(BVPL)-Những hành vi bắt cóc trẻ em đang diễn biến khó lường với sự gia tăng nhanh chóng về số vụ, thủ đoạn gây án tinh vi, tính chất liều lĩnh, táo tợn. Hành vi bắt cóc có thể xảy ra ở bất cứ đâu, với bất kỳ gia đình nào và với trẻ ở mọi lứa tuổi. Đã đến lúc các bậc phụ huynh dạy cho trẻ những kĩ năng phòng tránh trường hợp bị bắt cóc.

 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
 
Không viết, tiết lộ danh tính trẻ trên vật dụng cá nhân
 
Các bậc phụ huynh nên tránh, hoặc thậm chí không nên gắn bảng tên vào balo của con hay viết tên con lên vật dụng bởi người lạ có thể dễ dàng tiếp cận thông tin cá nhân theo cách đó. Khi nói chuyện với một đứa trẻ bằng tên của chúng, người lạ sẽ có thể dễ chiếm sự tin tưởng của trẻ và dẫn đến các hành động nguy hiểm khác.
 
Tạo ra một mật khẩu gia đình
 
Một người lạ mặt tới gần và nói với trẻ “Đi với cô nào. Cô sẽ đưa cháu đến chỗ bố mẹ!”. Cha mẹ nên dạy trẻ, điều đầu tiên trẻ nên làm là hỏi người lạ: “Tên bố mẹ cháu là gì? Mật khẩu của gia đình cháu là gì?”. Hãy sáng tạo ra một cụm từ chỉ gia đình biết và dặn con học thuộc cho những tình huống khẩn cấp.
 
Đồng hồ có nút bấm khẩn cấp
 
Cha mẹ có thể trang bị cho con mình các thiết bị có nút khẩn cấp có thể là đồng hồ, dây chìa khóa, vòng tay hoặc huy hiệu. Phụ huynh có thể liên tục theo dõi vị trí của con bằng ứng dụng di động. Nếu đứa trẻ bấm nút, tín hiệu sẽ được chuyển tới phụ huynh hoặc cảnh sát.
 
Hét lên với người lạ “Cháu không quen ông ta!”
 
Hãy dặn trẻ rằng nếu như bị người lạ lôi đi không mong muốn, hoặc người lạ có cư xử khiếm nhã. Trẻ có thể tự vệ bằng cách cắn, đá hay hét lên, bất cứ hành động nào để thu hút sự chú ý của mọi người bằng mọi giá nào.
 
Giữ một khoảng cách nhất định trong cuộc trò chuyện
 
Nếu một cuộc trò chuyện với người lạ kéo dài hơn 5-7 giây, hãy dặn trẻ tốt nhất là hãy rời khỏi đó và đi đến một địa điểm an toàn khác như trong một đám đông hay nơi đông người qua lại. Kể cả trong quá trình trò chuyện, trẻ nên đứng ở một khoảng cách nhất định, nếu người lạ mặt cố gắng xích lại gần hơn, hãy bước lùi lại. Phụ huynh nên thực hành tình huống này với trẻ để chỉ rõ khoảng cách cần thiết.
 
Tránh đi chung thang máy với người lạ
 
Con nên đứng đợi thang máy bằng cách dựa lưng vào tường để có thể quan sát bất cứ ai đến gần. Nếu là người lạ hoặc ít quen biết với gia đình, trẻ có thể nghĩ ra mọi lý do để không đi thang máy với người đó. Tốt nhất là giả vờ quên thứ gì đó, đi kiểm tra hộp thư hay cho biết đang đợi bố mẹ. Khi bị kéo vào trong thang máy, trẻ cần cắn và hét lên cho tới khi có người lớn xuất hiện.
 
Không để người lạ biết bố mẹ không có nhà
 
Nếu trẻ đang ở nhà một mình mà có người gõ cửa hoặc bấm chuông, nhưng không nhìn thấy ai qua lỗ ở cửa hay không ai trả lời khi được hỏi “Ai đó?”, trẻ nhất định không được mở cửa dù chỉ vì tò mò xem chuyện gì đang xảy ra. Bên cạnh đó, trẻ không được cho người lạ biết bố mẹ không có nhà, ngay cả khi người lạ nói là bạn của họ hay thợ sửa ống nước. Nếu người lạ rất dai dẳng và bắt đầu cố gắng đột nhập vào nhà, trẻ phải cùng lúc gọi cho bố mẹ và hàng xóm.
 
Thùy Hương (t/h)
.