(BVPL) - Tiền thân là Phân hiệu Trường Cán bộ kiểm sát, được thành lập theo Quyết định 02/QĐ/V9 ngày 07/01/1978 của Viện trưởng VKSNDTC để đào tạo nguồn cán bộ bổ sung cho VKSND các tỉnh phía Nam, từ Quảng Trị trở vào. Sau 2 năm xây dựng và trưởng thành, để mở rộng quy mô đào tạo nguồn nhân lực, ngày 08/01/1980, Viện trưởng VKSNDTC đã ban hành Quyết định số 03/QĐ/V9 thành lập Trường cán bộ Kiểm sát. Ngày 22/6/1982, Viện trưởng VKSNDTC tiếp tục ban hành Quyết định số 144/QĐ-V9 thành lập Trường Trung cấp Kiểm sát tại TP. Hồ Chí Minh nhằm nâng cao hơn nữa năng lực đào tạo của Trường ở trình độ trung cấp kiểm sát từng bước đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống vi phạm, tội phạm. Ngày 24/4/2001, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành quyết định số 1915/QĐ-BGD&ĐT-TCCB thành lập Trường Cao đẳng Kiểm sát thành phố Hồ Chí Minh trên cơ sở nâng cấp Trường Trung cấp Kiểm sát thành phố Hồ Chí Minh.

Trải qua 25 năm (từ năm 1978 đến năm 2004) thực hiện nhiệm vụ đào tạo trung cấp Kiểm sát và cao đẳng Kiểm sát, bổ sung nguồn nhân lực cho ngành Kiểm sát, tổ chức bộ máy của Nhà trường ngày càng được củng cố, phát triển và hoàn thiện cùng với trình độ học vấn, năng lực, kinh nghiệm giảng dạy của đội ngũ giảng viên được nâng cao; cơ sở vật chất từng bước được đầu tư mở rộng (trụ sở của Trường được chuyển từ 27 đường Nguyễn Trung Trực, quận 1 về phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9, TP. Hồ Chí Minh), đã đào tạo được 13 khóa trung cấp, với 1.584 sinh viên;  đào tạo cao đẳng cho các hệ đào tạo tập trung, chuyên tu, tại chức 24 khóa với 1.935 học viên, đào tạo cao đẳng Kiểm sát hệ cử tuyển (KV0) 6 khóa với 141 sinh viên.

 

 Lãnh đạo, cán bộ Nhà trường chụp ảnh lưu niệm cùng đại diện các cơ quan thuộc VKSNDTC.
Lãnh đạo, cán bộ Nhà trường chụp ảnh lưu niệm cùng đại diện các cơ quan thuộc VKSNDTC.


Có thể nói, đây là thời kỳ có rất nhiều khó khăn, vất vả, từ Phân hiệu Trường Cán bộ Kiểm sát với đội ngũ giảng viên, cán bộ chỉ có 9 người, cơ sở vật chất thiếu thốn, chật hẹp, với nhiệm vụ bồi dưỡng những kiến thức cơ bản nghề nghiệp cho cán bộ trong Ngành đã phấn đấu vượt bậc nâng lên thành Trường Cao đẳng Kiểm sát TP.Hồ Chí Minh, tuyển sinh và đào tạo sinh viên có trình độ cử nhân kiểm sát. Nhiều sinh viên, học viên được đào tạo, bồi dưỡng dưới mái Trường kiểm sát trong thời kỳ này, hiện đang giữ chức vụ Lãnh đạo VKSNDTC, VKSND cấp tỉnh, cấp huyện, đóng góp to lớn cho sự phát triển của Ngành; để lại nhiều dấu ấn, kỷ niệm về công tác quản lý, điều hành, sự tận tâm trong công tác giáo dục của Trường phải ghi nhận công sức đóng góp các thầy: Nguyễn Giác, Nguyễn Đức Lương, Nguyễn Văn Ngọc, Phạm Quang Huy, Lê Thành Dương và nhiều thầy, cô giáo đã và vẫn còn đang công tác tại Trường.

Năm 2005, trước yêu cầu đổi mới tổ chức và hoạt động của VKSND theo yêu cầu Nghị quyết số 08/NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị, Viện trưởng VKSNDTC đã ban hành Quyết định số 77/2005/QĐ-VKSTC-V9 “Về việc chuyển Trường Cao đẳng Kiểm sát thành phố Hồ Chí Minh thành Phân hiệu Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát tại thành phố Hồ Chí Minh”.

