Không gây căng thẳng cho học trò khi thi học kỳ
Cập nhật lúc 14:32, Thứ hai, 28/11/2016 (GMT+7)
Giáo viên không được tạo áp lực cho phụ huynh, học sinh trong việc thi học kỳ 1, đây là kiểm tra nhẹ nhàng, bình thường nhằm nắm bắt tình hình học sinh. (học sinh, phụ huynh, thi học kỳ, giáo viên, Sở GD-ĐT TPHCM)
Giáo viên không được tạo áp lực cho phụ huynh, học sinh trong việc thi học kỳ 1, đây là kiểm tra nhẹ nhàng, bình thường nhằm nắm bắt tình hình học sinh.
Sở GD-ĐT TPHCM vừa có văn bản hướng dẫn các trường về việc kiểm tra cuối học kỳ cấp tiểu học. Trong đó, nhấn mạnh nội dung việc kiểm tra học kỳ là hoạt động bình thường nhằm nắm bắt tình hình học sinh. Hiệu trưởng có trách nhiệm nhắc nhở giáo viên không tạo áp lực cho phụ huynh và học sinh trước kỳ kiểm tra.
|
Giáo viên cần xem kiểm tra học kỳ là một hoạt động nhẹ nhàng để không gây căng thẳng cho học trò, phụ huynh |
Trong khi kiểm tra, giáo viên chủ nhiệm sẽ tổ chức cho học sinh làm bài tại lớp dưới dạng bài kiểm tra thông thường, nhẹ nhàng, không gây căng thẳng cho học trò.
Theo Thông tư 30 và Thông tư 22 của Bộ GD-ĐT, hiệu trưởng sẽ chỉ đạo tổ chuyên môn ra đề kiểm tra định kỳ. Tuy nhiên, để đảm bảo sự thống nhất, sự khách quan và chất lượng của đề kiểm tra, Sở khuyến khích các trường giao giáo viên chủ nhiệm soạn đề, sau đó nộp về cho tổ chuyên môn. Tổ chuyên môn sẽ chọn lọc và chuyển cho ban giám hiệu chọn đề để làm bài thi cho khối.
Giáo viên chủ nhiệm sẽ phụ trách việc chấm bài. Giáo viên sửa lỗi, nhận xét những ưu điểm và góp ý hạn chế một cách tường minh, rõ ràng để phụ huynh và chính giáo viên có cơ sở tập trung bồi dưỡng cho học sinh trong học kỳ 2. Cách cho điểm cuối cùng theo thang điểm 10, không cho điểm 0 và điểm thập phân.
Theo Hoài Nam/Dân trí
.