leftcenterrightdel
  Băng rôn đề nghị trả lại con của gia đình anh Hiển khi vụ việc chưa được làm rõ. Ảnh: T.D.H cung cấp. 

Như Báo Bảo vệ pháp luật đã đưa tin, tháng 7/2022, anh Tạ Duy Hiển (SN 1981, trú tại Phường Anh Dũng, quận Dương Kinh, TP Hải Phòng) có làm thủ tục nhập học cho con là cháu T.N.C.T. (SN 2019).

Ngày 10/8, anh Hiển có đưa con đến trường học, nhưng đến trưa, cô giáo tại trường gọi điện cho anh thông báo bé T. đã bị chị N.T.N (nhận là mẹ của cháu T.) đưa đi, cô giáo chạy theo ngăn nhưng không kịp.

Theo phía nhà trường, người đón cháu T. là chị N.T.N (SN 1990, quê quán Yên Bái), đầu tháng 8/2022, chị N. đã đến trường mang theo căn cước công dân và giấy khai sinh của cháu T. để đăng ký bổ sung người đưa đón. Do giấy tờ đầy đủ, xác thực là mẹ của cháu T. nên nhà trường đã làm thẻ ra vào trường cho chị N.

Thế nhưng, anh Hiển cho biết, khi làm hồ sơ nhập học cho cháu T, anh Hiển bỏ trống phần thông tin của người mẹ và chỉ ủy quyền cho 2 người khác ngoài mình được phép đón con. Vì vậy, sau khi cháu T. bị đón đi cộng với việc nhà trường không thông báo cho anh biết về việc có người hoàn thiện hồ sơ khiến anh không đồng ý với cách làm của nhà trường và nhiều lần căng băng rôn “đòi con”.

leftcenterrightdel
 Thông báo của  trường mầm non Sakura Montessori Dương Kinh.

Luật sư Trần Đức Phượng – Đoàn luật sư TP HCM nêu quan điểm: Theo khoản 2 Điều 69 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, cha mẹ có quyền và nghĩa vụ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên; là đại diện theo pháp luật cho con chưa thành niên trong giao dịch dân sự. Quyền và nghĩa vụ của cha mẹ bình đẳng như nhau và được tôn trọng, được pháp luật bảo vệ.

Theo Điều 136 Bộ Luật dân sự 2015, cha mẹ là người đại diện theo pháp luật cho con chưa thành niên trong các giao dịch dân sự.

Tuy nhiên, đối với vụ việc này, giữa anh Hiển và trường mầm non Sakura Montessori Dương Kinh có một giao dịch dân sự trong lĩnh vực giáo dục, cụ thể là Trường mầm non có trách nhiệm thực hiện hoạt động giáo dục theo Luật Giáo dục 2019. Tại hồ sơ đăng ký học, anh Hiển là người duy nhất đăng ký với Trường mầm non, do đó, mọi sự thay đổi (về tham gia chương trình học, đưa đón trẻ, ủy quyền người khác đưa đón trẻ,...) phải được sự đồng ý của anh Hiển. Việc giao dịch hay bàn giao trẻ theo nguyên tắc giao kết với ai, nhận trẻ từ ai thì phải làm việc với người đó.

Nếu hồ sơ đăng ký không kê khai thêm người khác (mẹ, người được ủy quyền,...) thì khi có người đăng ký mới thì phải có giấy tờ có sự đồng ý của anh hiển, và phải thông báo cho anh Hiển biết. Đây là kẽ hở về quản lý và nhận thức trong hoạt động của Trường mầm non. Dù trường hợp thay đổi nào cũng cần báo anh Hiển biết và đồng ý thì sẽ loại trừ gần hết những tình huống xấu xảy ra. Đây là những kiến thức Nhà trường cần được hiểu kỹ để thực hiện tốt, tránh những trường hợp tương tự.

Vụ việc sau đó đã được báo lên cơ quan chức năng và được xác minh làm rõ. Theo đó, Công an phường Anh Dũng (quận Dương Kinh, TP Hải Phòng) cũng cho biết, sau khi tiếp nhận phản ánh về vụ việc, cơ quan Công an đã trực tiếp đến gia đình chị N.T.N (ở Yên Bái) và xác nhận người phụ nữ này đã đón con về nhà.

Trao đổi với bà Nguyễn Thị Vân Anh – Giám đốc trường Mầm non Sakura Montessori Dương Kinh, Hải Phòng, bà Vân Anh cho biết đã tiến hành gặp gỡ anh Hiển, trình bày những nội dung mà Công an đã xác minh. Anh Hiển cũng đã đồng ý với kết quả xác minh của cơ quan chức năng. Đồng thời, nhà trường cũng gửi thư đến các phụ huynh có con theo học tại trường để thông báo và rút kinh nghiệm trong việc vận hành sau vụ việc.

Khánh An - Trúc Quyên