Nhiều nhân viên bảo vệ ở các cơ quan sẵn sàng quát tháo, hách dịch với khách đến liên hệ công tác mà không cần biết đó là ai.

Sau vụ bảo vệ Bệnh viện Nhi trung ương chặn xe chở bệnh nhi đang hấp hối ra khỏi viện khiến dư luận bức xúc, nhiều ý kiến cho rằng, không phải chỉ bảo vệ ở các bệnh viện mà trong nhiều cơ quan công quyền, đoàn thể xã hội… cũng cần phải được “nắn chỉnh” về thái độ giao tiếp, ứng xử với khách khi đến liên hệ công tác hoặc ra - vào cơ quan.

Vậy nhân viên bảo vệ có cần phải biết ứng xử văn hóa? Rất cần, vì ông/bà bảo vệ là một phần “bộ mặt” của một cơ quan, đơn vị. Đến bất kỳ cơ quan nào, người đầu tiên khách được gặp là ông/bà/anh/chị bảo vệ chứ không phải Thủ trưởng hay cán bộ quản lý của cơ quan, đơn vị đó. Thế nhưng, không ít người đã gặp ngay phải sự bực mình, ức chế khi đến một Bộ, ngành, cơ quan vào một buổi sáng chỉ vì thái độ không đúng mực của ông, bà bảo vệ.

Không phải nơi công cộng hay bệnh viện, đến các cơ quan, đơn vị từ trung ương đến địa phương phần lớn là những đối tác, có trình độ, nhưng nhiều người dù đã lớn tuổi vẫn bị bảo vệ nói nặng lời, bắt để xe ra chỗ này, chỗ kia. Cũng là việc cất lời để yêu cầu khách để xe đúng chỗ hay xuất trình giấy tờ, nhưng thái độ của bảo vệ rất quan trọng, vậy mất gì mà họ không “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau?”. Khách đến liên hệ công tác không cần những lời ngọt ngào, trìu mến, mà chỉ cần dễ nghe, thuận tai. Nhưng dường như đây là đòi hỏi xa xỉ với nhiều bảo vệ.

Nói công bằng, đến nhiều nơi, có những nhân viên bảo vệ rất tận tâm, chu đáo, gây được thiện cảm với khách dù họ rất nguyên tắc. Thế nhưng, không ít bảo vệ, nói chuyện với khách mà không thèm ngẩng mặt lên, hất hảm chỉ chỗ đỗ xe... và nhiều hành động "gai mắt" khác.

Nguồn bảo vệ được lấy từ đâu? Thường thì những ông/bà bảo vệ này được các cơ quan “gom” từ những lao động dôi dư, không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn hoặc là những người “dính” án kỷ luật. Chuyên nghiệp hơn thì thuê hẳn những công ty có đào tạo bài bản.

Bảo vệ là công việc khá đơn giản, không cần phải yêu cầu gì cao siêu, chỉ cần những ông bà này có thái độ ứng xử đúng mực, đúng nguyên tắc là đã có thiện cảm với khách đến liên hệ công tác rồi. Đằng này, nhiều ông/bà bảo vệ còn to hơn Thủ trưởng đơn vị, hách dịch, quát tháo khách như đứa trẻ con. Nhiều vị là giáo sư, tiến sĩ, đi đâu cũng được trọng vọng nhưng đến một số cơ quan gặp bảo vệ là “mất điện”, không cần biết ông/bà là ai, cứ phải mắng cho đúng oai bảo vệ đã, khách của ai thì xem xét sau nhé. Nhiều ông sếp đã phải xin lỗi khách vì bảo vệ đã cư xử hơi quá.

Ngẫm mà xem, bảo vệ cũng có gia đình, cũng có những mối quan hệ xã hội và họ cũng phải biết cách ứng xử với các mối quan hệ xã hội ấy. Khi đứng ở cổng một cơ quan, anh ta không thể coi đó là cổng nhà mình để muốn tỏ thái độ ra sao với khách thì tùy. Họ cần biết rằng, khi đứng ở cổng cơ quan là anh đại diện cho một tổ chức, đơn vị, tiếp đón một đối tác, một người khách vào ngôi nhà chung.

Các ông/bà bảo vệ hãy thử một lần đặt mình vào vị trí của những người khách đến cơ quan liên hệ công tác. Họ sẽ nghĩ sao, phản ứng thế nào khi bị người khác đối xử bất lịch sự, hạch sách, vặn vẹo?

Từ những câu chuyện do bảo vệ gây ra, các cơ quan, đơn vị cũng cần chú trọng hơn đến những người làm công tác hành chính – bảo vệ ở cơ quan, đơn vị mình. Đừng nghĩ rằng, công việc bảo vệ chỉ cần cơ bắp, to khỏe là xong, đó mới chỉ là điều kiện cần. Bởi hàng ngày, đa phần họ tiếp xúc với dân lành, người tốt, có học thức, chứ “đầu gấu” thỉnh thoảng mới có, cho nên văn hóa ứng xử cũng cần được đặt cao hơn một chút so với sức khỏe, cơ bắp./.

 

Theo VOV

.