Sinh viên tham gia bán hàng đa cấp: Lợi bất cập hại!
Cập nhật lúc 22:02, Thứ năm, 17/10/2013 (GMT+7)
Vài năm trước, khi việc bán hàng đa cấp của một số công ty bắt đầu thâm nhập đến Đà Lạt thì cũng là lúc các nhóm phân phối ra đời và phát triển mạng lưới. Hệ quả sau đó là các nhóm phân phối nhanh chóng tan rã bởi những giá trị ảo. Điều đáng nói là đến nay, không ít sinh viên vẫn bị lôi kéo tham gia vào các mạng lưới, đeo theo việc bán buôn và đã bỏ bê công việc chính là học tập. (sinh viên làm thêm, bán hàng đa cấp, ảo tưởng về bản thân)
Vài năm trước, khi việc bán hàng đa cấp của một số công ty bắt đầu thâm nhập đến Đà Lạt thì cũng là lúc các nhóm phân phối ra đời và phát triển mạng lưới. Hệ quả sau đó là các nhóm phân phối nhanh chóng tan rã bởi những giá trị ảo. Điều đáng nói là đến nay, không ít sinh viên vẫn bị lôi kéo tham gia vào các mạng lưới, đeo theo việc bán buôn và đã bỏ bê công việc chính là học tập.
Bán hàng đa cấp phát triển tại Đà Lạt với những mặt hàng hóa mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Mở ra việc tìm kiếm một việc làm cơ động theo thời gian, rèn luyện sự dạn dĩ cho sinh viên bởi chỉ thành công khi thuyết phục được người khác tham gia vào mạng lưới, đặc biệt, gieo rắc tư tưởng “tập trung sức lực kiếm lợi nhuận lớn trong vài năm rồi nghỉ hưu”, đưa ra hình ảnh một vài cá nhân thành công khi bán hàng đa cấp trong thời điểm mô hình hoạt động này mới thịnh hành…, các công ty dẫn dắt sinh viên bước vào “mê cung” kinh doanh đầy ảo vọng. Gần đây, một số sinh viên năm nhất tại Trường Đại học Đà Lạt (ĐHĐL) được bạn bè lôi cuốn vào mạng lưới bán hàng của công ty U với chương trình “Happy Life Project”. Thông tin ban đầu được đưa ra là chỉ với 200 ngàn đồng, bạn có thể trở thành một thành viên của mạng lưới bán hàng, sau đó, không cần bán hàng mà chỉ cần phát triển thành viên, bạn vẫn nhận được lương hưởng từ hoa hồng do việc tiêu thụ sản phẩm từ những thành viên do mình phát triển.
H.T- một sinh viên sau khi được bạn rủ lên thư viện nói chuyện và thuyết phục vào nhóm mình đã đồng ý đi tham gia các buổi hội thảo, rèn luyện tại hội trường của một số khách sạn lớn trong thành phố. Kỳ thực, con số 200 ngàn chỉ là phí để đăng ký mã số, còn lại, nếu không phát triển được thành viên, không tiêu thụ được sản phẩm thì mã số cũng vô nghĩa. Đồng thời, để được bước chân vào hội thảo nghề nghiệp diễn ra tại các khách sạn sang trọng, các thành viên mới cũng phải đóng phí tham gia. Đau đáu với mộng làm giàu và dành thời gian cho việc đi thuyết phục bạn bè cũng như người thân mua sản phẩm, H.T xuất hiện thưa thớt dần trong các buổi đi học, các buổi kiểm tra và kết thúc năm thứ nhất đã bảo lưu kết quả để tiếp tục lao vào con đường kinh doanh được các nhà phân phối vẽ ra trong tương lai không biết sẽ trôi về đâu.
Với hình thức ăn chia hoa hồng của một hình tháp ảo và mức giá “trên trời” của các sản phẩm: một chai nước rửa chén giá gần 200 ngàn đồng, một tuýp kem đánh răng giá 100 ngàn đồng, các sản phẩm thực phẩm chức năng được định giá chỉ có những người có thu nhập cao mới có khả năng tiếp cận, các sinh viên với vốn sống còn hạn chế và mối quan hệ hẹp đã “bơi” trong việc kinh doanh mạo hiểm, dễ bước vào và khó rút ra.
Thạc sỹ Mai Ngọc Thịnh - Giảng viên Khoa Kinh tế - Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Đà Lạt cho rằng một số sinh viên tham gia bán hàng đa cấp, khi không lừa được ai thì rõ ràng đã lừa bạn bè, lừa người thân bởi việc chào bán những mặt hàng không đúng với giá trị thật như vậy. ST - một sinh viên từng học ngành Sinh học tại Trường ĐHĐL, sau khi được người họ hàng lôi kéo vào mạng lưới phân phối của công ty mỹ phẩm đã quyết định bỏ học để “làm giàu”. Kết quả là sau 1 năm, cả “leader” và “member” (thành viên) đều đã “bỏ của chạy lấy người”, không còn cơ hội quay lại trường cũ, năm học mới này, ST đã thi và đậu vào Trung cấp Y tế để làm lại từ đầu!
Theo Báo Lâm Đồng
.