leftcenterrightdel
 Quang cảnh buổi Tọa đàm

Tham dự toạ đàm, các cấp cán bộ Đoàn quận 3 được lắng nghe những câu chuyện của các nhân chứng lịch sử, từng là các cán bộ, biệt động Sài Gòn khi xưa qua lời kể của cô Trương Mỹ Lệ (bí danh Tư Liêm) – nguyên Quyền Bí thư Thành Đoàn, cô Nguyễn Thị Nghĩa (bí danh Chín Ngân) – cán bộ Biệt động Thành Đoàn, chú Nguyễn Văn Bình (bí danh Năm Trọng) – chỉ huy lực lượng võ trang Thành Đoàn, chú Hoàng Đôn Nhựt Tân (bí danh Sáu Triều) – nguyên Giám đốc Nhà văn hoá Thanh niên Thành phố. 
Để hiểu thêm về cuộc Tổng tiến công của quân và dân ta 50 năm trước, trước khi tham dự toạ đàm, các bạn đoàn viên tham gia viếng và thắp hương Đài Liệt sỹ Quận 3, Bia tưởng niệm các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968; tham quan các di tích Hầm vũ khí đánh Dinh Độc Lập, Sở Chỉ huy tiền phương Phân khu 6.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Trần Kiến Xương trao tặng bút ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho Tuổi trẻ Đoàn quận 3 - TP.HCM

Kể về đêm văn nghệ Quang Trung, chú Hoàng Đôn Nhựt Tân nói với tinh thần phấn khởi của thanh niên tuổi đôi mươi, qua phong trào “Hát cho dân tôi nghe”, ngân nga những câu hát bất hủ một thời, chứng tỏ sự khí thế, hào hùng của những năm tháng chiến đấu.
Nói về những câu chuyện hy sinh của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn, cô Trương Mỹ Lệ không kiềm được nước mắt khi nhắc đến câu nói của liệt sĩ Nguyễn Sơn Hà trong trận đánh cuối cùng “Nếu may mắn thì sống sót, còn không chúng ta sẽ biến con hẻm này thành con hẻm lịch sử”.
Bên cạnh đó, về quá trình đào Hầm vũ khí đánh Dinh Độc Lập, cùng tham dự có đồng chí Trần Kiến Xương (hay còn gọi là Trần Vũ Bình) – Trưởng cơ quan đại diện VKSND tối cao phía Nam – con trai Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Trần Văn Lai, đồng chí Xương nói: "Ba tôi đã phải bán đi rất nhiều căn nhà lớn của gia đình, nộp tiền vào ngân hàng làm quỹ phục vụ chiến đấu, đồng thời mua nhiều căn nhà nhỏ khác để thiết kế xây dựng hầm vũ khí. Việc thiết kế, xây dựng hầm phải đảm bảo bí mật. Ba tôi đã một mình tự tay đào hầm. Mỗi đêm về ba lại đi đào hầm. Tất cả đất đá đào được cẩn thận chất lên ô tô của gia đình, chờ đêm tối chở đi đổ ở các nơi, mẹ tôi cũng phụ giúp cho ba tôi một tay. Một căn hầm như thế phải mất 1 năm trời mới xong". Đồng chí cũng cho biết mình và gia đình đã nỗ lực đi khắp nơi sưu tầm lại những kỷ vật, dấu ấn của Biệt động Sài Gòn và cha mình để thế hệ sau biết đến lịch sử của lực lượng đặc biệt này. 

leftcenterrightdel
 Các cán bộ Đoàn quận 3 viếng Bia tưởng niệm các liệt sĩ trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

Nhân dịp này, đồng chí Trần Kiến Xương đã trao tặng tuổi trẻ Đoàn quận 3 bản sao bút ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bút ký của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu lại khi đến thăm Di tích lịch sử Hầm vũ khí tấn công Dinh Độc Lập. Cùng gửi gắm kỳ vọng vào những người trẻ hôm nay, những chiến sĩ biệt động khi xưa mong rằng, thế hệ trẻ sau này luôn ghi nhớ công ơn của các bậc cha anh đã âm thầm, dũng cảm hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc của nước nhà để có được một Việt Nam hoà bình hôm nay; mong các bạn sẽ cố gắng rèn đức, tạo tài để chung tay góp sức đưa đất nước tiến lên tầm cao mới. Đặc biệt là nuôi dưỡng ngọn lửa, ý chí quyết tâm để phụng sự và xây dựng Tổ quốc Việt Nam ngày càng giàu đẹp.

                                                                                                                                                                   Phi Sơn - Quốc Trọng