(BVPL) VP banh tiếp tục làm nóng dư luận khi tổ chức lực lượng đến “cưỡng chế” tòa nhà trị giá hàng nghìn tỷ đồng ở số 5 Điện Biên Phủ (Hà Nội) từ lúc hơn 3 giờ sáng, bất chấp vụ kiện hành chính liên quan đến sổ đỏ của ngôi nhà đang được tòa án thụ lý.
 
Hồi 3h30 phút sáng ngày 26-11-2016, khi lực lượng thuộc ban quản lý dự án tòa nhà số 5 Điện Phủ của Công ty ATS đang ngủ ngon thì một nhóm khoảng 100 người của VP Bank đã bất ngờ xuất hiện, dùng vũ lực khống chế, xua đuổi họ ra khỏi tòa nhà, sau đó lấy dây xích khóa cửa văn phòng Công ty ATS, quây tôn toàn bộ tòa nhà, treo biển "Công trình của VPBank không phận sự miễn vào". 
Bà Thoa cho hay khi sự việc xảy ra, ATS đã trình báo cơ quan Công an nhưng không được giải quyết thỏa đáng. Sau đó, tòa nhà đã bị phong tỏa còn Công an phường và công an thành phố đều bị từ chối làm việc với ATS. AST đã gửi nhiều đơn kêu cứu nhưng đến nay vẫn chưa được một dòng hồi âm. 
 
Ngân hàng ra thông báo “cưỡng chế”?
Theo hồ sơ PV có được,  Công ty ATS vốn là chủ sở hữu, sử dụng tòa nhà gắn liền với đất thuê tại địa chỉ số 5 Điện Biên Phủ (theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AB 180273 được cấp năm 2005,  đứng tên Công ty CP Điện máy Miền Bắc đã sáp nhập vào Công ty ATS  năm 2011). 
Khi xây dựng tòa nhà gần xong, ngày 25-1-2011, VP Bank đến đưa ra phương án thuê toàn bộ tòa nhà và trả tiền trước 10 năm  với tổng số tiền 29 triệu USD, khấu trừ vào tiền cho Công ty ATS vay. 
Song để thực hiện phương án, VP Bank lại yêu cầu Công ty ATS ký 4 hợp đồng tín dụng, thế chấp 7 tài sản bất động sản lớn khác để bảo đảm cho khoản vay với tổng số tiền gốc vay hơn 796 tỷ đồng. Sau đó, do ngân hàng thay đổi kết cấu thiết kế công năng của tòa nhà, nâng số tầng cộng một số lý do, khiến cho dự án bị chậm tiến độ song VP Bank đã áp dụng nhiều chính sách “phạt” khiến cho khoản nợ của ATS bị đội lên tới hơn 5000 tỷ đồng, rồi hơn 2500 tỷ đồng. 
Bà Thoa cho biết, để tháo gỡ, bà được một số cán bộ ngân hàng “gợi ý” có một “lãnh đạo” “bảo lãnh” nên đồng ý ký một thỏa thuận và ngày 26-5-2013 và trước đó đồng ý đưa vụ việc ra tòa để “chốt số nợ” Công ty ATS phải thanh toán cho VPBank tổng số tiền hơn 1.461 tỷ đồng theo hình thức chuyển nhượng 8/9 tài sản thế chấp để cấn trừ nợ. 

 

