Sau khi đọc các đề thi Đại học năm nay, tôi cứ băn khoăn về những câu nghị luận xã hội (cả khối  D và C). Song câu làm cho tôi thấy không tán thành hơn câu 2 của đề thi khối C. Đề như sau: 
 
“Nhìn lại vốn văn hoá dân tộc, nhà nghiên cứu Trần Đình Hượu có nêu một nhận xét về lối sống của người Việt Nam truyền thống là: Không ca tụng trí tuệ mà ca tụng sự khôn khéo. Khôn khéo là ăn đi trước, lội nước theo sau, biết thủ thế, giữ mình, gỡ được tình thế khó khăn.
(Theo Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2013, tr.160-161) 
Từ nhận thức về những mặt tích cực và tiêu cực của lối sống trên, anh/chị hãy bày tỏ quan điểm sống của chính mình (bài viết khoảng 600 từ)”.
 
.Trong đáp án, có giải thích:
 
“- Trí tuệ là khả năng nhận thức, suy xét bằng bộ óc; khôn khéo là khôn ngoan, khéo léo, linh hoạt trong ứng xử.
- Ý kiến đã nêu được một nét đáng lưu ý về lối sống của người Việt Nam truyền thống là ít đề cao trí tuệ mà chỉ đề cao sự khôn khéo, một dạng trí khôn của đời sống; đồng thời chỉ ra một số biểu hiện của lối sống khôn khéo đó”.
 
Với việc trích dẫn và hướng dẫn như trên, vô hình trung, người ra đề thống nhất với quan điểm của Trần Đình Hượu về con người Việt Nam truyền thống. Về vấn đề này, chúng tôi đã từng có bài viết trên “Quân đội nhân dân” cuối tuần (ra ngày 2- 5- 2010; trang 4), với tiêu đề “Nhận định tùy tiện”. Trong bài đó, chúng tôi đã khẳng định: “Bảo rằng dân tộc Việt Nam không chuộng trí là không đúng”. 
 
Ngay từ thuở sơ khai của lịch sử dân tộc, sử thi “Đẻ đất, đẻ nước” đã kể chuyện cha ông xưa, bằng trí tuệ của mình đã tìm ra cách xây dựng nhà cửa, tìm ra lửa và xây dựng “kinh kỳ kẻ chợ” như thế nào. Những truyện ngụ ngôn, những truyện cổ tích về con người và con vật thông minh đều là đề cao trí tuệ. Biết bao truyện nôm, truyện cổ tích ca ngợi những con người vượt khó, khổ luyện để thành tài như: Phạm Công (trong Phạm Công, Cúc Hoa); Phạm Tải (trong Phạm Tải, Ngọc Hoa); Tống Trân (Trong Tống Trân, Cúc Hoa)...
 
Cha ông ta dạy cho đời sau: “Để cho con hòm vàng không bằng để cho con cuốn sách”; dạy con cháu rằng phải “ăn vóc, học hay”. Dân ta đã truyền tụng cho nhau bao đời những chuyện, những giai thoại về trí tuệ phi phàm của các Trạng Việt Nam trong cuộc sống học hành thi cử và trong bang giao với nước ngoài một cách đáng tự hào như: Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Thượng Hiền, Lê Quý Đôn... Chúng ta có nhiều nhà giáo, nhà thơ trí tuệ uyên bác như: Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến v...v...
 
Chúng ta có biết bao con người ưu tú bền bỉ phấn đấu để có tầm cao trí tuệ, chỉ đạo các cuộc chống xâm lược giành thắng lợi vẻ vang như: Lí Công Uẩn, Lí Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Ngô Thời Nhậm, phan Bội Châu, và thời hiện đại là Hồ Chí Minh, v...v...  Những con người ấy đã được dân tộc ta tôn sùng, nhân dân ta lập đền thờ, hương khói bao đời nay, sao dám bảo dân tộc ta “không ca tụng trí tuệ”. 
 
Những khoa thi, Văn miếu Quốc tử giám, Bia Tiến sĩ và biết bao làng xã đã đón rước linh đình những ông nghè, quan trạng về làng lại chẳng phải là những bằng chứng về ca tụng trí tuệ hay sao? Thử hỏi những con người Việt Nam chân chính, từ già đến trẻ xem có ai không ngợi ca trí tuệ không?
 
Về phần hướng dẫn bàn bạc, người  ra đề đã viết: 
 
“- Về mặt tích cực:
+ Tạo ra lối ứng xử linh hoạt trong đời sống hàng ngày giúp con người có thể an thân, hưởng lợi, giữ mình thoát hiểm.
+ Khiến cho mỗi cá nhân có lối sống thiết thực, tuỳ cơ ứng biến để tồn tại trong cộng đồng.; 
- Về mặt tiêu cực: 
+ Mặt tiêu cực của việc không đề cao trí tuệ: ít coi trọng những nỗ lực khám phá, chinh phục, sáng chế nhằm hướng tới những đỉnh cao trong sản xuất, khoa học, nghệ thuật; chưa thực sự tôn trọng thành quả của trí tuệ, tri thức và sáng tạo; dẫn đến sự trì trệ, kém phát triển về mọi mặt của đời sống xã hội.; 
+ Mặt tiêu cực của lối sống khôn khéo: chỉ biết thu lợi, cầu an cho mình, đẩy khó khăn, thiệt thòi cho người; ngại va chạm, ngại đối mặt với thách thức; con người có nguy cơ trở nên thiển cận, nhu nhược, ích kỉ.”
 
Về phần đưa ra ý kiến cá nhân, người ra đề đã hướng dẫn học sinh:
 
“- Trên cơ sở nhận thức những mặt tích cực và tiêu cực của lối sống truyền thống, thí sinh tự đề ra quan điểm sống cho bản thân và phương hướng hành động để thực hiện quan điểm sống ấy.
- Thí sinh được tự do bày tỏ quan điểm sống của mình, nhưng cần phải có thái độ chân thành, nghiêm túc, cầu tiến”.
 
Như vậy vẫn là hướng học sinh bàn bạc theo cái chưa đúng, chưa toàn diện. Coi lối sống truyền thống là “không ca tụng trí tuệ”. Không hiểu những học sinh phản bác ý kiến này thì có bị điểm kém không (vì đáp án không nói điều đó). Hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đang kêu gọi ra đề văn mở. Không hiểu đưa ra nhận định chưa đúng về bản sắc dân tộc rồi lại định hướng cho học sinh khen chê theo cái định hướng ấy chứ hoàn toàn không cho học sinh có ý kiến khác thì có gọi là mở hay không? Và, người ra đề có chủ ý gì đây?
 
Hiện nay, một bộ phận trong chúng ta, nhất là ở thế hệ trẻ, có tư tưởng vọng ngoại, ca ngợi nước ngoài mà chưa tìm hiểu sâu sắc vẻ đẹp của dân tộc  Việt Nam. Học sinh ta chưa có sự nghiên cứu sâu rộng nền văn hoá dân tộc, chưa có được cái nhìn toàn diện về lịch sử và văn hoá của dân tộc mình. Hướng các em vào một đề văn như vậy, dễ làm cho các em ngộ nhận rằng dân tộc mình, con người Việt Nam mình “Không ca tụng trí tuệ ”. Làm như vậy liệu có ảnh hưởng đến phong trào khuyến học, khuyến tài hôm nay. Đề văn như vậy thật không nên có.
 
Nguyễn Kim Rẫn 
Thị Trấn Cầu Diễn tháng 7 năm 2013
.