leftcenterrightdel
 Quang cảnh hội thảo.

Tham dự Hội thảo có TS. Vũ Hồng Huy – Phó Vụ trưởng Vụ xã hội Ban Tuyên giáo Trung ương.

Cùng tham dự Hội thảo có khách mời là các chuyên gia đến từ các nước: Anh, Newzeland, Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc, Thái Lan, Lào theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Đặc biệt, Hội thảo còn dành được dự quan tâm từ các diễn giả ngoài nước như: Dr. Agustinus Hermino Superma Putra (Lào); DR. Chai Ching Tan (Malaysia); Dr. Rochmawati,M.PD (Indonesia) và gần 20 nhà khoa học ngoài nước. Bên cạnh đó, còn có hàng 100 diễn giả trong nước tham gia viết bài và đến tham dự hội thảo.

Hiện nay, tác động của toàn cầu hóa, của kinh tế tri thức, công nghệ thông tin và truyền thông, nhất là những thành tựu nổi bật của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và công nghệ số phát triển mạnh mẽ đã và đang tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia, dân tộc.

Để đáp ứng với những yêu cầu của thời kỳ mới, Giáo dục Việt Nam phải thay đổi mạnh mẽ vượt khỏi những khuôn khổ truyền thống. Một trong những yêu cầu quan trọng, cấp bách là chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học, “Đào tạo con người phát triển toàn diện, chú trọng đến kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, thích ứng với biến đổi nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; coi trọng giáo dục phẩm chất đạo đức, giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc”.

leftcenterrightdel
 Bà Nguyễn Thị Toàn Thắng - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Thuận trình bày tham luận.

Muốn thực hiện được mục tiêu đó cần phải phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững.

Ngày 14/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 522/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong GDPT giai đoạn 2018 - 2025” (gọi tắt Đề án 522), đã xác định mục tiêu chung của công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh là “Tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực quốc gia, hội nhập khu vực và quốc tế”.

Ngày 26/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 897/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình “Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” giai đoạn 2022-2030 ghi rõ mục tiêu: “Nâng cao nhận thức, khát vọng khởi nghiệp, phát triển năng lực khởi nghiệp của thanh niên Việt Nam trong và ngoài nước, tham gia kiến tạo môi trường hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp phát triển đất nước trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra”.

leftcenterrightdel
 Đại biểu tham dự hội thảo.

Hội thảo Quốc tế về “Hướng nghiệp, khởi nghiệp trong thời đại số - Giải pháp cho giáo dục Việt Nam” lần này được Trường Cán bộ quản lý giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức nhằm tìm ra những giải pháp khoa học, phù hợp góp phần phát triển phẩm chất, năng lực cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong thời đại số.

Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được 75 bài tham luận của hơn 100 tác giả là các nhà khoa học, cán bộ quản lý giáo dục, các nhà giáo đang công tác và giảng dạy tại các cơ sở giáo dục trong và ngoài nước. Các bài viết đã hệ thống hóa các công trình nghiên cứu về giáo dục hướng nghiệp, khởi nghiệp trong thời gian vừa qua; phân tích, làm rõ vai trò, ý nghĩa của công tác giáo dục hướng nghiệp, khởi nghiệp trong nhà trường giai đoạn hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số.

Dù tiếp cận vấn đề với nhiều góc độ khác nhau, song các tác giả đều khẳng định giáo dục hướng nghiệp, khởi nghiệp trong thời số là một trong những nhân tố quan trọng, góp phần chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học, gắn với thực tiễn cuộc sống. Công tác hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục giúp người học tích lũy kiến thức, kỹ năng để thúc đẩy tư duy đổi mới, sáng tạo hình thành các ý tưởng, giải pháp khởi nghiệp tạo giá trị mới cho bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội.

leftcenterrightdel
 Tiến sĩ Bùi Việt Phú - Đại học Đà Nẵng trình bày tham luận.