Nhiều cán bộ công an xuất hiện tại khu vực tòa nhà
Nhiều cán bộ công an xuất hiện tại khu vực tòa nhà
Tuy nhiên, qua rất nhiều lần thương thảo giải quyết phức tạp, VPBank không thực hiện theo đúng thỏa thuận, gây khó cho ATS và  tiếp tục yêu cầu TAND quận Ba Đình giải quyết. “Ngày 31-5-2013, lúc sắp lên máy bay đi công tác, tôi được gọi đến TAND ký  các biên bản hòa giải và đến ngày 11-6/2013, TAND quận Ba Đình đã ra Quyết định số 05/2013/QĐST- KDTM  “Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự” với nhiều nội dung không đúng thỏa thuận trước đó.
 Khi về nước, phát hiện ra điều này, tôi phản đối,  có văn bản gửi các cơ quan chức năng không đồng ý tiếp tục làm các thủ tục đăng ký sang tên các tài sản thế chấp cho VPBank, trong đó có tài sản tại số 5 Điện Biên Phủ. Thế nhưng, họ vẫn dựa vào bản thỏa thuận trên để yêu cầu thi hành án. 
Công ty ATS đã làm đơn khiếu nại, tố cáo gửi Cục trưởng Cục THADS TP. Hà Nội nên sau đó ngày 18-10-2016, Chi cục trưởng Chi cục THADS quận Ba Đình đã ra Quyết định số 01/QĐ-CCTHADS thu hồi toàn bộ Quyết định số 05/QĐ-CCTHADS” - bà Nguyễn Thị Thoa cho biết.
Trả lời báo chí khi sự việc xảy ra, lãnh đạo VPBank tránh không dùng cụm từ “cưỡng chế thu hồi tài sản” và cho rằng “đã xử lý tài sản đúng pháp luật” vì tài sản số 5 Điện Biên Phủ VP Bank đã được cấp sổ đỏ, thuộc sở hữu của VP Bank nên VPBank có toàn quyền đối với tài sản. 
VP Bank không cưỡng chế mà chỉ nhận bàn giao tài sản từ nhà thầu thi công. Nhưng điều này, theo đại diện Công ty ATS là hết sức “ngụy biện” vì không thể có chuyện “bàn giao” từ lúc 3 giờ 30 phút sáng mà lại có cả nhiều cán bộ công an tham gia cuộc “bàn giao”. 
Mặt khác, theo những tài liệu mà chính VP Bank công bố thì họ đã từng dùng cụm từ “cưỡng chế thu hồi tài sản” trong các văn bản này. Cụ thể:  Ngày 21-10-2016, Công ty ATS bất ngờ phát hiện VPBank dán Thông báo số 172/2016/TB-VPB về việc “Cưỡng chế thu hồi tài sản tại số 5 Điện Biên Phủ” vì VPBank đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất số CE 039596 do UBND thành phố Hà Nội cấp ngày 24-8-2016
Cũng trong ngày, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó giám đốc khối pháp chế và kiểm soát tài sản VPBank còn ký công văn số 1447/2016/CV-VPB yêu cầu các tổ chức, cá nhân đang ở trong tòa nhà di chuyển ra khỏi tòa nhà trước ngày 24-10-2016 để VP Bank “tiếp quản tài sản” nếu không sẽ phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại địa phương tiến hành “cưỡng chế thu hồi tài sản”. 
Đáng chú ý, ngay từ ngày 24-10-2016, Công ty ATS đã có đơn yêu cầu UBND. TP Hà Nội trả lời về việc đăng ký sang tên tài sản cho VPBank nhưng đến nay hơn một tháng trôi qua, UBND TP Hà Nội vẫn “phớt lờ” không hề hồi âm về sự việc.
Ông Trần Phan Diên – Phó trưởng Ban Pháp chế Công ty ATS cho rằng, Quyết định thi hành án số 05/QĐ-CCTHADS đã bị hủy thì không có cơ sở để UBND TP. Hà Nội thực hiện việc sang tên tài sản cho VPBank. Công ty ATS đã có đơn gửi TAND TP Hà Nội khởi kiện và yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số CE 039596; khôi phục lại nguyên trạng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất tại địa chỉ số 5 Điện Biên Phủ. Ngày 17-11-2016 vừa qua, TAND TP Hà Nội đã có thông báo số 52/TBTL-HCST thông báo về việc thụ lý vụ án hành chính sơ thẩm đề nghị tuyên hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác của VP Bank. 
 
Nhiều nghi vấn sai phạm sang tên sổ đỏ?
Lãnh đạo Công ty ATS cho biết:  Vụ việc đêm 26-11 vừa qua nằm trong kế hoạch “thôn tính” tòa nhà này ngay từ năm 2011 dưới hình thức “cho vay”. Hiện công ty ATS còn cung cấp tài liệu “hồ sơ vụ việc” chỉ ra 5 giai đoạn với nhiều “động tác lắt léo” của các đối tượng liên quan (chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin cụ thể trong các số báo tới). 
Theo hồ sơ này thì từ giai đoạn 4 vào tháng 5-2013 đến nay, có nhiều số liệu sự việc tại tòa án bị đảo lộn, thậm chí có tài liệu bị giả mạo, dàn xếp, “chế biến hồ sơ”. Giai đoạn 5 là giai đoạn Công ty ATS gửi 26 công văn yêu cầu trả nợ nhưng VP Bank né tránh không phản hồi hoặc đưa ra yêu sách vô lý “cứ chuyển tiền vào tài khoản tại VP Bank rồi nói chuyện sau”, để “lẳng lặng” sang tên sổ đỏ.
 Trong các giai đoạn này, nổi lên có việc nghi vấn lập hồ sơ khống việc ký hợp đồng bàn giao tài sản và ủy quyền sang tên sổ đỏ mà VP Bank cung cấp cho cơ quan chức năng. Theo hồ sơ vụ việc, VP Bank tuyên bố đã hoàn tất thủ tục và được UBND TP Hà Nội cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất vào tháng 8-2016…
Để thực hiện việc này, VP Bank đã có biên bản bàn giao tài sản số 06/ATS-VPB/2013 ngày 20-6-2013 để bàn giao tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại số 5 Điện Biên Phủ (Hà Nội). Biên bản lập ngày 20-6-2013, có chữ ký của bà Nguyễn Thị Thoa. 
Cùng đó, ngày 25-5-2013, bà Nguyễn Thị Thoa đã ký hợp đồng ủy quyền cho 3 người của VP Bank được phép thay mặt Công ty ATS để tiến hành các thủ tục sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất tại số 5 Điện Biên Phủ. 
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Thoa khẳng định: “Ngày 16-6-2013 tôi đi công tác tại Singgapore và đến 7 giờ 30 phút tối ngày 25-6-2013 tôi mới về đến Hà Nội (bà Thoa đã cung cấp bản gốc hộ chiếu để chứng minh) nên không thể có chuyện tôi ký biên bản bàn giao tài sản số 06/ATS-VPB/2013 vào ngày 20-6-2013 để bàn giao tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại số 5 Điện Biên Phủ (Hà Nội) cho VP Bank”. 

