Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục cũng khẳng định, giá trị thực của bằng cấp tại chức không thể bằng giá trị của bằng chính quy được. Và thực tế, nếu giá trị hai loại văn bằng này được quy định là giống nhau chắc chắn sẽ gây ra nhiều hệ lụy.

Đừng cào bằng chất lượng

Trong Dự thảo Luật Giáo dục đại học mới tại khoản 2, Điều 6 quy định về trình độ và hình thức đào tạo của giáo dục đại học. Theo đó, các trình độ đào tạo của giáo dục đại học được thực hiện theo hai hình thức là: đào tạo tập trung và đào tạo không tập trung. Điều này đồng nghĩa với việc hai hình thức đào tạo chính quy và tại chức sẽ không còn ghi trên văn bằng nữa. Tuy nhiên, điều này đã khiến rất nhiều người trong giới chuyên môn và dư luận tỏ ra lo lắng vì chất lượng đào tạo chính quy và tại chức ở Việt Nam hiện nay vẫn khác xa nhau rất nhiều.

leftcenterrightdel
 Nhiều thí sinh phải vất vả vượt qua kỳ thi THPT Quốc gia để giành suất vào một trường chính quy

Thực tế, chất lượng văn bằng tại chức thường bị đánh giá thấp hơn do khâu tuyển sinh đầu vào dễ dàng, thời gian đào tạo bị rút ngắn, việc đánh giá trong quá trình học cũng bị buông lỏng, người học không có sự cố gắng… Thậm chí, ở một số nơi, người học chỉ việc đến ghi danh, nộp tiền là có thể qua các kỳ thi. Người học có khi cả tháng không phải đến lớp học buổi nào hoặc thuê người đi học và chỉ đến những ngày thi thì đến nộp tiền và dự thi là xong.  
Thực tế, nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã từ chối tuyển dụng đối với ứng viên có bằng tại chức. Mới đây, tỉnh Quảng Ngãi đưa ra quy định, cán bộ công tác ở các sở, ban ngành của tỉnh này phải “cắp sách” đi học lại… đại học chính quy, nếu muốn thăng quan tiến chức. Nhiều ý kiến bày tỏ đồng tình với chủ trương này.

Sinh viên Hương (Đại học Ngoại thương) cho biết, nếu bằng tại chức và chính quy là như nhau thì tôi cảm thấy không công bằng đối với người học, nhất là con em nông dân, những người không có tiền và không có mối quan hệ. 

 Gây nhiều hệ lụy?

Theo đánh giá của TS. Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), việc tiến tới thống nhất văn bằng đại học thể hiện sự tiến bộ, cập nhật xu hướng thế giới. Tuy nhiên, những lo lắng của người dân về việc “vàng thau lẫn lộn” trong việc cấp văn bằng hoàn toàn có cơ sở.
“Ở nước ta lâu nay, chương trình đào tạo giữa chính quy và tại chức có sự khác nhau. Hệ chính quy đầu vào cao, học nghiêm túc hơn. Hệ vừa học vừa làm, chương trình học bị cắt xén, đánh giá lỏng lẻo hơn. Tôi nghĩ, khi chất lượng không như nhau thì chưa thể cấp 1 loại văn bằng” – TS. Lê Viết Khuyến chia sẻ.

TS. Khuyến cho rằng, việc cần nhất là siết chặt chất lượng đào tạo. Nếu quy định bằng chính quy và tại chức như nhau, trong khi chưa kiểm soát được chất lượng đào tạo sẽ tạo điều kiện cho những người muốn lợi dụng bằng cấp để thăng tiến.

Còn theo quan điểm của GS. Huỳnh Mùi – Hiệu trưởng Trường Công nghệ Thăng Long, việc phân biệt bằng chính quy và tại chức không quan trọng bằng việc người tuyển dụng sử dụng văn bằng đó như thế nào. “Với nhiều nhà tuyển dụng, họ không phân biệt bằng cấp mà dựa vào năng lực làm việc. Với họ, bằng chính quy hay tại chức không quan trọng nữa” – GS. Huỳnh Mùi chia sẻ.

Như vậy, không chỉ trong dư luận mà nhiều nhà chuyên môn cũng có những luồng ý kiến trái chiều nhau. Về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, Luật Giáo dục đại học năm 2012 đã quy định từ chương trình đào tạo (bao gồm cả chuẩn đầu ra) đến điều kiện dạy - học, chuẩn giảng viên… của hình thức giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên đều như nhau. Hai hình thức này chỉ khác nhau ở khâu tổ chức đào tạo, để phù hợp với điều kiện, nhu cầu học tập khác nhau của người học.

Cũng theo bà Kim Phụng, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học lần này dự kiến quy định: Các trình độ đào tạo của giáo dục đại học được thực hiện theo các hình thức là đào tạo tập trung, đào tạo không tập trung (sửa Điều 6).

Cụm từ “đào tạo tập trung hoặc không tập trung” với hàm ý là hai hình thức chỉ khác nhau về phương thức tổ chức đào tạo; còn từ chuẩn chương trình, chuẩn giáo viên, cách thức tổ chức, kiểm tra đánh giá... đến chuẩn đầu ra đều phải được xây dựng và thực hiện đúng như hình thức tập trung.

Vì vậy, dự kiến sẽ không còn 2 loại văn bằng với tên gọi riêng biệt là bằng chính quy, bằng vừa học vừa làm nữa. Điều này phù hợp với thông lệ chung trên thế giới.

Bà Kim Phụng cũng giải thích thêm: Dự thảo Luật sửa đổi lần này hướng đến việc yêu cầu các trường đảm bảo chất lượng tiêu chuẩn để người học được xã hội đánh giá bình đẳng như nhau khi theo học đại học với các hình thức đào tạo khác nhau.

Thiết nghĩ, ở Việt Nam, lâu nay, thực tế chất lượng đào tạo giữa chính quy và tại chức có sự khác nhau. Vì vậy, việc đồng nhất 2 tấm bằng trong giai đoạn hiện nay cần cân nhắc kỹ lưỡng. Chỉ khi nào ngành Giáo dục thực sự siết chặt chất lượng đào tạo của bậc đại học, dù là học chính quy hay hệ vừa học vừa làm, lúc đó mới bàn đến việc không phân biệt bằng tại chức và chính quy cũng chưa muộn.

Hòa Bình