Trong thời đại công nghệ số, dường như không một bi kịch học đường nào thoát được tai mắt báo chí cùng "lưới cộng đồng lồng lộng”, dấy lên bao nỗi phẫn nộ, ngạc nhiên, đau xót. Liên tiếp các tai họa làm xấu mặt học đường tuần này phải kể tới vụ thầy trò đánh nhau trên bục giảng ở Bình Định, học sinh Quảng Bình đội mưa rét cắt da cầm cờ chờ đón đoàn Thứ trưởng, tâm thư gửi Chủ tịch nước của học sinh Hà Nội chưa có hộ khẩu bị đình chỉ học... 
 
 
Thay vì hở đâu vá đấy, vấn đề là ngành giáo dục cùng xã hội đang và sẽ ứng phó thế nào để giải quyết tận gốc những thảm họa đó? Cách "cứu hộ” đạo đức học đường như lâu nay liệu có tương thích trong "trận đánh lớn” đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT?
 
Một tháng trước TAND quận Thủ Đức đã mở phiên tòa lưu động xét xử hai bảo mẫu Đông Phương và Thiên Lý về tội "hành hạ người khác”. Hôm đó ngày 20-1 thì hôm sau ngày 21-1, tại trường THPT Nguyễn Huệ, Tây Sơn, Bình Định xảy ra vụ thầy giáo và hai học sinh đánh nhau mà clip ghi lại cảnh tượng khá dã man. Câu hỏi đặt ra là vị thầy tên là Tuấn tát trò đó có theo dõi TV và báo chí, có biết từ giữa tháng 12-2013, những đoạn clip ghi cảnh bảo mẫu điểm giữ trẻ Phương Anh bạo hành trẻ dã man đã khiến dư luận vô cùng phẫn nộ? Đành rằng việc tát học sinh thô bạo trước mắt cả lớp xuất phát từ những sự căng thẳng hoặc từ một nguyên cớ nào đó của ông thầy trẻ, nhưng dưới góc độ pháp luật đó thực sự là hành vi bạo hành. Cùng một hiện tượng "bạo hành” mà bảo mẫu ra tòa, thầy giáo chỉ kiểm điểm, hoặc cắt hợp đồng, kỷ cương phép trường phép nước đã nghiêm chưa? 
 
Đúng như PGS, TS Tâm lý học Huỳnh Văn Sơn phân tích sâu sắc, bạo lực là sự bế tắc trong giáo dục. "Đành rằng thầy sai hoàn toàn nhưng những đạo nghĩa ở đời, những kỹ năng sống có phải là hoàn toàn "đi vắng”? Khi mọi luân lý bị phá vỡ, khi những chuẩn mực ứng xử bị thiêu cháy, khi mọi giá trị đạo đức – nhân văn của hành vi đi vắng thì chuyện thầy đánh trò không còn dừng ở cái đau giản đơn khi bị phản kháng mà đó là sự phản kháng về văn hóa, về quan điểm, về hàng loạt những vấn đề có liên quan…Học trò sẽ đau vì  mình bị xử bằng cái đánh. Còn thầy giáo cũng đau cả đời vì sự bế tắc trong biện pháp giáo dục. Đó là biểu hiện của sự  non kém về bản lĩnh sư phạm, nghệ thuật ứng xử sư phạm…”, PGS, TS Huỳnh Văn Sơn viết. 
 
Những phân tích "đi thẳng vào trái tim” như vậy của các chuyên gia, nhà giáo có tâm và có tài đã bao giờ được các trường sư phạm quan tâm lưu giữ, chắt lọc đưa vào giáo trình, giáo án chuyên ngành sư phạm? Đã bao giờ được các cấp quản lý nhà trường từ phổ thông tới đại học đưa ra thảo luận trong các giờ giảng chính khóa, ngoại khóa, hay đó mãi chỉ là việc của công luận, dậy sóng một thời gian rồi bị bão thông tin cuốn chìm vào quên lãng? 
 
Cũng như nghề y, nghề giáo không thể dung nạp những người thiếu kỹ năng quản lý cảm xúc bản thân, thiếu sự cân nhắc hành vi. Nếu những nhà giáo trẻ mới vào nghề đã thể hiện chất "dã man” mà được làm ngơ xử nhẹ, loại "điển hình” này ắt sẽ tự phát nhân lên như nấm độc. Như bấy lâu nay hiện tượng giáo viên đánh học sinh gây thương tích không còn là hiếm. Sa thải khỏi nghề những kẻ như vậy thực ra cứu chính họ, chứ không chỉ cứu xã hội. 
 
Nhưng kỷ luật, sa thải chỉ là giải pháp ứng phó tình thế, rách thì vá. Mô hình giáo dục của chúng ta cần sự thay đổi. Nhà nước phải có những chính sách "cứu hộ” rõ ràng để thúc đẩy chất lượng nhân sự ngành sư phạm, thay vì chỉ miễn giảm học phí như lâu nay. GS Trần Hữu Tá cũng lên tiếng cảnh báo từ sự việc đau lòng này. Ông viết: "Sự cố nói trên là một tín hiệu báo động khẩn thiết về trình độ người thầy – trước hết là lòng yêu trẻ, là đạo đức nghề nghiệp; về chất lượng đào tạo học sinh – trước hết là nhân cách chứ không phải trình độ văn hóa”…
 
Với vụ hàng chục học sinh  trường Trung cấp Luật Đồng Hới (Quảng Bình) đội mưa rét như cắt da sáng 19-2 vẫy cờ đón Thứ  trưởng, "cái ác” của người thầy lại được khoác tấm áo thiện – đứng dưới mưa rét là tình cảm biết ơn của thầy trò trường, như con cái với cha mẹ. Có người lo ca "đứng lạnh” này còn nguy hơn ca "đánh trò” bởi ca sau người thầy nhận ngay ra mình sai, còn ca trước thầy hồn nhiên "phủi trách nhiệm”, ngụy biện các kiểu cho cái phản cảm, cái dở của mình … Quả sẽ rất khó đưa tòa những vụ bạo hành chìm, bạo hành tinh thần, nhưng một loạt tai họa học đường đã và đang cho thấy sứ mệnh đổi mới căn bản toàn và diện GD&ĐT là phải nhận chân bộ mặt thật của cái ác, cái xấu đang ẩn náu và biến tướng, mới có thể thành công khâu đột phá - tư duy quản lý giáo dục.
 
Những bi kịch học đường cũng là cơ hội để ngành giáo dục đặt những câu hỏi mở cho giáo viên học sinh phải suy nghĩ, bởi trong cuộc sống không phải cái gì cũng cho câu trả lời lập tức. Điều quan trọng là thế hệ trẻ cần được dạy rằng không thể lúc nào cũng nói vâng, mà cần được khích lệ để hiểu rằng họ hiểu biết hơn thế hệ trước. Đây hy vọng là động lực giúp thế hệ trẻ có ý thức giám sát, phản biện từ trong nhà trường – tố chất quan trọng góp phần giảm thiểu những thảm họa trong cuộc sống.
 
Theo Đại Đoàn Kết