Lại sắp có một bộ phim tiền tỉ, thậm chí gần 30 tỉ chuẩn bị được sản xuất. Đó là bộ phim truyền hình “Ý chí độc lập” (19 tập, thời lượng 45 phút/tập) do nhà nước đặt hàng, với tổng kinh phí vào khoảng 28,484 tỉ đồng. Kế hoạch sản xuất phim đã được Bộ VH,TT&DL phê duyệt. Phim sẽ do Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam chịu trách nhiệm sản xuất và phát hành.

 


Những băn khoăn về phim ngân sách nhà nước một lần nữa lại được đặt ra bên lề LHP Việt Nam lần thứ 19 vừa rồi. Có người hỏi thẳng: Phim nhà nước thất thu thì ai chịu trách nhiệm? Và Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Vương Duy Biên đã cho rằng, những bộ phim nhà nước đặt hàng, đảm nhận nhiệm vụ chính trị nên không thể qui trách nhiệm cho ai. Ông cũng cho rằng nếu cứ giữ quan niệm phim đặt hàng là phim kém chất lượng thì không đúng. Bởi minh chứng rõ nhất là bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (theo hình thức công tư hợp doanh)- chính là phim đặt hàng của nhà nước, hay phim Cuộc đời của Yến cũng là phim đặt hàng nhưng những bộ phim đó đều rất “ăn” khách. Vì thế theo ông Vương Duy Biên: Vấn đề cuối cùng vẫn là tài năng. Nếu đạo diễn có tài năng thì bất kể dùng tiền của ai, họ cũng sẽ tạo nên bộ phim tốt.

Dẫu vậy, khán giả cũng chưa thực sự tâm phục khẩu phục khi những nhà quản lý cho rằng: “Phim vì mục đích chính trị thì tất nhiên không đặt nặng việc bán vé, càng không nên so sánh với phim thị trường. Có những bộ phim phải làm để chiếu miễn phí cho đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, nông thôn khó khăn...”  Bởi trong mắt khán giả chỉ có khái niệm về phim hay và phim dở, họ không quan tâm đó là phim thương mại hay phim nghệ thuật; không cần biết phim do nhà nước hay tư nhân đầu tư. Thậm chí một bộ phim tài liệu hay cũng trở thành đề tài gây sốt, khiến khán giả chen chân tới rạp như phim Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, Lửa Thiện Nhân… Thế nên việc phân loại phim truyện điện ảnh, phim truyền hình, phim tài liệu… – thực chất cũng chỉ có ý nghĩa với giới làm nghề mà thôi.

Vậy nên chăng, những đề tài phim do nhà nước đặt hàng  cũng không nên chỉ bó hẹp ở đề tài lịch sử cách mạng như lâu nay vẫn thế?

Nên chăng, những bộ phim dù có là đề tài lịch sử cũng nên giao cho lớp đạo diễn trẻ thể hiện? Điều ấy sẽ góp phần tạo ra những góc nhìn mới, sự hấp dẫn mới ở những đề tài không mới. Nếu như không muốn nói là điều ấy sẽ giúp điện ảnh thoát khỏi tư duy “lối mòn” trong cung cách làm phim bấy lâu. 

 

Theo Đại đoàn kết 

.