Theo báo cáo của 46 đơn vị cho cả giáo dục THPT và GDTX, tỉ lệ tốt nghiệp với hệ THPT là 99,01%, với hệ GDTX là 86,977%. con số này nhìn chung không có biến động nhiều so với năm 2013.
 


So với con số của năm 2013, tỉ lệ tốt nghiệp hệ THPT giảm 1,49%, hệ GDTX tăng 8,89%.

Theo đánh giá của Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT), kết quả này phản ánh những điều chỉnh, đổi mới của kỳ thi năm nay đã có tác động tích cực, nâng cao chất lượng đánh giá công nhận tốt nghiệp THPT.

Học sinh được tự chọn môn thi vừa giảm áp lực thi cử, vừa phát huy năng lực, sở trường và định hướng nghề nghiệp của các em học sinh;

Kết hợp sử dụng kết quả thi 4 môn thi với kết quả học tập tất cả các môn của lớp 12 để xét công nhận và xếp loại tốt nghiệp, khắc phục hiện tượng học lệch. Kết quả học tập của học sinh được ghi nhận một cách toàn diện và liên tục hơn, học sinh tránh được những rủi ro có thể xảy ra trong kỳ thi.

Đề thi năm nay có yêu cầu cao hơn các năm trước, tăng cường các câu hỏi đòi hỏi học sinh vận dụng kiến thức tổng hợp để giải quyết vấn đề chứ không nặng về ghi nhớ máy móc các số liệu, sự kiện hay trả lời theo các khuôn mẫu có sẵn.

Cũng theo đánh giá này, điểm thi của thí sinh năm nay phản ánh sát hơn năng lực của học sinh.

Những đổi mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 đã có tác động tích cực đến hoạt động dạy và học trong trường phổ thông.

Đối với giáo viên, kỳ thi đã làm thay đổi nhận thức về dạy học, thi, kiểm tra đánh giá; Việc đổi mới đề thi theo định hướng đánh giá năng lực, cũng như việc chấm bài theo hướng mở đã đặt ra yêu cầu đối với mỗi giáo viên phải đổi mới phương pháp giảng dạy, phương pháp kiểm tra, đánh giá một cách thực chất hơn.

Giáo viên phải tự bồi dưỡng, tham gia bồi dưỡng nâng cao dần năng lực giảng dạy, kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh; khắc phục dần tình trạng dạy học đối phó, truyền thụ một chiều học thuộc lòng máy móc, tiêu cực trong dạy thêm, học thêm.

Đối với học sinh, kết quả thi cũng tác động mạnh vào nhận thức của các em giúp phát huy hứng thú của các em, giúp các em định hướng nghề nghiệp sau THPT hình thành, phát triển năng lực và phẩm chất của người học; Khắc phục tình trạng học đối phó và sử dụng “phao thi”. Những đổi mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay đã thực sự đưa học sinh vào trung tâm của quá trình dạy học.

Trên cơ sở đó, Bộ GD-ĐT sẽ xây dựng định hướng cho việc tổ chức dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá trong quá trình và thi tốt nghiệp THPT năm học 2014 - 2015 và các năm tiếp theo; hướng tới tổ chức kỳ thi chung vừa làm căn cứ để xét công nhận tốt nghiệp, vừa cung cấp dữ liệu tin cậy để các cơ sở giáo dục đại học sử dụng trong tuyển sinh đại học và cao đẳng.
 

Theo Vietnamnet

.