Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, cho rằng quyết định cấm thi lớp 6 là vội vã, dẫn tới việc tổ chức triển khai không nhất quán, gây khó khăn cho các địa phương
 
 
- Ông Nguyễn Văn Ngai:
 
Theo tôi, việc UBND TP Hà Nội bác phương án xét tuyển kết hợp với khảo sát năng lực để tuyển sinh vào lớp 6 năm học 2015-2016 theo đề xuất của một số trường là việc làm nhằm bảo đảm thực hiện nghiêm quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT). Song, quyết định này của UBND TP Hà Nội khiến một số trường gặp khó khăn và lúng túng trong việc tuyển sinh vào lớp 6.
 
Trong khi đó, UBND TP HCM lại đồng ý chọn hình thức khảo sát năng lực ngoại ngữ để tuyển sinh vào lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. Việc làm này tuy không phù hợp với quy định mới của Bộ GD-ĐT (Công văn số 1258/BGDĐT-GDTrH ngày 17-3) nhưng lại phù hợp với thực tế của TP HCM. Bởi lẽ, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa là trường chuyên có cấp THCS, các lớp của trường đều học theo chương trình tăng cường tiếng Anh và những năm qua (kể từ khi trường được thành lập đến nay) đều phải tổ chức tuyển sinh vào lớp 6 do áp lực tuyển sinh rất cao (tỉ lệ chọi thường ở mức 1/10, có khi 1/13 hoặc hơn nữa).
 
Từ năm học 2014-2015, bậc tiểu học không triển khai chấm điểm, không xếp loại học sinh mà chỉ có 2 mức đánh giá là đạt hoặc không đạt. Theo ông, các trường đặc biệt - những trường có áp lực tuyển sinh cao - cần căn cứ vào tiêu chí nào để xét tuyển?
 
- Với cách đánh giá học sinh ở cấp tiểu học hiện nay (theo Thông tư 30 của Bộ GD-ĐT) thì có thể khẳng định trên 99% học sinh đều được xếp loại “hoàn thành” hoặc “đạt”. Vì thế, các trường có áp lực tuyển sinh cao gặp rất nhiều khó khăn trong việc xét tuyển học sinh vào lớp 6 trường mình khi chỉ dựa vào nhận xét, đánh giá cuối năm học lớp 5.
 
Nếu chỉ căn cứ vào nhận xét của giáo viên phụ trách lớp thì cũng không ổn vì chắc chắn sự nhận xét ấy không đều tay giữa giáo viên trường này, trường khác. Ngay cả giáo viên cùng trường nhưng khác lớp cũng có độ chênh nhất định trong đánh giá học sinh bằng nhận xét. Trong trường hợp này, tuyển sinh cần phải kết hợp với việc phân tuyến theo địa bàn cư trú và một số yếu tố khác nữa. Nhưng cách xét tuyển này lại gặp khó khăn đối với một số địa phương có số học sinh đã hoàn thành cấp tiểu học đông hơn rất nhiều so với khả năng tuyển sinh vào lớp 6 của các trường trên địa bàn.
 
Thực tế thì số trường tổ chức thi tuyển vào lớp 6 không nhiều. Vậy theo ông, quy định tuyệt đối không thi vào lớp 6 của Bộ GD-ĐT có vội vàng không khi áp dụng ngay trong năm học 2015-2016?
 
- Quy định tuyệt đối không thi vào lớp 6 dù có mục đích tốt là làm giảm bớt áp lực cho người học, hạn chế việc dạy thêm - học thêm, giảm chi phí không cần thiết cho xã hội… nhưng theo tôi, trước khi quyết định, Bộ GD-ĐT cần bảo đảm tính dân chủ bằng cách tham khảo ý kiến của các cơ quan giáo dục địa phương, ít nhất là sở GD-ĐT ở các tỉnh, thành lớn và nên có bước đi phù hợp hơn, không nhất thiết phải áp dụng đại trà ngay từ năm học 2015-2016.
 
Như phần trên tôi đã nêu, một số trường trước đây tuyển sinh bằng thi tuyển, nay áp dụng ngay việc tuyển sinh theo địa bàn phân tuyến sẽ gặp không ít khó khăn, cần phải có thời gian chuẩn bị và bước đi phù hợp hơn.
 
Một số đổi mới về giáo dục gần đây có phù hợp không? Quyết định cấm thi vào lớp 6 và cách triển khai không đồng nhất tại các địa phương, theo ông sẽ để lại hậu quả gì?
 
- Việc đổi mới giáo dục để tốt hơn, để đáp ứng yêu cầu “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo…” theo tinh thần của Nghị quyết 29 là rất cần thiết. Nhiều người trong ngành, ngoài ngành và bản thân tôi rất tâm đắc, đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận là việc đổi mới không thể chần chừ khi có điều kiện nhưng cần thận trọng trên cơ sở có sự cân nhắc và cần có bước đi phù hợp.
 
Tuy nhiên, trên thực tế, một số việc làm của Bộ GD-ĐT trong thời gian gần đây là chưa hoàn toàn đúng với tinh thần đó (như quy định không thi tuyển sinh vào lớp 6 mà bộ mới ký ban hành ngày 17-3 lại có hiệu lực thi hành ngay năm học 2015-2016…). Những quyết định vội vã của Bộ GD-ĐT sẽ gây khó khăn cho địa phương, dẫn tới việc tổ chức triển khai không nhất quán, không triệt để và phần nào làm ảnh hưởng đến hiệu lực quản lý, lãnh đạo ngành của bộ.
 
Theo Người lao động
.