Bên cạnh đó, các chuyên gia dành nhiều thời gian nghiên cứu, phân tích, đánh giá về thực trạng công tác giáo dục hướng nghiệp, khởi nghiệp ở nhà trường Việt Nam trong thời gian qua. Những thuận lợi, khó khăn, cơ hội và thách thức về hoạt động hướng nghiệp trong thời đại số đã được phân tích và chỉ ra được một số nguyên nhân cơ bản và đề xuất một số giải pháp cụ thể để thúc đẩy công tác này trong tương lai.

Một số chuyên gia đi sâu phân tích các phương pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục hướng nghiệp, khởi nghiệp trong nhà trường, trong đó có những bài viết bàn về các phương pháp giáo dục hướng nghiệp, khởi nghiệp chuyên sâu hoặc phân tích cách tích hợp, lồng ghép nội dung giáo dục hướng nghiệp, khởi nghiệp qua các môn học và các hoạt động khác của chương trình giáo dục trong nhà trường.

Đồng thời tại Hội thảo, nhiều diễn giả cũng mày tỏ sự quan tâm đến vai trò của khoa học công nghệ đối với hoạt động hướng nghiệp, khởi nghiệp; vai trò của quản lý  nhà nước đối với hoạt động hướng nghiệp, khởi nghiệp; giải pháp, cơ chế, chính sách để xây dựng mô hình hương nghiệp, khởi nghiệp trong thời đại số hiện nay…

Ngoài ra, yếu tố tư duy đổi mới sáng tạo trong nhà trường; hoạt động bồi dưỡng cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục ở các cơ sở giáo dục về hướng nghiệp, khởi nghiệp cũng được đại biểu tham dự quan tâm đề cập.

leftcenterrightdel
 Đại biểu chụp hình lưu niệm tại hội thảo.

Nhiều tác giả đã chia sẻ về tính cần thiết phải tăng cường công tác quản lý đối với giáo dục hướng nghiệp, khởi nghiệp mà bắt đầu từ lãnh đạo các cấp, các ngành; cần chỉ đạo phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tham gia vào công tác giáo dục hướng nghiệp, khởi nghiệp tạo điều kiện thuận lợi cho nhà trường thực hiện công tác giáo dục hướng nghiệp, khởi nghiệp hiệu quả, phù hợp; cũng như đẩy mạnh công tác tuyên truyền và thông tin giới thiệu các nghề nghiệp mới đáp ứng nhu cầu của địa phương tạo chuyển biến trong nhận thức cho toàn xã hội.

Sau một ngày làm việc khẩn trương, hiệu quả, Hội thảo Quốc tế với chủ đề “Hướng nghiệp, khởi nghiệp trong thời đại số - giải pháp cho giáo dục Việt Nam” đã diễn ra thành công tốt đẹp. Các ý kiến tham gia tại Hội thảo đều mang đến nhiều nội dung giá trị, chứa đựng trong đó những tâm huyết, trách nhiệm, trăn trở về công tác giáo dục hướng nghiệp, khởi nghiệp, những tri thức và kinh nghiệm của các nhà khoa học, các nhà quản lý và các nhà giáo đang công tác và giảng dạy tại các cơ sở giáo dục ở khắp các địa phương trong và ngoài nước và đề xuất một số giải pháp quan trọng, cấp thiết cho giáo dục Việt Nam nói chung, giáo dục hướng nghiệp, khởi nghiệp trong thời đại số nói riêng trong bối cảnh hiện nay.

Với những tham luận được trình bày, Hội thảo sẽ là một nguồn tư liệu quý giá cho các nhà quản lý giáo dục, các giáo viên, cán bộ phụ trách công tác giáo dục hướng nghiệp, khởi nghiệp trong nhà trường tham khảo và vận dụng vào trong quá trình thực hiện công tác giáo dục hướng nghiệp, khởi nghiệp tại đơn vị.

Việt Hoa - Việt An