Từ yêu cầu “Tối 29 tiếp cận, sáng 30 đánh…”
 

 

Để giải phóng Đà Nẵng, Khu ủy 5 đã vạch kế hoạch theo hai phương án: Một, tiêu diệt và làm tan rã sư đoàn bộ binh 2, hai liên đoàn biệt động quân 11 và 12 ngụy, giải phóng Tam Kỳ, Quảng Ngãi tạo điều kiện giải phóng Đà Nẵng bằng tiến công trong hành tiến.
 
Hai, nếu địch co cụm lớn, phòng ngự có chuẩn bị, ta phải có lực lượng mạnh, tổ chức chuẩn bị chu đáo, đánh hiệp đồng binh chủng, tác chiến trong thời gian tương đối ngắn”(1). Quyết tâm của Khu ủy 5 là tạo điều kiện để thực hiện phương án 1.
 
Theo đó, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 cấp tốc chuyển Sư đoàn 2 của Quân khu hoạt động ở phía nam ra phía bắc cùng lực lượng của tỉnh Quảng Nam-Quảng Đà hỗ trợ cánh phía Nam của Đà Nẵng, đây là quyết định “có ý nghĩa quyết định cho việc giải phóng Đà Nẵng ngày 29-3-1975”(2).
 
Để chỉ đạo lực lượng bên trong hỗ trợ cho quân chủ lực tiến công từ bên ngoài vào, Khu ủy 5 chỉ đạo Đặc khu ủy Quảng Đà thực hiện tốt ba yêu cầu: “Phải tiêu diệt và làm tan rã đại bộ phận quân địch; chống âm mưu cưỡng ép dân chạy theo địch; bảo vệ tài sản và trật tự trị an đến mức cao nhất” và “phải huy động lực lượng tại chỗ nổi dậy bao vây, gọi hàng bức rút làm tan rã toàn bộ quân địch đóng trên địa bàn, mở đường cho quân chủ lực tấn công giải phóng Đà Nẵng, theo yêu cầu: “Tỉnh giải phóng tỉnh, huyện giải phóng huyện, xã giải phóng xã”. Tất cả phải bảo đảm cho được phương châm: “táo bạo, bất ngờ, kịp thời, chắc thắng”.
 
Ngày 27-3-1975, đồng chí Võ Chí Công cùng với bộ phận chỉ huy tiền phương của Khu ủy 5 về Quảng Đà, trực tiếp theo dõi, chỉ đạo cuộc tổng tấn công và nổi dậy giải phóng Đà Nẵng. Căn cứ vào tình hình, ông đã quả quyết rằng: “Tối 29 tiếp cận, sáng 30 đánh và tiến công giải phóng Đà Nẵng”, đây là thời gian dự kiến nhanh nhất giải phóng Đà Nẵng của Khu ủy.
 
Cùng ngày này, “được điện của Trung ương thành lập Mặt trận Quảng Đà do đồng chí Lê Trọng Tấn làm Tư lệnh, đồng chí Chu Huy Mân làm Chính ủy và phối hợp với lực lượng của bộ tấn công vào Đà Nẵng”(3). Lực lượng tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Đà Nẵng của cả Trung ương và địa phương gồm: Quân đoàn 2 với các sư đoàn 304, 325; lực lượng Quân Khu 5 gồm Sư đoàn 2 và Lữ đoàn 52; lực lượng địa phương gồm Trung đoàn 96 và Trung đoàn 97 của Mặt trận 4 Quảng Đà và các lực lượng quân sự, chính trị ở nội, ngoại thành.
 
Đến ngày thứ bảy cuối tuần: 29-3-1975
 
Thực hiện chủ trương của Khu ủy 5, sáng 28-3-1975, từ căn cứ Hòn Tàu, tất cả cán bộ chỉ huy của Khu ủy 5 và Đặc khu ủy Quảng Đà chia làm hai hướng tiến về Đà Nẵng. Các cơ quan, ban, ngành, bộ phận tiền phương của Khu ủy 5 đi theo hướng xuống Xuyên Trà ra quốc lộ 1A để gặp Sư đoàn 2 tiến từ Tam Kỳ ra Đà Nẵng.
 
Lúc này, có hai sự kiện để Khu ủy tiếp tục điều chỉnh chiến lược giải phóng Đà Nẵng nhanh hơn dự kiến trước đó: Một là, ta thực hiện tốt mũi binh địch vận nên đêm ngày 27, sáng 28-3, ở Trung tâm huấn luyện Hòa Cầm tại Đà Nẵng, 3.000 tân binh ở đây nổi dậy làm binh biến, đào rã ngũ, đây thực sự là một đòn đánh mạnh vào tinh thần kháng cự của địch(4).
 
Hai là, ngày 27-3, Ngô Quang Trưởng tuy vẫn tuyên bố “tử thủ” Đà Nẵng nhưng trước sức tấn công mạnh mẽ của ta, vào 22 giờ ngày 28-3, Trưởng và Bộ Tham mưu Quân đoàn I ngụy đã bỏ chạy ra Hạm đội 7. Tổng lãnh sự Mỹ và bộ phận CIA đốt lãnh sự quán và chuồn thẳng vào ngày 28-3. Hậu cứ sư đoàn 3 và liên đoàn biệt động ngụy ở Phú Lộc cũng rút chạy.
 
