Kháng chiến thắng lợi, trở về Thủ đô HN, Bác không về ở trong ngôi nhà Toàn quyền cũ vì Bác bảo, Chủ tịch một nước còn nghèo, chưa có quyền hưởng thụ quá mức trung bình của người dân.
 
 
Hơn 40 năm đã trôi qua, đức tính giản dị, tiết kiệm của bác Hồ càng trở thành tấm gương cho mỗi cán bộ nhà nước. Thực tế hiện nay không ít cán bộ, công chức có thu nhập "chính thức" không cao, song vẫn sống trong những ngôi nhà rộng rãi, đầy đủ tiện nghi, xe hơi hiện đại, với chi tiêu hàng tháng cao gấp nhiều lần mức lương. Sinh hoạt cá nhân của không ít cán bộ, quan chức cũng rất hoang phí, "chơi trội".
 
Thời gian vừa qua, dư luận ồn ào về biệt thự hoành tráng của một cựu quan chức thanh tra Chính phủ, hay biệt thự nhà vườn một quan chức Hải Dương, rồi chuyện một quan chức cấp quận mua tới 5 căn biệt thự tại Hà Nội, v.v... Những chuyện đó đã tạo ra những hoài nghi trong người dân về lối sống, nguồn gốc tài sản của không ít cán bộ, quan chức.
 
Kinh tế, xã hội ngày nay đã phát triển hơn nhiều so với thời kỳ đất nước trong chiến tranh và bao cấp, mức sống chung của người dân đã được nâng lên rõ rệt. Song đến nay Việt Nam, dù tính thu nhập GDP bằng phương pháp nào, vẫn còn là một nước nghèo, thu nhập trung bình xấp xỉ 2.000 USD/năm, và tỉ lệ hộ nghèo vẫn cao. Trong hoàn cảnh đó, những "đầy tớ" của nhân dân lại tiêu xài lãng phí, xa hoa, tích trữ cho bản thân nhưng vung tay với tài sản công thì chính là có tội với dân, với nước, làm xói mòn lòng tin của nhân dân.
 
Mới thấy, dù đã qua hơn bốn thập kỷ Người về cõi vĩnh hằng, những câu chuyện về cuộc đời giản dị, tiết kiệm, hết lòng vì dân, vì nước của Bác Hồ vẫn mang đầy tính thời sự.
 
(Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phủ Chủ tịch)
 
Theo Vietnamnet
.