Được ví như  “ốc đảo” giữa lòng thành phố, cồn Phó Ba (ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên) đón năm học mới với nụ cười hồn nhiên và sự hào hứng của các em học sinh trên trường tiểu học “độc nhất” nơi đây. Dù điều kiện học tập còn lắm khó khăn nhưng học sinh “ốc đảo” luôn làm thầy cô hãnh diện với việc đến trường đều đặn, duy trì sĩ số gần như 100% ngay từ những ngày đầu năm. 
 
Nhiều giáo viên chia sẻ, vì môi trường sống của các em bị hạn hẹp, lại nghèo khó nên ảnh hưởng ít nhiều đến việc dạy và học. Rõ ràng nhất là ở môn tập làm văn của học sinh khối lớp 5. Nếu giáo viên ra đề bảo học sinh tả hay nói lên cảm nghĩ về ngày khai giảng, hay về các con vật như trâu, bò thì kết quả chỉ là “con số 0”.
 
Vì từ trước đến nay, lễ khai giảng chỉ được diễn ra ở điểm chính Trường tiểu học Nguyễn Hữu Cảnh (xã Mỹ Hòa Hưng). Học sinh điểm II chưa bao giờ được dự vì sự cách trở và chi phí đi lại. Mặc dù, đã được nghe giáo viên diễn đạt lại không khí rộn ràng của ngày khai giảng nhưng với các em là chưa đủ. Và, việc hình dung và tả lại buổi lễ đó qua bài làm văn là đều khó khăn. Có thể nói đó là một sự thiệt thòi của học sinh sống trên “ốc đảo” này. Song, khó khăn lớn nhất của trường chính là việc vận động gia đình đóng bảo hiểm y tế cho con em mình.
 
“Hầu như năm nào, thầy hiệu trưởng cũng trích vài suất bảo hiểm y tế ở trường học điểm chính cho điểm phụ. Còn về bảo hiểm tai nạn, đầu năm học, chúng tôi đều đăng ký học sinh đóng 100%. Nếu phụ huynh không có khả năng đóng, giáo viên chúng tôi sẽ trích tiền lương của mình để bù vào khoản đó. Sống trên xứ cồn, đi ra đường là gặp sông nước nên việc có 1 thẻ bảo hiểm tai nạn là điều rất cần thiết với các em” - cô Nguyệt chia sẻ thêm. 
 
Khó khăn là vậy nhưng học sinh ở cồn Phó Ba rất hạnh phúc vì được giáo viên thương yêu. Dù nghèo khó, thiếu thốn nhiều thứ nhưng tất cả thầy, cô giáo đều quyết không để học trò mình thiếu sách, vở ngay từ ngày đầu năm. Nhờ được sự quan tâm kịp thời của chính quyền địa phương cũng như sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm nên đến thời điểm nay, học sinh xứ cồn luôn tự tin đến trường với đầy đủ tập, sách. Để linh hoạt, giáo viên còn lập một danh sách do học sinh kê khai là thiếu những sách gì và mượn từ thư viện của trường học điểm chính về cho học sinh học với cam kết phải bảo quản thật cẩn thận.
 
“Nhà em nghèo lắm, năm nay em được vô lớp 1, trước đó ba mẹ cứ lo là không có tiền mua tập, sách cho em đến lớp. Được thầy cô cho tập và mượn sách trong những ngày đầu đến lớp, em rất vui và biết ơn sự yêu thương đó. Em hứa sẽ chăm chỉ học hành để không phụ lòng thầy, cô!” - em Trần Quang Vỹ (học sinh lớp 1E, Trường tiểu học Nguyễn Hữu Cảnh) vui mừng. 
 
Về mặt sĩ số, đó là việc duy nhất giáo viên có thể an tâm với học trò trên “ốc đảo” này. Trường học nằm ở đầu cồn nên từ đuôi cồn, học sinh đi học đã “í ới” gọi nhau, xếp hàng đi thành 1 dãy dài khiến cho xóm nghèo thêm phần rộn rã. Hơn nữa, nếu không đi học thì các em ở nhà với ai, vì ba mẹ đều bận việc mưu sinh đến chiều tối mới về nhà.
 
“Có em vội đi học mà quần áo, mặt mũi còn lấm lem. Thấy vậy, tôi phải dẫn các em đi rửa mặt, lau chùi tay chân. Làm sao mình có thể trách mắng được các em, cũng bởi hoàn cảnh nên mới như thế. Nói thật, đây là năm đầu tiên tôi về dạy ở trường này. Bỡ ngỡ lắm chứ vì điều kiện vật chất thiếu thốn lại thêm nguy hiểm khi qua sông hàng ngày, nhưng sự hồn nhiên và thơ dại của học sinh đã níu chân tôi. Tôi sẽ đem tất cả tình thương của mình để dạy bảo, giúp các em trở thành người có ích!”- cô Trần Thị Bích Tuyền (giáo viên lớp 1E) bộc bạch.  
 
Tiếng trống khai trường, năm học 2017-2018 đã bắt đầu trên cồn Phó Ba mang theo nhiều hoài bão, ước mơ. Hy vọng trên bước đường ấy luôn có sự chung tay của các nhà hảo tâm để các em không phải tủi phận vì hoàn cảnh khó khăn. 
 
Theo Phương Lan (Báo An Giang)