Những ngày qua, dư luận xôn xao với sự kiện cuốn “Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh” của tác giả Vũ Chất có nội dung không chính xác, thậm chí thiếu lành mạnh, làm hoen ố tiếng Việt tồn tại cả chục năm qua giờ mới bị phát hiện.

 


Đồng thời với việc ban hành 4 quyết định cùng lúc thu hồi “Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh” của tác giả Vũ Chất, Cục Xuất bản, in và phát hành cũng đã có công văn gửi các NXB về việc rà soát các loại từ điển: Chủ động tiến hành xem xét lại những cuốn từ điển của nhà xuất bản đã phát hành và rà soát toàn bộ bản thảo đang trong quá trình xuất bản. Nếu có những vấn đề cần điều chỉnh, nhà xuất bản phải có biện pháp xử lý kịp thời; trong quá trình xuất bản các loại từ điển, cần thẩm định nội dung của hội đồng khoa học chuyên ngành.

Điều đáng nói là, cuốn từ điển có nội dung “thô tục”, phản văn hóa kể trên tính đến thời điểm thu hồi đã được lưu giữ trong Thư viện Quốc gia Việt Nam hơn 13 năm qua. Cuốn từ điển này cũng được lưu hành trên thị trường trong nhiều năm, nhưng không hề được cơ quan chức năng phát hiện. Nếu không có sự vào cuộc quyết liệt, dồn dập, mạnh mẽ của giới truyền thông thì không biết ấn phẩm độc hại này còn làm hại đến bao nhiêu thế hệ HS? Nếu không tính đến 2 NXB bị mạo danh (NXB Trẻ, NXB Thanh niên) thì ở đây chúng ta cần đặt câu hỏi lớn cho NXB Hồng Đức và NXB VH-TT đã buông lỏng khâu quản lý, kiểm duyệt nên để “lọt” cuốn từ điển? Không chỉ thế, ngay cả tác giả của tác phẩm này cũng không thể truy lùng ra, vậy khâu quản lý, cấp phép xuất bản của cơ quan chủ quản là Cục Xuất bản, in và phát hành như thế nào? Nếu cục làm hết trách nhiệm của mình thì liệu câu chuyện “lùm xùm” trên có xảy ra?

Điều đáng bàn nữa là, nếu chỉ đơn thuần cứ phát hiện thì đình chỉ lưu hành, yêu cầu thu hồi thì có vẻ như quá dễ để những tác phẩm độc hại tương tự tiếp tục tồn tại ở đâu đó trên thị trường sách, thậm chí, ngay trong các thư viện, kể cả Thư viện Quốc gia. Ở đây cần phải truy tận gốc, quy trách nhiệm để có hình thức xử lý rốt ráo, tìm mọi biện pháp tối ưu nhất để ngăn chặn tình trạng tái diễn việc in lậu, làm sách nhái, sách ăn cắp bản quyền, sách có nội dung không đúng… Phải quản lý chặt để triệt tận gốc những hành vi vi phạm pháp luật trong xuất bản, phát hành sách.

Cuốn “Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh” bị thu hồi nói trên chỉ là một minh chứng tiếp theo của tình trạng bát nháo trong lĩnh vực xuất bản hiện nay. Trên các diễn đàn xã hội, dễ dàng bắt gặp những tranh luận khá sôi nổi khi được ai đó “tung” chủ đề là một bài toán hay một đề văn rút ra từ những cuốn sách tham khảo được xuất bản “vô tội vạ”, “vô trách nhiệm” dành cho HS.

Tại BR-VT, cũng đã từng phát hiện một nhà sách trên địa bàn TP.Bà Rịa có lưu hành sách giả từ lớp 1 đến lớp 12. Trong đó có cả SGK, sách tham khảo, số lượng lên đến 26 bộ, với hơn 3.000 cuốn. Nếu không tinh ý thì khó phát hiện được toàn bộ hơn 3.000 cuốn sách nói trên là giả, bởi chúng không khác gì sách thật, cũng được dán tem đàng hoàng. Điều đáng nói là, số sách giả này được chủ nhà sách cho biết mua trôi nổi trên thị trường, thấy chiết khấu cao thì mua để được lời nhiều dù biết là sách lậu.

2 câu chuyện trên cho thấy, khâu quản lý xuất bản, lưu hành sách của chúng ta hiện đang quá lỏng lẻo, tạo cơ hội cho sách giả, sách lậu, sách nhái… lưu hành; thậm chí là cả sách… không giả, không nhái, nhưng nội dung không lành mạnh, sai lệch kiến thức cũng vẫn được lưu hành. Và hơn hết là nỗi băn khoăn không hề nhỏ, chúng ta có quy trình quản lý xuất bản, in ấn hẳn hoi, từ cấp trung ương đến cơ sở và đều có một bộ phận không nhỏ “gác cổng”, vậy tại sao vẫn để nạn này hoành hành?

 

Theo Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

.