Trường “xin lại” giấy khen học sinh có “thành tích vượt trội 7 môn học”; Chưa thí điểm bỏ viên chức với giáo viên mầm non, tiểu học, THCS; Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch chính thức được tuyển sinh trong cả nước... là những thông tin thời sự giáo dục nổi bật tuần qua.
Khoảng 866.000 thí sinh dự thi THPT quốc gia 2017
Theo số liệu thống kê cuối cùng của Bộ GD&ĐT, tổng số thí sinh dự thi THPT quốc gia năm 2017 năm nay khoảng 866.000 thí sinh. Bộ đã phải điều 40.000 cán bộ coi thi là giảng viên đại học về các địa phương.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT cho biết, để tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, đảm bảo kết quả thi chính xác, khách quan, các trường ĐH, CĐ được phân công tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương.
Ở khâu coi thi, trong mỗi phòng thi sẽ có một cán bộ là giáo viên THPT của tỉnh và một cán bộ giảng viên ĐH, CĐ làm giám thị.
Tại mỗi điểm thi sẽ có một cán bộ đến từ trường ĐH, CĐ làm Phó trưởng điểm thi. Lãnh đạo trường ĐH, CĐ sư phạm tham gia làm Phó trưởng Ban chấm thi, cán bộ, giảng viên của các trường sẽ tham gia chấm thi.
Với 24 thí sinh/phòng thi, cả nước có trên 36.000 phòng thi. Tổng số giảng viên ĐH được điều động về địa phương phối hợp tổ chức thi khoảng 40.000 người.
|
Thầy trò tỉnh Quảng Trị củng cố kiến thức trước kỳ thi THPT quốc gia 2017. (Ảnh: Đăng Đức) |
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Chưa thí điểm bỏ viên chức với giáo viên mầm non, tiểu học, THCS
Chiều ngày 6/6, sau khi họp về công tác chuẩn bị đội ngũ giáo viên cho Chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã thông báo chính thức với báo chí về vấn đề chuyển viên chức giáo viên sang hợp đồng.
|
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giải thích về đề xuất thí điểm chuyển dần viên chức giáo viên sang hợp đồng lao động |
Giải thích về việc Bộ GD&ĐT sẽ đề xuất thí điểm chuyển dần viên chức giáo viên sang hợp đồng lao động, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, để thực hiện hiệu quả chương trình mới, cần phải đổi mới đồng bộ các điều kiện đảm bảo chất lượng, trong đó có đội ngũ giáo viên.
Khi nghiên cứu các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, ngành giáo dục đã đặt ra vấn đề việc áp dụng chế độ viên chức đối với giáo viên như hiện nay liệu còn phù hợp không trong bối cảnh nghề giáo có nhiều đặc thù, thu nhập của giáo viên chưa được cải thiện, một bộ phận giáo viên thiếu động lực phấn đấu, tình trạng thừa thiếu cục bộ giáo viên đang ngày càng phổ biến...
Bộ trưởng Nhạ bày tỏ, việc chuyển dần viên chức giáo viên sang chế độ hợp đồng lao động là vấn đề lớn, có tác động đến hơn một triệu thầy cô giáo. Bộ GD-ĐT ý thức rõ việc này, do vậy sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu kỹ trước khi đề xuất xin chủ trương thí điểm triển khai.
Bộ trưởng Nhạ cho biết, trước mắt, sẽ nghiên cứu xây dựng đề án đề xuất thí điểm chuyển dần viên chức giáo viên sang hợp đồng lao động đối với một số trường đại học và một số trường trung học phổ thông có đủ điều kiện.
Chưa xem xét thí điểm việc chuyển viên chức giáo viên sang hợp đồng lao động đối với giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và những nơi chưa đảm bảo các điều kiện thí điểm triển khai, nhất là các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Bộ trưởng Nhạ khẳng định, khi nghiên cứu xây dựng đề án đề xuất thí điểm, Bộ GD&ĐT phải nghiên cứu các giải pháp để giải quyết thỏa đáng các vấn đề mà dư luận băn khoăn như chính sách đặc thù đối với giáo viên đang công tác ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; chế độ tiền lương, bảo hiểm, trợ cấp thất nghiệp; cơ chế kiểm soát quyền lực của hiệu trưởng.