Phản ánh tình hình tháo chạy tán loạn này, một nhà báo Mỹ viết: “Đà Nẵng đã từng là căn cứ quân sự Mỹ lớn nhất ở Nam Việt Nam nhưng nó đã nhanh chóng bị cô lập khi các lực lượng của Bắc Việt và Việt cộng từ trên rừng tràn xuống phía nam Đà Nẵng và tiến về phía biển, cắt tất cả các đường thoát thân trên bộ. Sự khiếp sợ lan tràn khắp thành phố”(5). Một nhà báo khác có mặt tại Đà Nẵng lúc đó cho biết: “Rạng sáng ngày 28-3, bộ phận chỉ huy của cộng sản ở Đà Nẵng đã ban hành mệnh lệnh.
 
Lệnh đó được chuyển nhanh chóng xuống các đơn vị thấp nhất, không cần giữ bí mật nữa: “Nhân dân Đà Nẵng hãy nổi dậy cùng với các lực lượng vũ trang giải phóng nắm lấy quyền quyết định vận mệnh của mình. Bọn địch đã bị bao vây và đang bị tấn công. Chúng đang tìm cách tháo chạy. Thời cơ giải phóng tỉnh Quảng Đà và thành phố Đà Nẵng đã đến...”.
 
Vào trưa ngày 28-3, một buổi trưa thứ sáu ở các nơi khác trên thế giới với ngày nghỉ cuối tuần đang đến và chẳng còn gì khác thì Đà Nẵng lại đang cơn co quắp cuối cùng của sự kinh hoàng”(6).
 
Từ diễn biến trên, Khu ủy chủ trương không phải chờ đến ngày 30 mới giải phóng như kế hoạch đề ra. Sáng 29-3, lệnh khởi nghĩa được ban bố, các cánh quân tập kết trước đó (bao gồm lực lượng của địa phương và quân chủ lực) từ các hướng tiến vào Đà Nẵng.
 
Đồng bào ở vùng ven và nội thị cùng với tù chính trị nổi dậy phá nhà lao cùng tham gia cướp chính quyền, dưới sự hướng dẫn của các Ủy ban khởi nghĩa. Lúc 11 giờ 30, ngày 29-3-1975, ta cắm cờ trên Tòa thị chính Đà Nẵng, Đà Nẵng được hoàn toàn giải phóng.
 
Lúc 17 giờ cùng ngày, các đồng chí Trần Thận cùng Trần Hưng Thừa ra Thanh Quýt đón các đồng chí Võ Chí Công và Hồ Nghinh vào thành phố. Vừa tới nơi, đồng chí Võ Chí Công đã đánh điện báo cho đồng chí Lê Duẩn và Bộ Chính trị: “Toàn bộ quân đội, chính quyền địch bị tan rã, sụp đổ, Đà Nẵng đã được giải phóng hoàn toàn và tôi đang ở Đà Nẵng”(7).
 
Sau khi ta giải phóng Đà Nẵng, ngày 30-3-1975, tại California, Tổng thống Ford của Mỹ phát biểu với giới truyền thông thế giới rằng: “Mất thành phố Đà Nẵng là một thảm kịch lớn của loài người!”. Trong khi đó, tại một công điện, đồng chí Lê Duẩn - Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Tiến công và nổi dậy giải phóng Đà Nẵng sớm ngoài kế hoạch, Đà Nẵng là căn cứ liên hợp quân sự lớn nhất, mạnh nhất của địch mà bị ta đánh sập, có ý nghĩa quyết định và báo hiệu Sài Gòn sẽ bị sụp đổ không còn lâu nữa”(8).
 
Ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng, đó là ngày thứ bảy, 29-3-1975 giành đại thắng, một ngày đầy cảm xúc, từ buổi sáng “cả triệu người còn tràn ngập đường phố, đôn đáo cố tìm lối thoát” thì buổi chiều “Đà Nẵng đã trở thành một thành phố hoang vắng, sự im lặng thay thế cho cảnh tượng hỗn độn pha với những tiếng súng nổ…
 
Tại đường Độc Lập, trung tâm Đà Nẵng, không còn ai nghe tiếng súng nổ, tiếng ồn ào, tại những khu phố mà trước đó mấy giờ, còn là một quan cảnh hỗn loạn”(9). Ngày 3-5-1975, Báo Nhân dân có xã luận với nhận xét: “Chiến thắng Đà Nẵng là một mẫu mực về nghệ thuật phát triển, tận dụng thời cơ hành động rất kiên quyết, linh hoạt, dám mạnh dạn thay đổi những lối đánh thông thường bằng những lối đánh táo bạo, phù hợp với tình hình địch và ta đang đổi mau lẹ, không phải là từng ngày mà thậm chí từng giờ”(10).
 
Theo Báo Đà Nẵng
.