(BVPL) - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD- ĐT) đã chính thức đưa ra Quy chế công tác sinh viên (SV) đại học chính quy thay thế cho quy định bị cho là lạc hậu từ năm 2007. Theo đó, hành vi mới được bổ sung là SV không được đăng tải, bình luận, chia sẻ bài viết, hình ảnh có nội dung dung tục, bạo lực, đồi trụy, xâm phạm an ninh quốc gia, chống phá Đảng và Nhà nước, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân trên mạng internet. Tùy theo mức độ vi phạm, SV sẽ bị xử lý từ khiển trách đến buộc thôi học. Nếu nghiêm trọng, SV được giao cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.

 


Việc hạ hạnh kiểm, buộc thôi học có thời hạn, yêu cầu chuyển trường… đã từng được các trường phổ thông, đại học áp dụng khi phát hiện sinh viên, học sinh nói xấu nhà trường. Điều này vẫn gây ra những phản ứng trái chiều. Thứ trưởng Bộ GD – ĐT Nguyễn Thị Nghĩa giải thích thêm, SV cũng như mọi công dân có quyền tự do ngôn luận nhưng phải tuân theo quy định của pháp luật. Việc đưa vào những hành vi cấm đăng tải thông tin như trao đổi trên nhằm thực hiện tốt hơn Luật Công nghệ thông tin cũng như sử dụng tốt hơn môi trường mạng một cách lành mạnh, giúp SV học tập, vui chơi giải trí trong môi trường thật sự an toàn, lành mạnh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế công tác sinh viên đối với chương trình đào tạo đại học chính quy, trong đó, có điều 6 quy định những hành vi sinh viên không được làm. Việc này nhằm cụ thể hóa quy định trong Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học cũng như các quy định của pháp luật có liên quan để cho SV thực hiện, và căn cứ xuất phát từ thực tiễn quản lí học sinh, SV để đưa ra quy định này. Một trong 10 hành vi bị cấm của SV đó là: cấm SV đăng tải, chia sẻ nội dung dung tục bạo lực, đồi trụy rồi liên quan đến việc chống phá Nhà nước, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của tổ chức và cá nhân cũng đã được quy định tại Luật Công nghệ thông tin.

Phản ứng của không ít bạn trẻ thắc mắc vì sao lại phải đưa ra một quy định chẳng khác nào kiểm soát, can thiệp quyền tự do phát ngôn của SV? Nhiều SV cho rằng, quy định này chỉ nên áp dụng với học sinh phổ thông, những đối tượng còn bốc đồng, đang ở lứa tuổi vị thành niên, chưa hoàn toàn nắm được cái hay, cái dở, dễ bị tác động bên ngoài. Còn với SV, là đối tượng phải tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình trước mọi quy định pháp luật thì không cần thiết phải có ràng buộc bằng những quy chế cứng trong nhà trường. Hơn nữa, việc quy kết sẽ gặp khó khăn vì nếu như bình luận, chia sẻ bài viết rất khó phân biệt, SV cũng dễ dàng xóa bài viết, đoạn bình luận. Thậm chí, khi phát hiện SV có những hành vi vi phạm nói trên nhưng các em không thừa nhận, đổ tại là bị người khác lấy mất tài khoản hay dùng chung máy tính với người khác thì cũng không biết xử lý thế nào.

Bộ GD-ĐT ra quy định này với mong muốn SV sống lành mạnh, văn hóa, trách nhiệm hơn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là liệu Bộ GD-ĐT có kiểm soát được việc thực hiện quy định này của mình hay không? Nếu chỉ đặt ra như một thứ mệnh lệnh chỉ để thể hiện trách nhiệm của người quản lý thì chưa thực sự làm hết trách nhiệm. Việc phát hiện ra những bình luận, chia sẻ hình ảnh có nội dung dung tục, bạo lực, đồi trụy, xâm phạm an ninh quốc gia, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân… như Bộ GĐ-ĐT quy định không khó, nhưng liệu an ninh mạng có tìm được ra SV nào thực hiện điều này hay không? Đặt ra như vậy tính khả thi mới cao chứ không kiểm soát được mà cái gì cũng cấm đoán, cái gì cũng phạt chưa chắc đã hợp lý. Nhiều người cho rằng việc đưa ra quy định thì phải kiểm soát được, nếu không thì chỉ nên kêu gọi.
 

PV

.