Quy định bỏ điểm sàn của Bộ GD- ĐT đang đẩy hàng loạt trường trung cấp chuyên nghiệp (THCN) đứng trước bờ vực phá sản vì không “bói” đâu ra thí sinh.

 


Ông Nguyễn Việt Dũng, hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật Sài Gòn than thở: “Căn cứ vào số liệu tuyển sinh, chúng tôi sắp chết. Trong 4 năm gần đây, năm sau thường ít hơn năm trước. Từ năm 2010 tuyển được hơn 800 thí sinh đến năm 2013 chỉ được khoảng 700 nhưng khi vào học thì hao hụt còn 590 em”.

Tương tự, đại diện Trường TC Tổng hợp TP.HCM cho biết, các năm trước nhà trường tuyển được trên 1.000 em, năm 2013 giảm chỉ còn 600 em, tình hình năm 2014 chắc chỉ được vài trăm em.

Tại trường TC Đông Nam Á,  số sinh viên theo học trong các năm từ 2011 đến nay cũng giảm từ 1.100 xuống 800 và hiện chỉ còn gần 500 người – ông Phan Dũng Danh hiệu trưởng cho hay.

Ông Nguyễn Công Danh, hiệu trưởng Trường TC Việt Khoa lắc đầu ngao ngán nói: “cả năm 2013 trường chỉ tuyển được 150 học sinh, chưa bằng phân nửa năm trước đó. Trên thực tế, lượng nhập học chỉ còn 100, mỗi lớp hiện chỉ từ 10 đến 12 người học”.

Hiệu trưởng TC Bến Thành - ông Lương Quang Ngọc cho rằng: cứ đến mùa tuyển sinh hằng năm, các trường luôn “thót tim” bởi những quy định đang đẩy họ vào thế phá sản.

“Mỗi ông Bộ trưởng ra đời là một chính sách khác nhau, chúng tôi không biết đâu mà lần bởi những chính sách này thiếu thực tế. Bộ bảo các “ông” TCCN không lo xây dựng cơ sở vật chất làm sao tuyển được thí sinh trong khi lo mỗi vấn đề tuyển sinh, lo đã chết rồi. Bộ quan tâm “con đẻ” (trường công) là đúng. Nhưng việc cho “con đẻ” mở ngành mới nên cho mở những ngành trường tư không có” - ông Ngọc nói

Ông Đặng Văn Sáng, hiệu trưởng TC Ánh Sáng cho rằng, việc bỏ điểm sàn cộng với tâm lý ưa chuộng bằng cấp như hiện nay ai cũng muốn có tấm bằng đại học. Bộ không dùng điểm sàn, lợi thế này sẽ thuộc về trường công trong khi vấn đề phân luồng xưa nay vốn chỉ như “lùa vịt”, ngăn đầu này chạy đầu kia.

Bỏ điểm sàn phải làm ngặt

Theo ông Lương Quang Ngọc nên coi giáo viên trường công cũng như tư. Dù dạy ở trường nào GV đều phải đổ mồ hôi nước mắt, trong khi GV trường công được hưởng nhiều chế độ thì GV dạy trường tư chẳng được bao nhiêu, nhà trường lại khó lòng níu giữ.

"Hơn nữa, chúng tôi đề nghị Bộ cấm các trường ĐH còn tuyển sinh và đào tạo TCCN, trả lại việc tuyển sinh TCCN cho các trường trung cấp. Chấn chỉnh những chính sách mang tính chất chiến lược lâu dài cho toàn bộ ngành giáo dục chứ không phải giải quyết đại học rồi mới cao đẳng, trung cấp” - ông Ngọc đề xuất

Trong khi đó, ông Đặng Văn Sáng cho rằng, khi chưa đưa ra được những giải pháp, chính sách phân luồng hữu hiệu thì bộ không nên vội vàng bỏ điểm sàn. Vì điểm sàn đang là công cụ phân luồng hiệu quả, phần nào giúp giữ cơ cấu về trình độ lao động. Bộ cần có giải pháp giữ hệ thống tránh tình trạng phải giải thể để toàn bộ kinh phí đã đầu tư sẽ đổ bể...

“Bộ quyết định bỏ điểm sàn, phải giám sát chỉ tiêu tuyển sinh các trường. Trường nào xin 1000 nếu tuyển 1001 phải phạt thật nặng”- ông Nguyễn Khắc Thương, hiệu trưởng TC Tây Sài Gòn kiến nghị

Còn hiệu trưởng Trường TC Công nghệ thông tin Sài Gòn Đỗ Hữu Khoa kiến nghị: nếu Bộ cho các trường xét tuyển bậc ĐH nên tuyển từ học sinh giỏi trở lên, bậc cao đẳng tương đương với loại khá, TCCN xét trung bình và Trung bình khá, không nên để ĐH cũng đi xét tuyển học sinh học lực trung bình.
 

Theo Dân trí

.