Tuyên bố của Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh về việc “xóa” dạy thêm trong nhà trường từ năm học 2016-2017 đang thu hút sự quan tâm của xã hội và đặt ra nhiều vấn đề đối với các cấp quản lý.

Đây được coi là căn bệnh khó chữa của ngành giáo dục nhiều năm nay và tại kỳ họp Quốc hội gần đây, từng có đại biểu cho rằng, việc quản lý dạy thêm, học thêm (DTHT) hiện nay thừa quy định, thiếu nghiêm khắc.

 

 Trong dịp hè trẻ em vẫn được đến lớp nhưng các trường không được dạy trước chương trình. Ảnh: Thái Hiền
Trong dịp hè trẻ em vẫn được đến lớp nhưng các trường không được dạy trước chương trình. Ảnh: Thái Hiền


Khó kiểm soát dạy thêm ngoài nhà trường

Công tác quản lý DTHT hiện nay được thực hiện theo Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT do Bộ GD-ĐT ban hành ngày 16-5-2012, trong đó quy định rõ các điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục tổ chức DTHT; thủ tục cấp giấy phép tổ chức DTHT; trách nhiệm quản lý DTHT; việc thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động DTHT.

Tại Hà Nội, nhằm cụ thể hóa và siết chặt công tác quản lý DTHT trong nhà trường, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 22/2013/QĐ-UBND, ngày 25-6-2013, về DTHT trên địa bàn thành phố. Ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội đánh giá: Công tác tổ chức, quản lý DTHT trong nhà trường trên địa bàn thành phố thời gian qua cơ bản đi vào nền nếp. Tuy nhiên, việc kiểm soát DTHT ngoài nhà trường còn nhiều khó khăn. Bởi các hình thức DTHT ngoài nhà trường rất đa dạng, vừa mang tính chất gia đình vừa mang tính chất xã hội. Ngoài ra, còn do địa bàn rộng, lực lượng chức năng khó kiểm soát…

Quy định của Hà Nội trong hè năm 2016 là việc tổ chức ôn tập văn hóa cho HS tại trường THCS và THPT chỉ được tổ chức sau ngày 1-8. Như vậy, năm nay HS được nghỉ trọn vẹn hai tháng hè. Các trường mầm non vẫn hoạt động bình thường, song tuyệt đối không được dạy trước chương trình lớp 1 cho trẻ 5 tuổi. Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Ngọc Quang cho biết: Từ nay tới trước ngày 1-8, Sở GD-ĐT sẽ thành lập các đoàn kiểm tra đột xuất tại các quận, huyện, thị xã. Nếu phát hiện sai phạm, Sở GD-ĐT sẽ xử lý nghiêm khắc.

Xử lý sai phạm chưa nghiêm

Đây là năm học thứ tư các Sở GD-ĐT áp dụng Thông tư 17/2012/TT- BGDĐT trong công tác tổ chức, quản lý DTHT, song dường như kết quả triển khai tại một số địa phương chưa được như mong muốn. Bộ GD-ĐT từng tổ chức nhiều đoàn thanh tra, song cũng chỉ kiểm tra hệ thống văn bản. Vì vậy, tình trạng DTHT tràn lan hiện chưa giảm. Ông Nguyễn Văn Nam, phụ huynh HS Trường THPT Phúc Lợi (Long Biên) thẳng thắn cho rằng: Những yêu cầu trong dạy học, thi cử hiện nay quá lớn, khiến cho cô, trò và phụ huynh khó yên tâm với thời lượng dạy học chính khóa. Còn theo đánh giá của một số trưởng phòng GD-ĐT, một trong những nguyên nhân khiến cho DTHT sai quy định, khó kiểm soát tận gốc là thiếu sự kiên quyết trong việc áp dụng các chế tài xử phạt mạnh.

Mức phạt cho hành vi vi phạm DTHT được quy định tại Nghị định số 138/2013/NĐ-CP của Chính phủ, ban hành ngày 22-10-2013, về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục là từ 1 đến 12 triệu đồng. Nếu DTHT sai đối tượng, không đúng nội dung được cấp phép thì người dạy có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép dạy thêm từ 6 đến 12 tháng; đình chỉ hoạt động dạy thêm với người dạy từ 12 đến 24 tháng nếu tổ chức DTHT khi chưa được cấp phép. Trên thực tế, hầu hết trường hợp vi phạm khi bị phát hiện thường chỉ trả lại tiền cho gia đình HS. Mức độ xử lý nặng nhất cũng chỉ là đình chỉ, đóng cửa cơ sở. Cá nhân sai phạm thường chỉ bị khiển trách, cao nhất là cảnh cáo, chưa có giáo viên hoặc hiệu trưởng trường nào bị xử lý kỷ luật ở mức hạ bậc lương, cách chức hoặc buộc thôi việc như quy định của Chính phủ tại Nghị định 34/2011/NĐ-CP, ngày 17-5-2011, về xử lý kỷ luật đối với công chức.

Như vậy, rõ ràng việc khó giải quyết triệt để những bức xúc về DTHT tràn lan có căn nguyên từ chính những người thực thi nhiệm vụ.

 

Theo Hà nội mới

.