Tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9/2016, Chính phủ đã cho ý kiến về dự thảo Nghị định quy định cơ chế tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học công lập.
 

(Ảnh minh họa. Nguồn: Đại học Thủy lợi)
(Ảnh minh họa. Nguồn: Đại học Thủy lợi)


Theo đó, Chính phủ thống nhất chủ trương đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học gắn với nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

Cụ thể, các trường đại học được giao quyền tự chủ cả về chuyên môn, tổ chức nhân sự, tài chính và tăng cường trách nhiệm giải trình, quy định rõ về kiểm định chất lượng.

Các trường cũng phải nêu rõ cơ chế học bổng để bảo đảm quyền tiếp cận giáo dục đại học chất lượng cao cho con em hộ nghèo, đối tượng chính sách.

Cùng với việc thực hiện tự chủ ở các trường đại học sẽ giảm mạnh sự can thiệp hành chính của các cơ quan chủ quản đối với hoạt động của các trường, tiến tới xóa bỏ cơ chế chủ quản.

Mô hình quản trị đại học theo hướng chuyển từ chế độ thủ trưởng (hiệu trưởng) sang chế độ tập thể lãnh đạo (hội đồng trường) tương tự như đã thực hiện đối với đổi mới doanh nghiệp nhà nước.

Hội đồng trường là cấp có thực quyền và phải phân định rõ trách nhiệm của hội đồng trường với ban giám đốc (hiệu trưởng, hiệu phó), bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời đẩy mạnh thực hiện công khai, dân chủ, tôn trọng quyền của tập thể cán bộ, giảng viên.

Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát các quy định của Luật Giáo dục Đại học, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các luật có liên quan để quy định phù hợp và kiến nghị sửa đổi, bổ sung nếu cần thiết.

Trước mắt, cần đẩy mạnh thực hiện thí điểm các trường đại học tự chủ, đổi mới cơ chế quản trị các trường đại học được tự chủ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành hoặc trình ban hành văn bản quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của hội đồng trường, nhất là đối với tổ chức, nhân sự và tài chính, chỉ đạo kiện toàn theo hướng hội đồng trường là cấp có thực quyền.

Trên thực tế, việc xóa bỏ cơ chế cơ quan chủ quản với các trường đại học đã được Chính phủ đặt ra từ năm 2010. Tuy nhiên, việc xóa bỏ cơ quan chủ quản cũng phải đi liền với việc tự chủ đại học ở các trường và tiến trình này diễn ra khá chậm.

Tại hội thảo Tự chủ đại học – cơ hội và thách thức vừa được Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực và Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phối hợp tổ chức mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chỉ ra những rào cản chính của tự chủ đại học.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, có ba vấn đề chính vướng ở các trường là tài chính, quản lý nhà nước và mô hình quản trị đại học.

Trong đó, về vấn đề tài chính, hầu hết các trường đều hiểu khi tự chủ sẽ bị Nhà nước cắt hoàn toàn kinh phí đầu tư và phải đối mặt với việc tăng học phí với nhiều áp lực từ dư luận. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng khẳng định Nhà nước sẽ không cắt đầu tư mà chỉ thay đổi về phương thức đầu tư.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng, vấn đề lớn nhất của các trường là ở mô hình quản trị đại học, cụ thể là xung quanh việc thành lập hội đồng trường.

“Đã nói nhiều năm nay là các trường đại học phải có hội đồng trường vì muốn tăng quyền tự chủ của trường đại học, bỏ sự can thiệp hành  chính của cơ quan chủ quản thì phải chuyển mô hình quản lý một thủ trưởng sang mô hình một cá nhân liên kết với tập thể. Nhưng thực tế, trừ trường ngoài công lập, trường công lập vẫn ít có chuyển biến,” Phó Thủ tướng nói./.

 

Theo Phạm Mai/vietnamplus

.