Bộ GD-ĐT chính thức đưa ra hướng dẫn đối với thí sinh cũng như các trường ĐH, CĐ trong việc đăng ký xét tuyển và tuyển sinh năm 2016. Thí sinh cần nắm rõ quy định thời hạn nộp giấy chứng nhận kết quả thi để tránh trường hợp quá hạn sẽ bị loại dù đủ điểm trúng tuyển.
 

 Thí sinh cần nộp giấy chứng nhận kết quả đúng hạn
Thí sinh cần nộp giấy chứng nhận kết quả đúng hạn


Chỉ nộp giấy chứng nhận kết quả khi trúng tuyển

Năm ngoái, để đăng ký xét tuyển vào một trường ĐH, thí sinh phải gửi một bộ hồ sơ, trong đó có giấy chứng nhận kết quả thi có dấu đỏ của trường đại học chủ trì cụm thi. Tuy nhiên, theo quy định mới, năm 2016, muốn đăng ký xét tuyển, thí sinh phải sử dụng bản in hoặc bản mềm trên máy tính phiếu đăng ký xét tuyển (theo mẫu của Bộ GD-ĐT) rồi điền đầy đủ thông tin.

Trường hợp đăng ký xét tuyển vào các trường tuyển sinh theo nhóm thì điền đầy đủ thông tin vào phiếu đăng ký xét tuyển do nhóm trường quy định. Trong thời hạn quy định của mỗi đợt xét tuyển, thí sinh nộp phiếu đăng ký xét tuyển và phí dự tuyển qua đường bưu điện theo hình thức chuyển phát nhanh, chuyển phát ưu tiên hoặc bằng phương thức trực tuyến hay theo phương thức khác do trường quy định. Tất cả đều có giá trị xét tuyển như nhau.

Sau khi chấm thi xong, các trường ĐH chủ trì cụm thi in và gửi giấy chứng nhận kết quả cho thí sinh thông qua Sở GD-ĐT. Mỗi thí sinh chỉ có một giấy chứng nhận kết quả và giấy này chỉ sử dụng khi thí sinh xác định nhập học vào trường mà mình đã đăng ký và thuộc diện trúng tuyển. Bộ GD-ĐT cũng quy định cụ thể thời gian thí sinh trúng tuyển nộp bản chính giấy chứng nhận kết quả thi.

Cụ thể, với đợt 1 xét tuyển là trước 17h ngày 17-8, trước 17h ngày 7-9 đợt bổ sung lần 1, trước 17h ngày 26-9 đợt bổ sung lần 2. Quá thời hạn này (tính ngày theo dấu bưu điện nếu nộp qua đường bưu điện), những thí sinh không nộp giấy chứng nhận kết quả thi cho trường được xem như từ chối nhập học.

Bị loại nếu 1 trong 3 môn xét tuyển ĐH chỉ đạt 1 điểm

Theo quy định mới, thí sinh đăng ký vào trường sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển phải đủ điều kiện tham gia tuyển sinh quy định tại Điều 6 của Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ, đã đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển ĐH, CĐ.

Đặc biệt, thí sinh chỉ được đăng ký xét tuyển nếu không có môn thi nào trong tổ hợp xét tuyển có kết quả từ 1,0 điểm trở xuống và tổng điểm các môn thi của tổ hợp môn thi dùng để xét tuyển không thấp hơn điểm xét tuyển do trường quy định. Thí sinh cũng cần lưu ý đáp ứng các yêu cầu khác về điều kiện xét tuyển do trường công bố công khai trên trang thông tin điện tử của từng trường.

Riêng với việc đăng ký xét tuyển theo nhóm trường, thí sinh có quy định riêng. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, các nhóm trường muốn lập nhóm để tuyển sinh thì phải xây dựng đề án tự chủ tuyển sinh của trường và báo cáo Bộ trước ngày 15-4. Những đề án này, sau khi được Bộ chấp nhận bằng văn bản thì phải công bố công khai trên webiste của các trường thành viên nhóm. Các nhóm trường được phép quy định mẫu phiếu đăng ký phù hợp với các quy định của Bộ và công khai cách thức xét tuyển giữa các ngành theo thứ tự ưu tiên trong phiếu đăng ký xét tuyển.

Thí sinh có thể sử dụng số ngành tối đa được phép của từng đợt xét tuyển (4 ngành trong đợt 1 và 6 ngành trong các đợt xét tuyển bổ sung) để đăng ký xét tuyển vào nhiều trường trong nhóm và sắp xếp các ngành đã đăng ký theo thứ tự ưu tiên. Ví dụ trong đợt 1, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển vào 4 trường khác nhau trong nhóm nếu mỗi trường đăng ký 1 ngành hoặc đăng ký vào 3 trường khác nhau trong nhóm nếu đăng ký 2 ngành vào 1 trường và 2 ngành còn lại vào 2 trường khác.

Thí sinh đặc biệt lưu ý, khi đã đăng ký xét tuyển vào 2 trường trở lên trong nhóm ở đợt 1 hoặc 3 trường trở lên trong nhóm ở đợt xét tuyển bổ sung thì không được đăng ký xét tuyển vào các trường ngoài nhóm.

Đối với các trường ĐH, CĐ, Bộ GD-ĐT yêu cầu phải cập nhật ít nhất một lần một ngày thông tin đăng ký xét tuyển vào hệ thống quản lý dữ liệu tuyển sinh quốc gia và thông báo công khai kết quả xét tuyển trên trang thông tin điện tử của trường. Khi thí sinh đến nhập học, Hội đồng tuyển sinh trường tổ chức kiểm tra hồ sơ đã nộp, đặc biệt là giấy tờ để được hưởng chế độ ưu tiên của thí sinh. Trường hợp phát hiện các sai sót, phải báo cáo kịp thời cho Hội đồng tuyển sinh để xử lý theo quy định của Quy chế tuyển sinh.
 

Chỉ có 49 tỉnh tổ chức 2 cụm thi THPT quốc gia

Ngày 16-3, Bộ GD-ĐT công bố danh sách dự kiến 120 cụm thi THPT quốc gia năm 2016. Trong đó có 70 cụm thi ĐH và 50 cụm thi tốt nghiệp. Cụm thi ĐH tổ chức cho thí sinh dự thi để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ do trường ĐH chủ trì và cụm thi địa phương chủ trì để xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Quy chế năm nay cho phép mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức đồng thời 2 loại cụm thi này. Tuy nhiên, tùy theo tình hình cụ thể của địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định không tổ chức cụm thi tốt nghiệp mà tổ chức cụm thi ĐH cho cả 2 đối tượng thí sinh trên. Thống kê sơ bộ cho thấy, đến thời điểm này đã có 13 địa phương quyết định sẽ không tổ chức cụm thi do địa phương chủ trì.

 

Theo An ninh thủ đô
 

.