Trường “xin lại” giấy khen học sinh có “thành tích vượt trội 7 môn học”
Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT huyện Gia Viễn yêu cầu trường Tiểu học xã Gia Vượng gặp gỡ phụ huynh "xin lại" tờ giấy khen học sinh "có thành tích vượt trội 7 môn học", đồng thời tâm sự mong phụ huynh thông cảm để xử lý lại cho chuẩn hơn.
|
Giấy khen học sinh có "thành tích vượt trội 7 môn học" gây tranh cãi. |
Liên quan đến tờ Giấy khen của một học sinh lớp 4, trường Tiểu học Gia Vượng, huyện Gia Viễn (Ninh Bình) được nhà trường khen có "thành tích vượt trội 7 môn học" gây nhiều tranh cãi, bàn luận, ông Dương Quốc Nam, Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT Ninh Bình cho biết, việc này Sở đã sớm nắm bắt được và cũng lường được sẽ xảy ra các khả năng như vậy. Sở cũng đã có chỉ đạo với Phòng GD&ĐT Gia Viễn về việc này.
Cũng theo ông Nam, phía Phòng GD&ĐT Gia Viễn đã làm việc với trường Tiểu học Gia Vượng. "Sở đã trao đổi với Phòng là yêu cầu nhà trường phải gặp gỡ cha mẹ học sinh mong họ thông cảm. Được biết, nhà trường cũng đã gặp gỡ phụ huynh học sinh xin lại tờ giấy khen, tâm sự để họ thông cảm và sẽ xử lý lại sự việc cho nó chuẩn hơn", ông Nam nói.
Bày tỏ quan điểm về Giấy khen học sinh có "thành tích vượt trội 7 môn học", ông Nam cho hay: "Quan điểm của Sở là cái gì nó chưa chuẩn thì uốn nắn làm cho nó chuẩn. Hiện họ (trường tiểu học Gia Vượng) đã triển khai rồi".
Hơn 76.000 thí sinh Hà Nội thi lớp 10 công lập
Ngày 9/6, hơn 76.000 học sinh Hà Nội tham gia kỳ thi vào lớp 10 do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức với 2 môn Ngữ văn (buổi sáng) và Toán (buổi chiều). Học sinh dự thi vào trường chuyên thi thêm các môn chuyên vào ngày 10 - 11/6.
Năm học 2016-2017 có khoảng 83.000 học sinh Hà Nội tốt nghiệp THCS. Tuy nhiên, chỉ khoảng 70% có cơ hội học tại trường công lập, còn lại sẽ học tại các trường tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên và trường nghề. Do kỳ thi có tính cạnh tranh cao, công tác chuẩn bị tổ chức nhằm đảm bảo chu đáo, an toàn, nghiêm túc được đặc biệt coi trọng.
Năm nay, Sở GD&ĐT Hà Nội điều động gần 6.500 giáo viên làm nhiệm vụ coi thi trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Để bảo đảm tính nghiêm túc, khách quan của kỳ thi, trưởng điểm thi là người ở đơn vị khác đến, không phải là cán bộ, giáo viên của trường THPT nơi tổ chức điểm thi.
Ngoài Hà Nội, một số địa phương khác như Nghệ An, Hà Tĩnh, Cần Thơ cũng tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT trong tuần qua.
|
“Cuộc đua” vào lớp 10 công lập Hà Nội được đánh giá đầy căng thẳng. |
Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch chính thức được tuyển sinh trong cả nước
Tuần qua, quanh việc Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch có được tuyển sinh trong cả nước đã thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn đ
Ngày 8/6, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đưa ra thông báo về việc chỉ tuyển sinh đối với các thí sinh có hộ khẩu TPHCM trong năm 2017. Theo đó, thí sinh ngoài TPHCM lỡ đăng ký nguyện vọng vào trường trước đó sẽ phải điều chỉnh lại nguyện vọng.
