Gần bước qua tuổi lục tuần, nhưng cô Vi Thị Kiên (sinh năm 1958, xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) vẫn giữ được ngọn lửa đam mê với việc học. Vừa nhận được thông báo đậu tốt nghiệp THPT sau khi tham dự kỳ thi Quốc gia năm 2017, cô Kiên đã có mặt ở TP. Cần Thơ để hoàn thiện hồ sơ theo học 4 năm đại học Luật - Trường đại học Cần Thơ (hệ vừa học vừa làm).
 
 
Nói là làm, cô Kiên làm lại giấy tờ đã thất lạc và đăng ký học bậc THPT (hệ giáo dục thường xuyên) tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Tri Tôn. 
 
“Ban đầu, ông xã và mấy đứa con không chịu cho tôi đi học, vì tôi lớn tuổi, đi học có được gì đâu mà phải đi ban đêm, ban hôm mưa gió cực khổ… Nhưng khi nghe suy nghĩ, mong muốn của tôi là được đi học, bổ sung kiến thức cũng là một hình thức rèn luyện trí não nên mọi người đều ủng hộ”- cô Kiên chia sẻ. 
 
Phải có được đam mê, động lực lớn lắm cô Kiên mới có thể đằng đẵng suốt 3 năm trời, hầu như không bỏ 1 buổi học nào dù trời mưa gió. Con cái yên bề gia thất là động lực rất lớn để cô Kiên tiếp tục theo đuổi đam mê của mình bằng việc tính chuyện đi học lại, bổ sung những kiến thức còn dở dang. Có hôm trời mưa lớn quá, con dâu lấy chìa khóa xe giấu, không cho cô đi học, sợ nguy hiểm. 
 
“Lúc đó, tôi nói mẹ nghỉ học là kiến thức bị gián đoạn rồi mai mốt làm sao biết gì mà làm bài kiểm tra. Mình phải đi học đều, đó mới là tấm gương sáng cho các cháu trẻ học cùng chớ…”- cô Kiên giải thích.
 
Phó Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tri Tôn Trần Quang Long cho biết, dù là học sinh lớn tuổi nhất trường, nhưng cả 3 năm THPT, cô Kiên đều theo học rất xuyên suốt và đạt học lực khá. 
 
“Đây là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo, chứng tỏ sự học không bao giờ lỗi thời, kiến thức là vô tận. Lúc cô Kiên đi thi, trong buổi đầu tiên, nhiều người còn tưởng đây là phụ huynh, không cho cô vào khu vực thi. Tới chừng nói ra, ai cũng bất ngờ hết…”- thầy Long cho hay. 
 
Giải thích lý do chọn học Luật chứ không phải một ngành nào khác, cô Kiên cho rằng, ở độ tuổi của cô, theo học không phải sử dụng bằng cấp để đi làm mà để nâng cao kiến thức. 
 
“Học luật là để bổ sung kiến thức, đầu tiên là để giáo dục con cháu, sau đó là tuyên truyền cho mọi người sống và làm việc theo pháp luật. Sống thật văn minh, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc trong thời kỳ đất nước hội nhập…”- cô Kiên tin tưởng.
 
Đối với cô Kiên, kiến thức không bao giờ thừa, việc học như phương pháp thể dục để chống lại những bệnh của tuổi già. “Bởi vậy, khi có thời gian, có điều kiện thì mình cứ học, học mãi. Lúc đó, mình là tấm gương cho con cháu noi theo…”- cô Kiên phân tích . 
 
Theo Ánh Nguyên (Báo An Giang)
.