 

Những trang sổ hộ chiếu chứng minh bà Thoa đi nước ngoài không ký biên bản bàn giao tài sản để làm cơ sở cho VP Bank sang tên sổ đỏ
Những trang sổ hộ chiếu chứng minh bà Thoa đi nước ngoài không ký biên bản bàn giao tài sản để làm cơ sở cho VP Bank sang tên sổ đỏ
Do vậy, văn bản nêu trên không có giá trị pháp lý, cần được tòa án sớm điều tra, làm rõ. Bà Thoa cũng cho biết sẽ cung cấp thêm nhiều tin nhắn, email liên quan đến sự can thiệp của một số lãnh đạo VP Bank và “một cán bộ cấp cao” khiến cho bà bị “bội ước”, đẩy sự việc thêm phức tạp dẫn đến nguy cơ mất khối tài sản rất lớn. 
 
Phớt lờ tòa án, còn gì kỷ cương phép nước?
Được biết, ông Cồ Như Dũng, Chủ tịch UBND phường Điện Biên khi trả lời báo chí cho hay, chính quyền phường hoàn toàn không hay biết về việc cưỡng chế thu hồi tòa nhà lúc 3h30 phút sáng 26-11-2016. 
Tại cuộc hội thảo của Ngân hàng Nhà nước về quyền xử lý tài sản bảo đảm ngày 6-12 vừa qua, khi phát biểu, đại diện VPBank tiếp tục đưa dẫn chứng vụ việc tòa nhà số 5 Điện Biên Phủ và Công ty ATS để cho rằng họ gặp khó trong thu hồi nợ, đồng thời biện minh rằng đã làm đúng pháp luật. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận tổng thể nhiều vụ việc mà VP Bank từng làm, thì thấy rõ vấn đề này bộc lộ nhiều bất cập cần chấn chỉnh.

 

VB bank
VB bank "cưỡng chế" bất chấp tòa đã thụ lý
Theo nhiều luật sư, việc tự ý dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc… nhằm thu hồi nợ thì có thể bị xử lý về tội cướp tài sản theo quy định tại Điều 133 BLHS hoặc tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại Điều 135 BLHS. Với hành vi đánh đuổi người khác ra khỏi nơi cư trú hợp pháp của họ thì có thể bị xử lý về tội xâm phạm chỗ ở của công dân theo quy định tại Điều 124 BLHS.
 “Trong trường hợp này, Ngân hàng VP Bank phải chờ phán quyết cuối cùng của Tòa án TP Hà Nội bằng một bản án có hiệu lực thì mới được tiếp tục thực hiện việc quản lý tài sản, chứ không thể “manh động” như vậy. Tòa chưa quyết định đúng sai mà đã hành xử như vậy theo tôi là không thể chấp nhận, tạo ra tiền lệ hết sức nguy hiểm” – một luật sư có kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng cho biết. 
Vụ việc xảy ra rạng sáng ngày 26-11 vừa qua rõ ràng còn tiềm ẩn nhiều nội dung phức tạp cần được làm rõ. Nếu chỉ là tiếp quản tài sản từ nhà thầu xây dựng thì tại sao sự việc không được công bố công khai đến đơn vị liên quan là Công ty ATS? Nó cũng thể hiện dấu hiệu bất thường hơn nữa khi hơn nửa tháng trôi qua, chính quyền từ cấp phường, quận, đến UBND TP Hà Nội đều im lặng không một dòng hồi âm trước những kêu cứu chính đáng của Công ty ATS. Điều đó khiến dư luận đặt câu hỏi phải chăng trong sự việc này còn có nhiều khuất tất, bất thường, dính dáng đến lợi ích của một ai đó như một cán bộ phường trả lời công ty “việc to lắm không làm được”?
PV
 
.