Trong thông báo số 1771/TB-TĐHYPNT do PGS.TS Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch ký nêu rằng: “Trường vừa nhận được công văn số 3445/UBND-VX do Phó Chủ tịch UBND TPHCM ký ngày 6/6/2017, trong đó thông báo “chưa chấp thuận cho phép Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch mở rộng đối tượng tuyển sinh đại học năm học 2017-2018, vẫn tuyển sinh như những năm trước đây”.
Nay trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch thông báo chính thức về việc thay đổi trong năm học 2017-2018, trường chỉ tuyển sinh đối với thí sinh có hộ khẩu TPHCM thay vì tuyển sinh phạm vi cả nước để thí sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng hợp lý trong đợt điều chỉnh ngày 15-21/7/2017”.
Phía trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng cho biết trước đó, vào ngày 10/1/2017 nhà trường đã gửi công văn đến Bộ GD-ĐT xác định và đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2017 với điều kiện tuyển sinh phải có hộ khẩu TPHCM như các năm trước.
Tuy nhiên trong buổi làm việc trực tiếp tại trường của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng vào ngày 22/2/2017, trường được chỉ đạo về việc thay đổi khu vực tuyển sinh trong năm 2017-2018. Sau đó vào ngày 3/3, trường đã gửi công văn xin ý kiến UBND TPHCM về việc tuyển sinh toàn quốc.
Ngày 6/3, trường nhận được văn bản của Văn phòng Thành ủy TPHCM về việc kết luận của Bí thư Thành ủy (lúc đó là ông Đinh La Thăng - PV) tại buổi làm việc với Đảng ủy trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch về tình hình hoạt động và giải quyết các kiến nghị của trường. Trong đó, ghi rõ “chấm dứt áp dụng cơ chế tuyển sinh theo hộ khẩu thành phố, thực hiện tuyển sinh đầu vào đối với học sinh cả nước…, áp dụng từ năm học 2017-2018”.
|
Trong buổi làm việc tại trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch vào tháng 2/2017, ông Đinh La Thăng đã chỉ đạo trường thay đổi khu vực tuyển sinh mở rộng cả nước |
Theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, ngày 20/3 là hạn chót để các trường cung cấp thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT.
Nhà trường cho biết, đến ngày 16/5/2017, thông tin chính thức từ Bộ GD-ĐT báo rằng số lượng thí sinh 63 tỉnh thành đã đăng ký xét tuyển vào trường là 16.429 thí sinh. Như vậy, với thông báo không tuyển sinh thí sinh có hộ khẩu ngoài TPHCM, sắp tới sẽ có nhiều thí sinh ngoại tỉnh sẽ phải điều chỉnh nguyện vọng nếu lỡ đăng ký vào trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch trước đó.
Ngày 9/6, Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch yêu cầu trường thực hiện đúng Quy chế tuyển sinh và đúng các nội dung trong Đề án tuyển sinh mà nhà trường đã công bố.
PGS.TS Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết, sau khi nhận được công văn của Bộ GD-ĐT, ngay trong sáng ngày 9/6, trường làm văn bản khẩn cấp gửi Thành uỷ, UBND thành phố để xin ý kiến chỉ đạo quyết định cuối cùng.
Chiều nay 11/6, Thường trực Thành uỷ và Thường trực UBND TPHCM đã họp, thống nhất định hướng vụ việc liên quan đến vấn đề tuyển sinh của trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Cho rằng vì quyền và lợi ích của hơn 16.400 thí sinh trên phạm vi toàn quốc, lãnh đạo TPHCM thống nhất quan điểm xử lý theo hướng đặc biệt xem trọng quyền lợi của thí sinh, cho phép trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch mở rộng tuyển sinh phạm vi cả nước trong năm học 2017-2018.
Theo PV(Tổng hợp)/Dân trí