|
Trẻ khuyết tật học nhạc cụ tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật. |
Lớp học của thầy Phạm Ngọc Sang, giáo viên âm nhạc của Trung tâm ở quận Liên Chiểu có 15 em với nhiều dạng tật và ở nhiều độ tuổi. Sau khi điểm danh, thầy Sang cho các em cùng nhảy theo một điệu nhạc khá vui tươi. Không khí lớp học bỗng trở nên sôi động bởi các em đều hào hứng, thích thú nhảy múa theo điệu nhạc. Cao Ngô Thanh H. 11 tuổi, đến từ tỉnh Quảng Nam bị khiếm thị từ nhỏ và được gia đình đưa vào trung tâm này để học tập cùng các bạn. Ban đầu, H. rất rụt rè, ngại giao tiếp. Việc học cũng vì thế khá chậm. Tuy nhiên, sau khi được làm quen với âm nhạc và được thầy cô hỗ trợ, đến nay H. đã trở nên hoạt bát, cởi mở, biết chơi đàn bầu, sáo…
Trương Minh T. (16 tuổi, ở quận Liên Chiểu) bị thiểu năng trí tuệ từ nhỏ. Gia đình gửi em vào Trung tâm chỉ với mong muốn cho em được vui chơi. Thế nhưng, sau khi được học các loại nhạc cụ, T. trở thành cậu bé khác hẳn. “Nghe em nói được hai tiếng “chào thầy” chứ không còn nhìn mình với ánh mắt vô hồn là mình hạnh phúc lắm rồi”, thầy Sang bộc bạch. Bây giờ, ở lớp, T. đã là một tay trống khá “cừ”. Không chỉ vậy, em còn làm “nhạc công” kiêm “ca sĩ” biểu diễn cho các bạn cùng nghe. Ngoài giờ học, em và các bạn còn thêm “nghề” rửa xe để gây quỹ cho lớp với giá 10.000 đồng/chiếc. Ai rửa xe quên đưa tiền là T. lập tức nhắc nhở ngay.
Cũng chậm phát triển trí tuệ như T., em Bùi Hạnh Tr. (14 tuổi, ở quận Liên Chiểu) suốt ngày không nói nửa lời. Tr. gần như cách ly với các bạn và tỏ ra khó chịu với các thầy cô giáo. Thế nhưng, chỉ sau nửa năm học tại trường với nhạc cụ là đàn Organ, được làm quen với âm nhạc mỗi ngày, em đã trở nên tự tin và hòa đồng hơn. Hiện nay, Tr. còn làm người dẫn chương trình cho cả lớp trong giờ học.
Thầy Phạm Ngọc Sang cho rằng, âm nhạc là liều thuốc tinh thần tác động tới các giác quan còn lại của trẻ khuyết tật như khả năng nghe đối với trẻ khiếm thị, khả năng quan sát đối với trẻ khiếm thính, khả năng tập trung, phát triển ngôn ngữ, khả năng ghi nhớ, gần gũi bạn bè đối với trẻ chậm phát triển trí tuệ… Bởi vậy, nhiều trẻ khuyết tật sau khi làm quen với âm nhạc đã có sự phục hồi theo hướng tích cực và dễ dàng hòa nhập với cộng đồng. “Chúng tôi sử dụng âm nhạc kết hợp với các động tác thể dục để giúp trẻ khuyết tật giải tỏa những vấn đề về tâm lý”, thầy Sang nói.
Bà Đỗ Thị Đỗ Quyên, Giám đốc Trung tâm cho biết: “Hiện nay, nhiều em khuyết tật ở đây đã có thể sử dụng nhạc cụ dân tộc, nhạc cụ hiện đại. Thậm chí một số em đã tốt nghiệp học viện âm nhạc và có thể sống được bằng nghề”. Bà Quyên cho biết thêm, thời gian đến, Trung tâm sẽ đẩy mạnh hoạt động này để bên cạnh việc cung cấp các kiến thức văn hóa, các em còn được rèn luyện kỹ năng sống, được học nghề để hòa nhập xã hội.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, chuyên gia truyền thông thuộc Phòng Truyền thông của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc Unicef Việt Nam cho biết, môn âm nhạc trong nhà trường đang bị xao nhãng. Tầm quan trọng của âm nhạc trong việc phát triển nhận thức và kỹ năng của trẻ cũng chưa được coi trọng. “Âm nhạc có thể được sử dụng như một phương tiện hỗ trợ giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật. Tuy nhiên, không phải đơn vị nào cũng đủ năng lực để đưa việc dạy âm nhạc thành một bộ môn thường xuyên cho tất cả các em”, bà Hương nói. Bà Hương cho biết thêm, trong Dự án “Phát triển cùng âm nhạc”, Unicef đã cam kết hỗ trợ trẻ em khuyết tật có niềm đam mê âm nhạc trong vòng 3 năm tại 3 địa phương Hà Nội, Đà Nẵng, Kon Tum với tổng kinh phí 400.000 USD.
Theo Phương Trà/ Đà nẵng