Dù chưa vào cao điểm xét tuyển nhưng tình hình thí sinh rút hồ sơ sang trường khác khá nhộn nhịp.

 


Dự kiến điểm xét tuyển sẽ cao lên

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Tiến sĩ Nguyễn Đức Minh, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Công nghiệp TP.HCM, đánh giá: Cuộc đua xét tuyển vào trường đã lộ dần các thứ hạng khá rõ ràng. Theo ông Minh, ngay từ đầu tuần số TS rút hồ sơ khá đông. Tuy nhiên, một số ngành có chỉ tiêu khá cao như công nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học đến thời điểm này vẫn chưa đủ chỉ tiêu. “Dự kiến những ngày tới sẽ có một lượng TS khá dồi dào từ ĐH Y Dược, ĐH Bách khoa có cùng nhóm ngành do thấy không an toàn sẽ đổ dồn về đây, sẽ đẩy điểm xét tuyển lên cao hơn do số TS này có điểm từ 20 trở lên” - ông Minh cho biết.

Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho biết chỉ tiêu tuyển sinh của trường năm nay là 5.300, tính đến ngày 10-8, trường đã nhận gần 4.000 hồ sơ xét tuyển. Dự kiến cuối tuần này số TS nộp vào sẽ tăng lên và bình quân mỗi ngày cũng có hàng chục TS rút hồ sơ do điểm thi thấp hơn các TS khác.

Tiến sĩ Thái Doãn Thanh, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho biết đến nay số hồ sơ nộp vào trên 5.000, chưa phải là cao lắm, số hồ sơ nộp qua đường bưu điện cũng còn ít, có thể TS ở xa đang theo dõi thứ hạng điểm nên chưa vội nộp. “Dự kiến thời điểm gay cấn nộp hồ sơ xét tuyển diễn ra từ ngày 15 đến 17-8, lúc này mới thực sự diễn ra cuộc đua xét tuyển” - ông Thanh dự báo.

Theo ông Thanh, thông thường vào giai đoạn cuối cuộc đua xét tuyển nguyện vọng 1 sẽ có khoảng 3.000 TS có phổ điểm khá cao 20-23 từ các trường ĐH tốp trên như Bách khoa TP.HCM, Y Dược TP.HCM dịch chuyển sang ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM. Cũng trong giai đoạn nước rút này sẽ có hơn 1.000 hồ sơ nộp qua đường bưu điện đẩy cuộc đua xét tuyển lên cao trào gay gắt hơn.

Việc rút hồ sơ còn phiền hà

Tiến sĩ Thái Doãn Thanh, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, nhìn nhận có sự không công bằng với TS ở xa vì yêu cầu khi rút hồ sơ TS phải trực tiếp có mặt hoặc ủy quyền cho người khác, tuy nhiên không phải TS nào cũng có người thân để ủy quyền. Mặt khác, cách xét tuyển năm nay nói là cập nhật phần mềm, đăng ký trực tuyến nhưng đây vẫn là cách làm thủ công, chưa thuận lợi lắm cho TS. “Vì khi làm các thủ tục, TS phải có mặt chứ không phải chỉ cần ở xa kích hoạt qua tài khoản như chơi chứng khoán” - ông Thanh nói.

 

Theo Pháp luật.TPHCM

.