(BVPL) - Đợt 1 xét tuyển đại học cao đẳng năm nay vừa khép lại nhưng dư âm của 20 ngày nộp hồ sơ đăng ký vẫn còn đó. Hàng triệu thí sinh và gia đình vẫn chưa an tâm, không biết bản thân mình hoặc con em mình sẽ có cơ hội học ở trường nào. Những mong đợi về một kỳ thi hai chung đã không trọn vẹn. Kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia lần đầu tiên tổ chức còn rất nhiều hạn chế cả trong khâu tổ chức, chấm thi, công bố điểm thi và đặc biệt là xét tuyển cần được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổng kết rút kinh nghiệm.

 


Những đổi mới trong việc xét tuyển đại học, cao đẳng năm nay cũng khiến các trường đau đầu. Là đơn vị tổ chức xét tuyển để chọn sinh viên vào học nhưng đa phần các trường đều phải phụ thuộc vào phần mềm tuyển sinh của Bộ GD&ĐT. Ngay trong những ngày đầu của đợt xét tuyển, phần mềm này đã rơi vào tình trạng tắc nghẽn do phải gánh lượng truy cập khổng lồ. Ngoài ra, các trường còn phải đầu tư thêm về nhân sự, máy móc và thời gian để hoàn thành công đoạn nhập, chuyển thông tin hồ sơ xét tuyển nhiều lần theo hình thức thủ công. Công việc này càng về sau càng nặng nề hơn, có một tỷ lệ thí sinh không nhỏ đỗ đại học mà không quan tâm ngành, nghề mình đăng ký cuối cùng, không cần biết nó có thực sự là ngành, nghề mình yêu thích hay không.

Lý giải về nguyên nhân của tình trạng rối bời trong đợt xét tuyển đại học, cao đẳng năm nay, TS. Giáp Văn Dương cho rằng: Cái gốc của vấn đề là Bộ chưa giao quyền tự chủ cho các trường đại học “Câu chuyện mối quan hệ giữa Bộ và Trường dường như có sự không tin nhau và không có sự phân quyền. Giải pháp rốt ráo cho rằng là Bộ phải phân quyền việc tuyển sinh. Hiệu trưởng có toàn quyền trong công tác này. Thí sinh học trường nào, ngành gì, đó là câu chuyện của thí sinh và trường muốn tuyển học sinh có phẩm chất như thế nào, thì đó là câu chuyện của trường, chứ không phải câu chuyện của Bộ. Cho nên tôi cho rằng Bộ chỉ tổ chức kỳ thi quốc gia thôi, còn việc tuyển sinh như thế nào hoàn toàn để cho trường chủ động mới là giải pháp rốt ráo, hợp lý”. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc quản lý, tổ chức công tác xét tuyển năm nay của Bộ GD&ĐT rõ ràng là đang “có vấn đề” cần phải rút kinh nghiệm.

TS. Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng: “Theo tôi, Bộ GD&ĐT đã không triệt để ứng dụng tin học. Đáng lẽ học sinh không cần phải đến trường, không cần phải nộp cái gì cả. Mỗi em có một mã số mà điểm thi quốc gia thì Bộ đã quản rồi, thì chỉ cần với điểm ấy, nguyện vọng đầu tiên thi vào trường nào, chọn trường đó và trường căn cứ vào phổ điểm thi, vào nguyện vọng của mỗi trường, mỗi khoa người ta xét. Theo tôi chỉ cần để 5 ngày thôi cho học sinh nhập, sau 5 ngày thì các trường đó đã có quyền chọn”.

Để gỡ rối cho những mùa thi sau, PGS.TS Mai Văn Chinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT nêu ý kiến: Với các em mà chưa trúng tuyển vào nguyện vọng một thì cơ hội vào học ở các trường đại học, cao đẳng của các em chưa phải đã hết, cũng sẽ còn khá nhiều các trường đại học, cao đẳng xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Thông tin liên quan đến xét tuyển các đợt bổ sung sẽ được các trường cập nhật ở trên website của trường. Những em nào chưa trúng tuyển ở nguyện vọng một thì các em có nguyện vọng ở khối, ngành nào, khối trường nào thì các em sẽ thu thập thông tin, tìm hiểu kỹ để làm thủ tục xét tuyển. Việc đăng ký xét tuyển vào nguyện vọng bổ sung các em sử dụng các giấy báo điểm còn lại để làm thủ tục đăng ký xét tuyển ngay tại Sở GD&ĐT, tại trường THPT do Sở quy định hoặc qua đường bưu điện hoặc là trực tiếp tại các trường. Các em lưu ý là trong đợt xét tuyển bổ sung thì các em không được thay đổi nguyện vọng như trong đợt xét tuyển đợt một và điểm trúng tuyển của các đợt bổ sung không được thấp hơn điểm trúng tuyển ở các đợt trước đó. Do đó, các em cần phải tham khảo thông tin về điểm trúng tuyển đối với các ngành, các trường cụ thể mà các em định vào học để rồi căn chỉnh với kết quả của mình để có quyết định xét tuyển bổ sung. Việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 và những năm tới, trên cơ sở thực hiện Nghị quyết 29 theo định hướng là tổ chức kỳ thi càng ngày càng thân thiện, càng giảm áp lực, càng giảm tốn kém cho xã hội và cho gia đình các em. Với mô hình tổ chức như năm 2015, chúng ta đã bước đầu đạt được mục tiêu đó. Bộ GD&ĐT cùng với các bên liên quan sẽ tiếp tục thảo luận để tối ưu hóa quy trình tổ chức thi...

Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các trường phải chạy phần mềm xét tuyển để xác định danh sách thí sinh trúng tuyển, công bố và cập nhật lên hệ thống những danh sách trúng tuyển trước ngày 25/8. Tuy nhiên, tình trạng hồi hộp, lo lắng đến mất ăn, mất ngủ của hàng triệu thí sinh và người nhà chắc chắn sẽ không dừng lại sau khi các trường công bố điểm chuẩn nguyện vọng 1 mà sẽ kéo dài nhiều tháng nữa, cho đến khi kết thúc xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 4 vào ngày 20/11 tới.
 

Khoa Nguyên

.