Vào dịp nghỉ hè, trong ngày giáo viên có tới dăm bảy ca dạy thêm, thu nhập dăm bảy chục triệu đồng/tháng là chuyện thường.
 


Số ít thầy cô giáo dạy thêm có tiếng, thu hút được học nhiều học sinh. Đến kỳ nghỉ hè, họ “chạy” hết công suất. Trong ngày, có tới dăm bảy ca dạy thêm, thu nhập dăm bảy chục triệu đồng/tháng là chuyện thường. Phần nhiều giáo viên dạy học thêm cũng chỉ kiếm thêm chút thu nhập, từ 3 đến 6 triệu đồng/tháng để có thêm tiền trang trải cho cuộc sống gia đình.

Thầy Lê Vân, giáo viên Vật lý, trường THPT số 1 Sơn Tịnh (Quảng Ngãi), cho biết: "Nếu đồng lương nghề giáo chúng tôi mà tốt lên, sống được thì chúng tôi cũng không muốn dạy thêm trong hè, trong năm nữa. Kiếm được đồng bạc từ dạy thêm thật sự là tốn công sức lắm".

Hè này cũng là hè đầu tiên các địa phương, nhà trường thực hiện Thông tư 17 của Bộ GD-ĐT quy định về dạy thêm, học thêm. Theo đó, đến nay, Chủ tịch UBND các tỉnh thành đã ban hành quy định về dạy thêm, học thêm trên địa phương mình.

Theo quy định mới thì bậc tiểu học không được tổ chức dạy, học thêm các môn văn hóa bất cứ hình thức nào; giáo viên bậc THCS, THPT đang làm việc, hưởng lương nhà nước thì không được đứng ra  tổ chức dạy học thêm.

Mặc dù nhiều Sở GD-ĐT, Phòng GD-ĐT, nhà trường đã tuyên truyền, nhắc nhở, kiểm tra giáo viên nhiều lần về quy định dạy thêm, học thêm mới, thế nhưng nhiều giáo viên từ bậc tiểu học đến bậc THPT ở nhiều địa phương, nhất là các thành phố lớn vẫn vi phạm luật, cố tình tự tổ chức dạy học thêm tại nhà. Dạy học thêm vẫn tràn lan, gây bức xúc dư luận.

Nói tóm lại, văn bản, quy định, hô hào không thiếu, nhưng trong ngành giáo dục ta lại rất thiếu đi sự đồng bộ, kiểm tra, xử lý nghiêm túc về việc dạy học thêm của giáo viên trong năm học và kỳ nghỉ hè.

Đã làm thì làm cho đến nơi, đến chốn, còn không thì thôi, chứ trây trây ra đó chỉ thêm mất niềm tin mà thôi.
 

Theo VTC News