(BVPL) - Hiện nay, việc dạy thêm, học thêm như trăm hoa đua nở, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Thực tế cho thấy, có những thầy cô thu nhập từ việc dạy thêm chỉ khoảng vài triệu đồng mỗi tháng nhưng cũng có không ít những thầy cô thu nhập cả trăm triệu mỗi tháng từ việc dạy thêm. Không thể phủ nhận hiện trạng dạy thêm đang bị lạm dụng. Tuy nhiên, ngăn chặn việc lạm dụng của dạy thêm, học thêm dường như đang rơi vào vòng luẩn quẩn.
Chị Bình (Mỹ Đình, Hà Nội) cho biết, ở trường của con chị nhà trường tổ chức trông giữ thêm một tiếng cuối buổi chiều đối với những học sinh bố mẹ không thể đón con đúng giờ sau giờ tan trường, chi phí mỗi tháng là 300.000 đồng/cháu. Chị Bình cho biết, nhà chị cũng không quá bận rộn và vẫn có thể đón cháu đúng giờ vào lúc 16 giờ 20 phút. Tuy nhiên, lớp con chị hầu hết các cháu đều ở lại học thêm để cô hướng dẫn làm bài tập về nhà. Chính vì vậy nên chị Bình cũng đã ký vào bản cam kết để con ở lại học cùng các bạn. Khi được hỏi về hiệu quả của việc gửi con thêm một tiếng lại trường để cô hướng dẫn làm bài tập về nhà, đa số các phụ huynh đều cho rằng nhà trường gợi ý và hầu hết học sinh trong lớp đều ở lại học thêm nên cũng đành gật đầu chứ thực ra không chắc đã có hiệu quả. Nhiều phụ huynh cho rằng, ngay từ buổi học đầu tiên, khi con đưa ra tờ cam kết đã được nhà trường soạn thảo sẵn họ đã chần chừ mãi nhưng rồi cũng đành ký vào vì nếu không tham gia, kiểu gì con mình cũng gặp rắc rối.
Thậm chí, nhiều phụ huynh còn cho biết, tại cuộc họp đầu năm, có những giáo viên đã gợi ý về các buổi học thêm 3 môn cơ bản là Văn, Toán và Ngoại ngữ ở những địa điểm ngoài do giáo viên thuê...
Thực tế, ở hầu hết các điểm dạy thêm, giáo viên thường dạy học sinh học trước chương trình, cho làm trước các dạng bài tương tự bài kiểm tra ở lớp và cá biệt có nhiều trường hợp thầy, cô còn thiên vị học sinh học thêm. Điều này khiến các bậc phụ huynh tỏ ra vô cùng lo ngại, trong khi học sinh lại coi đây là một lợi ích của việc học thêm.
Luẩn quẩn trong việc tháo gỡ
Thời điểm này, khi năm học mới đang bắt đầu, câu chuyện về dạy thêm, học thêm thực sự nóng hơn bao giờ hết. Đặc biệt, lá đơn xin cho con được là học sinh dốt của một nhà văn mới xuất hiện gần đây đã thu hút được sự quan tâm của hầu hết phụ huynh. Đại đa số phụ huynh đều cho rằng, nội dung phản ánh trong đơn rất giống với thực tế hiện nay. Chị Phương (Định Công, Hà Nội) cho biết, thực ra tôi rất muốn con tôi được xếp loại học lực theo đúng khả năng của cháu, để hàng ngày cháu được vừa học vừa chơi. Tuy nhiên, đôi khi thầy cô cứ chạy theo thành tích thành ra biến chính học sinh của mình trượt dài trong vòng xoáy đó.
Phân tích, lý giải về việc dạy thêm, nhiều giáo viên cho rằng, thời gian trên lớp thường không đủ để dạy hết những bài dài, bài khó và luyện tập nên phải dạy thêm để chuyển tải hết nội dung bài học cho học sinh. Còn phụ huynh như phân tích ở trên thường tự buộc mình phải tham gia cuộc đua bất đắc dĩ, nếu không học thêm con mình sẽ không theo kịp các bạn hoặc sợ mất lòng giáo viên. Còn với học sinh - chủ thể chính của việc học thêm thì mỗi ngày đến trường thêm bơ phờ, mệt mỏi. Nhiều phụ huynh chia sẻ phải cho con đi học thêm vì sợ giáo viên trù dập.
Có quan điểm cho rằng, việc dạy thêm là xuất phát từ nhu cầu của cả phụ huynh học sinh lẫn giáo viên. Một bên muốn cho con theo kịp bạn bè, thậm chí vượt, một bên muốn nâng cao thu nhập. Chính vì điều này mà từ nhiều năm nay, việc dạy thêm, học thêm cứ rơi vào vòng luẩn quẩn rất khó tìm nút tháo gỡ.
Một chuyên gia tâm lý cho rằng, nếu học thêm nhiều sẽ có hại cho trẻ bởi trẻ đã học cả ngày ở trường rồi, nếu học thêm nữa trẻ sẽ học trong trạng thái mệt mỏi, khó tiếp thu được bài vở. Đặc biệt ở lứa tuổi tiểu học, trẻ cần chơi đùa để lớn lên có đôi mắt tinh nhanh và cơ thể khỏe mạnh. Học thêm nhiều quá sẽ làm thui chột tư duy và sự sáng tạo của trẻ.
Thực tế, việc dạy thêm, học thêm hiện vẫn tồn tại và để giải quyết triệt để vấn đề này không thể chỉ là giải pháp hành chính mà cần nhiều giải pháp đồng bộ khác. Phụ huynh cũng cần phải xác định rằng nếu học sinh đã học 2 buổi/ngày rồi thì không cần phải học thêm nữa.
Việc học thêm, dạy thêm từ nhiều năm nay như cái vòng luẩn quẩn. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết: Học thêm, dạy thêm là nhu cầu có thật nên Bộ không cấm, nhưng cấm dạy thêm tràn lan, không đúng, ý đồ như đưa nội dung chính khóa thành nội dung dạy thêm, ép học sinh phải học thêm.
Hữu Bắc