Từ khi chuyển đổi tên Trường và thu hẹp việc thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực đến nay, Nhà trường gặp rất nhiều khó khăn về công tác tổ chức, công tác giảng dạy, các chế độ, chính sách đối với đội ngũ giảng viên, công chức, viên chức của Trường. Đội ngũ giảng viên cơ hữu của Trường đứng lớp giảng dạy chỉ có 15/37 người. Nhưng với tinh thần trách nhiệm, ý chí quyết tâm cao, tình cảm yêu ngành, yêu nghề của các thế hệ lãnh đạo Ban Giám hiệu Nhà trường cùng các thầy giáo, cô giáo và toàn thể công chức, viên chức đã đứng vững, ở lại nhà trường tận tuỵ, tích cực thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng. Trải qua gần 8 năm (từ năm 2005 đến năm 2013), Phân hiệu Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát đã được giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng tổng cộng 84 khóa với 8.974 lượt cán bộ, Kiểm sát viên VKSND các tỉnh phía Nam tham gia. Trong đó, đào tạo nghiệp vụ kiểm sát cho đội ngũ cán bộ có bằng Cử nhân Luật đã được tuyển dụng vào ngành Kiểm sát nhưng chưa đào tạo nghiệp vụ kiểm sát có 12 khóa với 1.748 người, bồi dưỡng nghiệp vụ theo vị trí việc làm có 72 khóa với 7.226 người. Đặc biệt, đối với công tác bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát, từ chỗ Nhà trường phải mời 100% giảng viên tham gia giảng dạy, đến nay đã tự đảm đương được 40% nội dung chương trình bồi dưỡng; các giảng viên của trường đã trực tiếp nghiên cứu viết các bài giảng trong Chương trình bồi dưỡng chuyên sâu về THQCT và KSĐT, KSXXST các tội phạm giết người và cố ý gây thương tích.

Từ đầu năm 2013, được sự quan tâm chỉ đạo của Ban lãnh đạo VKSNDTC, các Vụ, Viện thuộc VKSNDTC, toàn thể Ban Giám hiệu, các thầy, cô giáo, công chức, viên chức trong Phân hiệu tập trung xây dựng Đề án chuyển tên Phân hiệu thành Trường Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát và đến nay cơ bản đã hoàn thành.

Về nhiệm vụ của Nhà trường, thực hiện quan điểm chỉ đạo của Đảng về chiến lược cán bộ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại đất nước; nâng cao chất lượng cán bộ nguồn nhân lực trong điều kiện hội nhập quốc tế; thực hiện chủ trương của Lãnh đạo VKSNDTC trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo, Nhà trường tập trung những nhiệm vụ cơ bản sau đây: Đào tạo nghiệp vụ kiểm sát cho cán bộ, công chức đã được tuyển dụng vào ngành Kiểm sát đã có bằng tốt nghiệp Cử nhân Luật nhưng chưa qua đào tạo nghiệp vụ Kiểm sát (thời gian 09 tháng); Bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu cho cán bộ, Kiểm sát viên theo vị trí làm việc, tiêu chuẩn của ngạch công chức, tiêu chuẩn các chức danh, tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý theo quy định của pháp luật và quy định của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức; Tập huấn nghiệp vụ ngắn hạn cho cán bộ, Kiểm sát viên nhằm cập nhật các văn bản pháp luật mới được ban hành có liên quan đến hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành; Tổ chức xây dựng và biên soạn các loại chương trình, giáo trình, tập bài giảng và tài liệu đào tạo, bồi dưỡng theo quy định trình Hội đồng thẩm định của VKSNDTC quyết định; Tổ chức nghiên cứu khoa học, phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng; gắn đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học với thực tiễn theo yêu cầu phát triển của ngành Kiểm sát nhân dân; Thực hiện nhiệm vụ đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức theo Kế hoạch của Viện trưởng VKSNDTC; Cải tạo xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng do VKSNDTC giao cho.

Trước những thời cơ, đồng thời cũng là những thách thức vô cùng khó khăn, còn rất nhiều vấn đề đặt ra cho Nhà trường đòi hỏi phải làm trong thời gian tới, nhưng “Chúng tôi sẽ  kế thừa, phát huy những thành quả, giá trị tích cực của các thế hệ đi trước cùng nhau chung sức một lòng xây dựng Nhà trường ngày càng trưởng thành về mọi mặt nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ quan trọng được VKSNDTC giao cho trong tình hình mới” – Hiệu trưởng Đinh Xuân Nam khẳng định.
 

Thuý Hà - Phi Sơn

.