Lãnh đạo Sở GD&ĐT nhiều địa phương khẳng định, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp phản ánh đúng năng lực học sinh.

 

Theo công bố ban đầu, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT ở các địa phương năm nay khá cao. Như tỉnh Vĩnh Long, năm nay tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp đạt 94,5%. Tỉnh Hòa Bình có tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp đạt gần 97,13% cao hơn năm trước khoảng 3%.

Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp của tỉnh Kon Tum ở bao gồm hai cụm thi năm nay là 93,85%. Theo ông Nguyễn Hóa, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Kon Tum thì tỷ lệ tốt nghiệp cao hơn năm trước gần 5% nhưng cũng phản ánh đúng năng lực học tập của học sinh. “Bởi các trường THPT dành gần một năm học lớp 12 để học tập và ôn luyện phục vụ kỳ thi THPT quốc gia”, ông Hóa nói.

Ông Nguyễn Hoa Nam, Trưởng phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng (Sở GD&ĐT Đắk Lắk) cho hay, tỷ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp của địa phương năm nay là 84,60%. So với các địa phương khác thì tỷ lệ tốt nghiệp của Đắk Lắk khá thấp.

Lý giải về điều này, ông Nam cho rằng, tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với một nửa giảng viên ĐH và nửa còn lại giáo viên phổ thông là đảm bảo nghiêm túc, khách quan, thí sinh không có chuyện hỏi bài, quay cóp trong kỳ thi. Ngoài ra, năm nay địa phương có tới 34% là học sinh dân tộc thiểu số. Trình độ học sinh giữa các trường cũng không đồng đều.

Phú Yên cũng là địa phương có tỷ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp khá thấp năm nay. Cụ thể, toàn tỉnh có 7.940 thí sinh dự thi thì chỉ có 84,06% thí sinh đỗ tốt nghiệp. Quảng Trị năm nay có 8.185 thí sinh dự thi thì tỷ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp đạt 89,04%.

 

Theo lãnh đạo sở này, đa số thí sinh trượt tốt nghiệp là do bị điểm liệt. Tỷ lệ học sinh đỗ năm nay tương đương năm trước. Lãnh đạo các sở cũng cho rằng, không nên nghi ngờ kết quả tốt nghiệp của các địa phương. Bởi năm nay, việc tổ chức các cụm thi có sự phối hợp giữa lực lượng giảng viên các trường ĐH và giáo viên tại địa phương nên khâu chấm thi, coi thi đều đảm bảo nghiêm túc.

 

Theo Tiền phong

.