“Siêu khuyển” với những chiến tích ngoạn mục

Một ngày cuối năm chúng tôi lên khu vực biên giới Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, Hà Tĩnh khi những đoàn người đang nờm nợp qua lại làm thủ tục xuất nhập cảnh tại khu vực kiểm soát để về quê ăn Tết. Tại trạm kiểm soát, các chiến sỹ biên phòng, cán bộ Hải quan ai cũng tất bật với công việc của mình. Và những chú chó nghiệp vụ ở khu vực này cũng phải căng mình làm việc cật lực không kém.

leftcenterrightdel
Siêu khuyển cùng lực lượng BĐBP tuần tra, kiểm soát khu vực biên giới Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh). 

Nói về những “sĩ quan đặc nhiệm” của mình, Đại tá Võ Trọng Hải - Chỉ huy trưởng BĐBP Hà Tĩnh cho biết: Hiện nay, BĐBP Hà Tĩnh và Chi cục Hải Quan sử dụng trên 200 chú chó nghiệp vụ làm nhiệm vụ ở các đồn biên phòng (ĐBP), cửa khẩu, kho tàng giáp biên và nhiều mục tiêu quan trọng khác để phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện các mục tiêu. Chó nghiệp vụ đã góp nhiều chiến công, nhất là phá các vụ án ma túy đặc biệt nghiêm trọng. Chính vì thế, giờ đây, chó nghiệp vụ đã trở thành lực lượng đồng hành cùng những người lính mang quân hàm xanh trên mọi nẻo đường thi hành nhiệm vụ…

Trung úy Nguyễn Trọng Bình, người đã gắn bó với “chiến sỹ” RécMan (tên chú chó) gần 10 năm ở khu vực kiểm soát Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo cho biết, để lập nên những kỳ tích, các chú chó nghiệp vụ phải trải qua một quy trình huấn luyện nghiêm ngặt, sát hạch rất gắt gao và phân thành nhiều nhóm khác nhau. Con to khỏe, dữ tợn thì hầu như về bộ phận chiến đấu; con có khứu giác tinh ranh, nhạy bén sẽ về đội giám định nguồn hơi, tìm kiếm cứu nạn, phát hiện ma túy, chất nổ…

Và trong quá trình phá án, chiến công của các chiến sỹ biên phòng đều gắn liền với những chú chó nghiệp vụ này.

Anh Hà Trọng Tuấn, một cán bộ Hải quan trạm kiểm soát Cầu Treo cho biết: Các đối tượng buôn bán bất hợp pháp rất lưu manh và liều lĩnh, chúng sử dụng mọi chiêu thức để qua mặt lực lượng chức năng. Trong quá trình tuần tra kiểm soát bằng các máy móc, thiết bị, lực lượng chức năng có thể không phát hiện ra nhưng chó nghiệp vụ phát hiện ra rất nhanh chóng. Điển hình vụ phát hiện đối tượng Nguyễn Thị Hạnh cùng con trai vận chuyển 5,4 kg “đá” qua cửa khẩu. Khi đó, Hạnh đã dùng vật liệu bọc ma túy rồi cho vào thùng sơn đóng lại gửi xe ô tô tải chở hoa quả vận chuyển từ Lào về Việt Nam. Máy soi của lực lượng chức năng không thể phát hiện nhưng số ma túy trên lại không qua mắt được các chú chó nghiệp vụ.

Hay các vụ án bắt các “chân rết” của tên trùm ma túy Xiêng Phiêng hồi đầu tháng 4/2012, bắt giữ 11 đối tượng, trong đó 1 đối tượng mang quốc tịch Thái Lan và 10 đối tượng mang quốc tịch Lào, tịch thu 5,5 tấn ma túy, cần sa (gồm 3,5 tấn ma túy, 2 tấn cần sa) ép khô vào hồi tháng 7/2015 là những minh chứng khẳng định vai trò đắc lực của những chú chó nghiệp vụ trong việc đấu tranh, phá án…

