"Quang Trung-Nguyễn Huệ là.. anh em": Học sinh quay lưng với Lịch sử?
Cập nhật lúc 23:33, Thứ ba, 14/07/2015 (GMT+7)
Vì sao học sinh không thích học môn lịch sử? Câu trả lời sẽ là: nhàn chán, khó nhớ và môn không phải để thi.
Cách thức cô dạy môn học này là khuyến khích các con sưu tầm các câu chuyện lịch sử, có thể từ sách, báo, Internet… Mỗi lần các con sưu tầm như vậy đều phải đọc lại tư liệu của mình và chia sẻ với các bạn trong lớp học. Bài sưu tầm hay nhất, độc đáo nhất sẽ được đọc cho cả lớp nghe.
Buổi họp phụ huynh cuối năm học 2013-2014, cô giáo vui mừng đánh giá, ý thức học tập của các con rất tốt. Nhiều bạn rất say mê sưu tầm các bài Khoa Sử Địa. Điểm thi môn học này của các con đều rất cao.
Ngoài ra, cô giáo còn gợi ý những đầu sách hay liên quan đến lịch sử mà các con nên đọc.
Cần thay đổi tư duy “giỏi Toán mới là học giỏi”
Đúng là khi con trả lời thích học môn Lịch sử, tôi cũng đã từng không vui và nhiều cha mẹ đã rất ngạc nhiên vì câu trả lời của con. Bởi theo quan niệm chung, chỉ có học giỏi Toán mới là học giỏi thực sự. Cuối năm, khi cô khen, phụ huynh nào có con học giỏi Toán – Văn thì được các bậc phụ huynh khác trầm trồ, thán phục. Còn các bạn học giỏi các môn phụ chỉ nhận được những lời khen qua quýt, động viên cho có.
Câu chuyện của bạn tôi khi có con thi đỗ chuyên Sử của trường cấp 3 Chu Văn An (Hà Nội) đã nói lên cách nhìn không mặn mà của phụ huynh với môn Sử. Một nhóm phụ huynh đứng nói chuyện với nhau, một chị hỏi: “Cháu nhà chị học gì? “Cháu học Sử”, Sao lại học Sử, con trai mà lại đi học Sử à, Học môn ý thì sau làm cái gì?”.
Cách tư duy này của các bậc cha mẹ đã thực sự ảnh hưởng đến các con. Cha mẹ không coi trọng môn học đó thì sẽ “tiêm nhiễm” con em mình, môn không quan trọng thì không cần học khiến các con không có tình yêu với môn Sử.
Ngoài ra, chính những người xây dựng, biên soạn khung chương trình giáo dục đã tạo ra những lỗ hổng khó lấp đầy về tình yêu với môn Lịch sử. Với việc Sử - Địa là môn thi tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT khiến các môn học này ngày càng bị xem thường. Cùng với đó, đề thi sử, địa lâu nay về cơ bản vẫn là trình bày lại diễn biến này, sự kiện kia trong đó yêu cầu thí sinh phải nhớ rât nhiều chi tiết, con số tỷ mỷ. Điều này không chỉ khiến học trò sợ mà ngay cả giáo viên dạy những môn này cũng thấy nhàm chán./.
Theo VOV
.