Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo kỳ thi THPT quốc gia vừa qua có tổng cộng 887.396 thí sinh dự thi, trong đó 519.497 thí sinh (59%) dự thi để xét tốt nghiệp và ĐH, 286.129 (32%) thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT và 81.770 (9%) thí sinh tự do dự thi chỉ để xét tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ.

Như vậy xu hướng thi vào ĐH, CĐ của học sinh trong cả nước vẫn như cũ, chưa có sự chuyển biến nào, mặc dù có nhiều trường phổ thông tư vấn cho học sinh học lực trung bình, yếu không nên dự thi ĐH, CĐ. Điều này chứng tỏ xã hội chưa có sự chuyển biến tích cực trong việc phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THPT, tâm lý chuộng tấm bằng ĐH, thích “làm thầy” hơn “làm thợ” vẫn hằn sâu trong nếp nghĩ người dân.

Dựa trên chỉ tiêu tuyển sinh năm 2016 của các trường ĐH, CĐ công bố, thống kê cho thấy, cả nước có 449.789 chỉ tiêu ĐH và 181.378 chỉ tiêu CĐ đang chờ đón thí sinh. Nếu tính chung thì các trường ĐH, CĐ trên cả nước tuyển hơn 71% số học sinh dự thi THPT quốc gia năm nay, riêng ĐH đã tuyển gần 50.7%.

Để trúng tuyển vào các trường ĐH có uy tín, có thương hiệu thì không dễ, nhưng để vào các trường ĐH “bậc trung” thì quá dễ dàng. Năm nay nhiều trường công lập cũng chỉ nhận mức điểm xét tuyển từ 15, nhiều trường xét điểm học bạ, khoảng 5.5 - 6.5 điểm (điểm trung bình của 3 môn trong tổ hợp xét tuyển) là đủ đỗ vào trường ĐH…

Đã có một thời các trường ĐH, CĐ dân lập, CĐ nghề “ăn nên làm ra”, nên loại hình đào tạo này mọc lên như mấm sau mưa. Bây giờ do đào tạo tràn lan, chất lượng chưa đảm bảo, sinh viên ra trường thất nghiệp nhiều nên việc thu hút người học đối với các trường này quả là bài toán khó. Chính vì vậy mới xảy ra cuộc chiến dành giật thí sinh. Sau khi các trường ĐH tốp trên thông báo điểm chuẩn trúng tuyển các ngành, các trường ĐH tốp dưới và các trường CĐ liền gửi giấy mời những thí sinh không trúng tuyển vào nhập học trường của mình với nhiều hứa hẹn. Chưa bao giờ cánh cổng ĐH, CĐ rộng mở như hiện nay. Nhiều trường mở toang cánh cổng mời gọi sinh viên vào học.

Phải chi sau khi tốt nghiệp ĐH, CĐ sinh viên đều tìm được việc làm. Đằng này sinh viên ra trường ngày càng thất nghiệp tràn lan. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội 6 tháng đầu năm 2016, chỉ rõ số thanh niên thất nghiệp có khoảng 190.900 người có trình độ ĐH trở lên; 118.900 người có trình độ CĐ chuyên nghiệp; 10.000 người có trình độ CĐ nghề; 60.200 người có trình độ trung cấp chuyên nghiệp ... Thực tế không ít em sau khi tốt nghiệp ĐH, học tiếp cao học lấy bằng thạc sỹ để kiếm cơ hội kiếm việc làm tốt hơn nhưng cuối cùng vẫn thất nghiệp. Không ít em phải “giấu” bằng thạc sỹ, ĐH để đi học nghề, làm thợ, tìm kế sinh nhai. Trong khi đó, để có tấm bằng ĐH, nhiều gia đình nghèo phải vay nợ ngân hàng, bán trâu, bán ruộng để cho con ăn học.

Đã đến lúc nhà nước cần quy hoạch lại hệ thống đào tạo ĐH, CĐ. Các bộ, ngành quản lý các trường ĐH, CĐ và các bộ liên quan phải có “tiếng nói chung” trên tinh thần trách nhiệm xã hội trong việc cắt giảm các ngành đào tạo, số lượng tuyển sinh, thậm chí đóng cửa một số trường nếu cần thiết. Phải lấy chất lượng đào tạo, mục tiêu bồi dưỡng nhân lực, đào tạo nhân tài làm tiêu chí hàng đầu. Các trường ĐH, CĐ cần giữ mối liên hệ với sinh viên sau khi tốt nghiệp để có thông tin sinh viên ra trường có việc làm hay không (thông qua các cuộc điều tra, khảo sát), từ đó có kế hoạch điều chỉnh đào tạo phù hợp. Bộ LĐ-TB-XH cần dự báo nhu cầu lao động của xã hội ít nhất trong vòng 5 - 10 năm. Các trường ĐH, CĐ cần khảo sát thị trường lao động, đối thoại và hợp tác với các công ty, doanh nghiệp lớn, khu công nghiệp, xem họ có nhu cầu lao động như thế nào, chất lượng ra sao, từ đó có kế hoạch đào tạo phù hợp.

Cánh cổng trường ĐH đang mở rất rộng, cơ hội trở thành kỹ sư, cử nhân đang dang rộng vòng tay chào đón các bạn trẻ và thực tế cũng cho thấy, có nhiều cử nhân phải đi làm trái nghề, thậm chí làm những việc chẳng cần đến tấm bằng ĐH. Đây là điều thí sinh, phụ huynh cần suy nghĩ, cân nhắc để lựa chọn một hướng đi phù hợp.

 

Theo Người lao động

.