Đại úy Nguyễn Văn Biền nhớ lại, lúc đó lực lượng đánh án mật phục và phát hiện một nhóm đối tượng là tay chân của Xiêng Phiêng đang tập kết cần sa tại một khu đồi ở Sa Khẹt - Lào. Khi mọi phương án đã được lên kế hoạch thì bất ngờ xuất hiện hai người đàn ông mang sắc phục Công an Lào yêu cầu kiểm tra lực lượng phá án. Một tình huống ngoài kế hoạch khiến lực lượng trong Ban chuyên án chưa biết xử lý thế nào thì chú chó nghiệp vụ SaLa đã đánh hơi được đây là công an giả nên giúp Ban chuyên án kịp thời bắt giữ hai đối tượng này và tiếp tục phá án thành công…

Theo thống kê của BĐBP Hà Tĩnh, tính từ năm 2009 đến nay, BĐBP, Hải Quan Hà Tĩnh đã phối hợp với các lực lượng chức năng khác bắt giữ hàng trăm đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, thu giữ hàng trăm bánh heroin, ma túy tổng hợp cùng nhiều vũ khí quân dụng khác dọc biên giới. Những chiến công này đều có sự tham gia của các chú chó nghiệp vụ…

“Cặp bài trùng” trong cuộc sống


Theo các cán bộ chỉ huy, để phát huy, sử dụng được các chú chó nghiệp vụ này thì công tác nuôi dưỡng, huấn luyện rất gian nan và công phu.

Các chú chó nghiệp vụ ở đây đều đã trải qua các trường huấn luyện rất bài bản, nghiêm khắc. “Siêu khuyển trước khi huấn luyện, đưa về đây sử dụng đều có học bạ và lý lịch rất rõ ràng, người được giao chỉ huy, sử dụng chó nghiệp vụ cũng được cử về Trường Huấn luyện chó nghiệp vụ để học cách huấn luyện, chăm sóc chó từ khi nó còn đang nhỏ…”- Đại tá Hải cho biết.  

leftcenterrightdel
“Siêu khuyển” cùng lực lượng Hải quan tham gia kiểm soát tại Trạm Kiểm soát Cầu Treo. 

“Học viên và siêu khuyển phải trở thành cặp bài trùng. Để thu phục, đào tạo được một chú chó thành thục các kỹ năng, người huấn luyện không chỉ đơn giản là dạy các thói quen, phản xạ mà còn phải thực sự yêu thương, chăm sóc nó như bạn bè, người thân. Đặc biệt, chó chiến đấu rất trung thành với chủ, chúng gần như chỉ “thờ” một chủ. Vì vậy, người huấn luyện phải làm quen với “bạn đồng hành” từ khi chúng mới vài tháng tuổi” - Trung úy Bình, người sử dụng chó nghiệp vụ phân tích.

Trung úy Bình cho biết, anh đã từng hủy cuộc hẹn với người yêu để ở nhà chăm sóc chú chó RécMan của mình bị ốm. Thường xuyên tắm, chải lông, vuốt ve… là việc ai cũng làm được nhưng nói chuyện, tâm sự với chó lại là điều không dễ. Thiếu úy Bình cũng thường bỏ tiền túi ra mua bánh quy để lấy lòng “người bạn” mình, bởi trong khẩu phần ăn của trường không có món khoái khẩu này của RécMan.

Ở khu vực biên giới, chuyện những chú chó nghiệp vụ và người sử dụng chó nghiệp vụ có rất nhiều giai thoại. Thượng úy Lê Trọng Hà còn nhớ như in chuyện đồng đội Nguyễn Viết Lam quê ở Nghệ An chọn ở lại khu cửa khẩu để ăn Tết với chú chó của mình. “Cậu ấy sợ “bạn” buồn nên ngày Tết cũng bày chén rượu, bánh chưng ra ngồi với nó” - anh Hà lý giải.

Và những câu chuyện thú vị về những “chiến sĩ” đặc biệt dọc các tuyến biên giới đang tiếp diễn. Chúng vẫn đóng góp một phần không nhỏ trong chiến công của các lực lượng chức năng như BĐBP, Hải quan ở vùng biên.

Văn Tuân