Trong khi các thí sinh chưa trúng tuyển đợt 1 đang tìm cơ hội ở đợt xét tuyển bổ sung đầu tiên thì nhiều thí sinh đã “yên vị” lại tìm cách “đánh tháo”. Nguyên nhân vì trường thí sinh mong muốn trúng tuyển đợt 1 đã hạ điểm chuẩn. Theo các chuyên gia, hồ sơ ảo không chỉ ảnh hưởng quyền lợi các trường mà ảnh hưởng trực tiếp đến thí sinh.

 

 Thí sinh nộp hồ sơ tại ĐH Bách Khoa Hà Nội. Ảnh: H.N.
Thí sinh nộp hồ sơ tại ĐH Bách Khoa Hà Nội. Ảnh: H.N.


Nằng nặc đòi rút hồ sơ

Sáng 23/8, tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, thí sinh Nguyễn Khương Duy, huyện Lục Nam, Bắc Giang tới trường để xin rút giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia đã nộp vào trường từ ngày 19/8. Duy cho biết, đây là năm thứ 2 em thi ĐH. Năm 2015, em thi vào Học viện Kỹ thuật quân sự và đạt mức điểm 24,75 (tính cả điểm ưu tiên) nhưng không đỗ nên quyết định ở nhà ôn thêm một năm để thi lại.

Năm nay, em lại tiếp tục thi vào hệ Kỹ sư quân sự của Học viện Kỹ thuật quân sự và đạt mức điểm bằng năm ngoái là 24,75. Với mức điểm này, Duy không đỗ vào Học viện Kỹ thuật quân sự. Trường thứ hai Duy đăng ký là ĐH Bách khoa Hà Nội. Chỉ đủ điểm đỗ NV2 nên ngày 19/8, Duy đã nộp giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia để xác nhận nhập học vào ĐH Bách khoa Hà Nội ngành Kỹ thuật hạt nhân.

Tuy nhiên, ngày 22/8 Học viện Kỹ thuật quân sự tuyển bổ sung, Duy muốn rút lại giấy chứng nhận kết quả thi để nộp hồ sơ tuyển bổ sung vào Học viện Kỹ thuật quân sự hệ kỹ sư dân sự. Hệ này của Học viện Kỹ thuật quân sự năm nay tuyển bổ sung tới 560 chỉ tiêu. “Nếu trường không cho em rút giấy chứng nhận kết quả thi thì em cũng không nhập học vì ngành Kỹ thuật hạt nhân không phải là ngành em yêu thích” - Duy cho hay.

Thậm chí, bố của Nguyễn  Khương  Duy còn xin địa phương giấy chứng nhận hộ nghèo để chứng minh gia đình không có điều kiện cho con theo học ở trường để xin được rút hồ sơ. “Tôi nghĩ các trường không có quyền bắt thí sinh phải học trường này, trường kia. Học ở trường nào là quyền của thí sinh” - bố của Duy gay gắt nói.

Trong khi đó, một phụ huynh thí sinh đến từ huyện Chương Mỹ, Hà Nội cho biết, con mình đăng ký NV1 vào Trường ĐH Sỹ quan Công binh (khu vực phía Bắc) và đạt 23,5 điểm bằng điểm chuẩn vào trường. Tuy nhiên, thí sinh này vẫn trượt NV 1 do Trường ĐH Sỹ quan Công binh lấy tiêu chí phụ là môn Toán phải đạt 8 điểm trong khi em chỉ đạt 7,5. Sau đó, tới tận ngày 19/8, thí sinh này đã nộp giấy chứng nhận kết quả thi bản gốc vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, nơi em đăng ký NV2 để xác nhận nhập học. Tới nay, khi xem thông báo thấy Trường ĐH Sỹ quan Công binh tuyển bổ sung đợt 1, vị phụ huynh này cho rằng, với mức điểm 23,5 con mình chắc chắn sẽ đậu vào trường nên tới Trường ĐH Bách khoa Hà Nội để xin rút lại giấy chứng nhận điểm thi THPT đã nộp trước đó.

Còn tại ĐH Kinh tế quốc dân, lãnh đạo nhà trường cũng cho biết có khoảng gần chục thí sinh đến trường xin rút hồ sơ với lý do tương tự như bên trường ĐH Bách khoa Hà Nội. ĐH Ngoại thương cũng có vài trường hợp. Tuy nhiên, các trường đều không giải quyết vì vi phạm quy chế thi.

Thí sinh chịu thiệt

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, trong mấy ngày nay, trường tiếp đến 20 trường hợp đến xin rút phiếu chứng nhận kết quả thi. “Có trường hợp còn nhờ đến 5 “cửa”. Họ đến rút không được nên nhờ hết cửa nọ đến cửa kia nhưng trường đều không giải quyết” - ông Điền cho hay.

Theo ông Điền, mấu chốt của vấn đề nằm ở dữ liệu của thí sinh Bộ GD&ĐT quản lý, không phải các trường. “Khi thí sinh đã nộp phiếu chứng nhận kết quả, các trường đưa thông tin đó lên phần mềm xét tuyển của Bộ, lập tức mã đăng ký xét tuyển của thí sinh bị vô hiệu hóa. Tức thí sinh không còn được đăng ký bất cứ một trường ĐH nào nữa” - ông Điền cho hay. Chính vì thế, nên dù trường có trả lại cho thí sinh phiếu chứng nhận kết quả thì thí sinh cũng không thể đăng ký được. Còn ông Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại thương cho rằng năm nay, Bộ GD&ĐT quy định thí sinh không được rút hồ sơ ra, nộp hồ sơ vào. Do đó, nếu một thí sinh được phép rút ra, toàn bộ hệ thống dữ liệu sẽ bị “xô”, xáo trộn hoàn toàn, không kiểm soát được.

Tuy nhiên, ông Điền cho rằng, việc yêu cầu thí sinh nộp giấy chứng nhận kết quả thi trước khi nhập học vào các trường trúng tuyển đã khiến thí sinh “tiến thoái lưỡng nan”. “Nếu như những năm trước, khi biết điểm trúng tuyển, chỉ khi nào nhập học, thí sinh mới phải nộp phiếu chứng nhận kết quả, nên thí sinh có lựa chọn, có cân nhắc” - ông Điền cho hay.

Việc hồ sơ ảo không chỉ tác động đến các trường mà còn tác động trực tiếp đến thí sinh. “Thậm chí, hồ sơ ảo còn ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh nhiều hơn các trường. Những thí sinh lẽ ra trúng tuyển thì không có chỗ, còn những thí sinh điểm cao thì không học. Sự việc tại các trường khối quân đội là một ví dụ điển hình ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh. Còn các trường, không tuyển đủ, có thể tuyển bổ sung” – ông Điền cho hay.
 

Theo Tiền phong

.