. Mẹ tôi đơn giản lắm, trước sau vẫn là nguyên tắc “ngon bổ rẻ” nên bữa cơm đặc biệt cũng là những món cơm canh thông thường, có điều thịt cá nhiều hơn, nêm nếm mát tay hơn. Mẹ rất giỏi chuyện bếp núc nên món mẹ làm dù rất đơn giản thì vẫn rất ngon... Có một món cả nhà đều khoái khẩu mà phải tới tất niên mẹ mới nấu, đó là món lá sú cuốn thịt hầm xương.

Khi trở thành công dân của vùng kinh tế mới, chiều 30 nào tôi cũng xênh xang áo quần đi một vòng khắp xã để nhìn để ngắm, để kiếm lại cảm giác của những chiều 30 Tết xưa. Không còn nữa cái không khí của quá khứ nhưng vẫn còn trong tôi cái cảm giác chiều 30 Tết vẫn là một buổi chiều thật đặc biệt…

Nguyễn Thị Bích Nhàn